Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông.

cát linh hà đông
Dự án dường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông liên tục chậm tiến độ. (Ảnh: Sơn Trà)

Ngày 27/9, Bộ GTVT tổ chức họp báo thường kỳ quý III/2019.

Tại buổi họp báo, liên quan đến dự án Cát Linh – Hà Đông chưa thể khai thác (khối lượng xây lắp của dự án còn 1%), thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông lý giải là do chưa hoàn thành công tác chỉnh trang, hoàn thiện mỹ quan và hồ sơ hoàn công, thủ tục nghiệm thu chưa xong. Các thiết bị đã lắp đặt phía tổng thầu Trung Quốc chưa cung cấp đầy đủ chứng chỉ, hồ sơ để hoàn tất đánh giá an toàn hệ thống.

Dự án cũng chưa hoàn thành đề cương vận hành thử toàn hệ thống để đoàn tàu chạy thử nhằm kiểm chứng hoạt động của thiết bị và đánh giá độ sẵn sàng của hệ thống, nhân sự vận hành; chưa được bổ sung đủ hồ sơ quản lý chất lượng nên đơn vị tư vấn độc lập chưa có đủ cơ sở xác định mức độ an toàn của toàn hệ thống.

Thứ trưởng Đông cho hay từ tháng 4 đến nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã gặp và làm việc trực tiếp với lãnh đạo tổng thầu, các cơ quan ngoại giao phía Trung Quốc để đôn đốc giải quyết các vấn đề tồn đọng nhưng chưa đạt kết quả. Đặc biệt là công tác tập hợp hồ sơ của tổng thầu chưa đáp ứng yêu cầu.

Hiện Bộ cũng không thể đưa ra chính xác ngày dự án đi vào khai thác thương mại. Tổng thầu Trung Quốc đã có dự kiến tiến độ hoàn thành nhưng theo đánh giá của Bộ GTVT là chưa khả thi. Bộ đang yêu cầu Tổng thầu khẩn trương lập kế hoạch chi tiết đối với từng hạng mục còn lại để xác định thời gian hoàn thành dự án.

Nguyên nhân chậm trễ chủ yếu là do tổng thầu Trung Quốc. Dự án này là bài học kinh nghiệm rất lớn đối với Bộ GTVT” – Thứ trưởng Đông nói.

Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đông khẳng định Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã kết luận đúng các sai sót của dự án từ tháng 9/2009 đến tháng 11/2018.

>> Kiểm toán NN: Đường sắt Cát Linh – Hà Đông chi sai gần 3.000 tỷ đồng

Lý giải, Thứ trưởng Đông cho hay do tính chất của dự án và các điều kiện khách quan như chậm trễ trong giải phóng mặt bằng nên từ khi khởi công đến cuối năm 2015, chủ đầu tư phải thực hiện hình thức duyệt, tạm duyệt dự toán để có cơ sở cho việc thực hiện một số hạng mục xây lắp và tạm thanh toán giá trị khối lượng cho tổng thầu.

Ngoài ra, do quy định của Việt Nam và Trung Quốc có nhiều khác biệt về thiết kế, đơn giá định mức nên việc lập dự toán chưa đầy đủ, văn bản hướng dẫn áp dụng chính sách chậm ban hành, dẫn đến quá trình thực hiện còn có sai sót, tồn tại đã được KTNN chỉ ra.

Bộ GTVT đã có báo cáo giải trình với KTNN và sẽ nghiêm túc thực hiện các kết luận mà KTNN đã nêu ra, đồng thời sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung vượt thẩm quyền” – Thứ trưởng Đông cho biết.

Về kết luận của KTNN “biết lỗ vẫn làm”, Thứ trưởng Đông cho rằng thực tế dự án đã được xác định bù lỗ ngay từ khi thành lập.

Đầu tư dự án đường sắt không thể thu hồi vốn. Chức năng của đường sắt đô thị là để phục vụ cho địa phương phát triển vận tải công cộng. Do đó, mục tiêu thu hồi vốn không phải là ưu tiên hàng đầu khi triển khai dự án” – ông Đông cho hay.

Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư 8.769,97 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD), quá trình thực hiện Dự án được điều chỉnh là 18.001,59 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD).

Nguồn vốn sử dụng từ vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc với giá trị là 669,62 triệu USD và vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD.

Từ năm 2008 đến tháng 8/2014, Bộ GTVT giao cho Cục Đường sắt Việt Nam (Cục ĐSVN) làm Chủ đầu tư dự án, Ban quản lý dự án Đường sắt thuộc Cục ĐSVN là đại diện chủ đầu tư. Thực hiện tái cơ cấu các Ban quản lý dự án, tháng 8/2014, Bộ GTVT đã chuyển chủ đầu tư dự án từ Cục ĐSVN về Bộ GTVT và giao cho Ban QLDA Đường sắt thuộc Bộ làm đại diện Chủ đầu tư.

Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng trọn gói (EPC), trong đó Tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Thỏa thuận hợp đồng được Cục Đường sắt Việt Nam ký với Tổng thầu vào tháng 02/2009, các điều khoản hợp đồng được các bên hoàn tất và ký vào tháng 5/2010. Dự án chính thức được khởi công vào tháng 10/2011 và tiến độ dự kiến hoàn thành trong 48 tháng kể từ ngày Chủ đầu tư bàn giao mặt bằng sạch cho Tổng thầu.

Đến nay, dự án đã hoàn thành xong phần xây dựng hạ tầng bao gồm: 13,05km cầu cạn, 12 nhà ga trên cao, 16 khu đơn thể Depot và cảnh quan cây xanh; đã mua sắm, lắp đặt 13 đoàn tàu, thiết bị phục vụ chạy tàu và đã chạy thử đơn động các hệ thống và đoàn tàu cùng 05 chuyên ngành phục vụ chạy tàu trực tiếp; đang hoàn thiện các quy trình vận hành, bảo trì, hệ thống quy trình quản lý an toàn vận hành; đánh giá an toàn hệ thống cơ bản hoàn thành cho phần xây dựng, đang tiếp tục đánh giá các hạng mục còn lại; đã hoàn thành đào tạo lý thuyết và phần thực hành các chuyên ngành vận hành, đang hướng dẫn duy tu bảo dưỡng cho từng loại thiết bị cụ thể tại hiện trường,…

Kim Long

Xem thêm: