Bộ GTVT Việt Nam vừa kiến nghị Chính phủ tăng thêm 10%/năm vốn bảo trì đường bộ giai đoạn 2021 – 2025 so với năm 2020, do nguồn vốn 8.000 tỷ đồng/năm không đủ đáp ứng nhu cầu.

chi phi bao hanh quoc lo
Một con đường quốc lộ tại Sapa. (Ảnh minh họa: Phuong D. Nguyen/Shutterstock)

Hiện mỗi năm Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) được cấp khoảng 8.000 tỷ đồng bảo trì 24.000km quốc lộ, bình quân hơn 333 triệu đồng/km/năm.

Tuy nhiên, cơ quan này cho biết số kinh phí trên mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu. Cơ quan chủ quản – Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ đồng ý tăng thêm 10%/năm số vốn trên, tương ứng 800 tỷ đồng/năm trong vòng 5 năm tới, 2021-2025, để bổ sung cho hoạt động bảo trì này.

Nếu đề xuất trên được Chính phủ thông qua, trong 5 năm, tổng nguồn vốn đầu tư công phải chi thêm vào khoảng 4.000 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn trên tương đương chi phí dự kiến đầu tư mới tuyến cao tốc vành đai phía Tây TP Cần Thơ đi qua 5 quận huyện, kết nối quốc lộ 91 và 61C, dài 19,4 km, nhằm giảm chi phí thời gian và chi phí vận chuyển khi cả miền Đông và Tây Nam bộ hiện chỉ có 2 tuyến cao tốc.

Trước đó, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cấp thêm 799 tỷ đồng để sửa chữa các tuyến đường hư hỏng sau đợt mưa lũ tháng 10, tháng 11 vừa qua. Trong đó, chi phí sửa đường quốc lộ là 679 tỷ đồng và đường sắt là 120 tỷ đồng.

Tổng cục Đường bộ: Cần hơn 350.000 tỷ đồng để bảo trì quốc lộ

Đối với tình trạng TNGT vẫn ở mức cao, ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết một trong những nguyên nhân là do hạ tầng giao thông. Do đó, ngoài đề xuất tăng thêm tiền bảo trì quốc lộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ 5 nhóm giải pháp với tổng chi phí đề xuất 9.290 tỷ đồng.

Nhóm 1, xử lý hơn 500 nút giao cắt đồng mức, 69 cầu vượt nhẹ như sửa chữa vuốt nối các góc giao, làn chờ rẽ, lắp thêm đèn tín hiệu, biển báo, sơn kẻ đường, tăng chiếu sáng. Tổng kinh phí gần 1.400 tỷ đồng (vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ gần 700 tỷ đồng, vốn BOT hơn 700 tỷ đồng).

Nhóm 2, tăng các hạng mục an toàn giao thông vào ban đêm như lắp đặt tấm chống chói tại các dải phân cách giữa; lắp đinh phản quang tim đường, điện chiếu sáng tại các điểm dân cư, các vị trí nguy hiểm trên đường. Tổng kinh phí 580 tỷ đồng (vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ gần 400 tỷ đồng, vốn BOT hơn 200 tỷ đồng).

Nhóm 3, tăng cường an toàn giao thông tại các đoạn đèo dốc như lắp đặt hộ lan 2 – 3 tầng, tường phòng hộ, tường lốp, con xoay, đường cứu nạn, hốc cứu nạn… Tổng kinh phí được đề xuất là hơn 1.500 tỷ đồng (vốn sự nghiệp kinh tế là hơn 1.300 tỷ đồng, vốn BOT hơn 160 tỷ đồng).

Nhóm 4, tăng cường các công trình, thiết bị an toàn giao thông, báo hiệu đường bộ như sơn kẻ mặt đường, đinh phản quang, tiêu phản quang, biển báo hiệu; sửa chữa, lắp đặt hộ lan các vị trí còn thiếu. Tổng kinh phí 210 tỷ đồng.

Nhóm 5, mở rộng mặt cầu, mặt đường các vị trí bị thắt hẹp, các đoạn lưu lượng giao thông lớn như đường cao tốc Hà Nội-Bắc Ninh, Quốc lộ 3 mới; nâng cấp mở rộng đạt 4 làn xe một số đoạn trên Quốc lộ 1 lưu lượng giao thông lớn nhưng chỉ có 2 làn xe cho cả chiều; xây dựng thêm đơn nguyên mới để tương thích với bề rộng mặt đường như cầu: Xương Giang, Như Nguyệt, Sông Gianh và Quán Hàu.

Tổng kinh phí được đề xuất cho giải pháp này hơn 5.600 tỷ đồng, từ nguồn vốn đầu tư xây dựng trung hạn hoặc bổ sung vào dự án BOT khi cân đối phương án tài chính của dự án.

Nguyễn Sơn

Xem thêm: