Bãi bỏ Quỹ Bảo trì đường bộ chỉ là điều chỉnh lại phương thức cấp nguồn kinh phí cho hoạt động bảo trì đường bộ; việc thu phí sử dụng đường bộ là không thay đổi.

quỹ bảo trì đường bộ, thu phí bảo trì đường bộ
Một con đường gần trung tâm TP.HCM, ngày 1/8/2019. (Ảnh: Shutterstock)

Tại cuộc họp báo quý 3 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) (ngày 27/9), Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ GTVT đang chuẩn bị cho việc bỏ Qũy Bảo trì đường bộ theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án sắp xếp tổ chức các đơn vị như Văn phòng Qũy và phân bổ chức năng nhiệm vụ cụ thể đã được xây dựng xong.

Ông Đông cho biết điều này là làm theo đề nghị bãi bỏ Nghị định 18 về Qũy Bảo trì đường bộ. Nghị định 18 quy định phương thức thu, đơn vị thu, hình thức thu, tỷ lệ được giữ lại và cách quản lý Qũy.

Tuy nhiên, ông Đông đồng thời cho hay “dù bỏ quỹ nhưng vẫn sẽ thu phí bảo trì đường bộ”. 

“Bỏ Quỹ bảo trì đường bộ nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn thực hiện theo luật và tiếp diễn bình thường tại các trung tâm đăng kiểm. Việc bãi bỏ Quỹ Bảo trì chỉ mang tính chất sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hoạt động, phù hợp với các quy định mới của pháp luật hiện hành”, Thứ trưởng Đông nói.

Việc tổ chức thu sẽ do Bộ Tài chính chủ trì tham mưu cho Chính phủ; Bộ GTVT tham gia trên tư cách phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng quy định cho phương án thu.

Về việc “xóa” Quỹ Bảo trì đường bộ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay là do Bộ Tài chính và đoàn giám sát cho rằng Quỹ chưa tự chủ hoàn toàn về tài chính và có hoạt động thu chi trùng với hoạt động thu chi của ngân sách.

Trong khi đó, việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ đã được quy định theo Luật Phí và lệ phí số 97/2015 của Quốc hội.

Do vậy, việc bãi bỏ Quỹ Bảo trì đường bộ không có nghĩa là không phải đóng phí sử dụng đường bộ – lãnh đạo Bộ GTVT cho hay.

Theo cách quản lý mới, phí bảo trì đường bộ sẽ vẫn được nộp qua các trung tâm đăng kiểm; Cục Đăng kiểm tổng hợp nộp vào ngân sách Nhà nước. Sau đó, Nhà nước sẽ cấp nguồn từ ngân sách cho Bộ GTVT để thực hiện việc bảo trì đường bộ.

Như vậy, đề nghị bãi bỏ Quỹ Bảo trì đường bộ chỉ là điều chỉnh lại phương thức cấp nguồn kinh phí cho hoạt động bảo trì đường bộ theo Luật Ngân sách Nhà nước; việc thu phí sử dụng đường bộ là không thay đổi.

Quỹ Bảo trì đường bộ được thành lập năm 2013, do Hội đồng quản lý quỹ điều hành quản lý, Văn phòng quỹ có vai trò tham mưu.

Năm 2017, theo quy định của Luật Phí và lệ phí 2015 và Luật Ngân sách Nhà nước 2015, nguồn thu của Quỹ Bảo trì đường bộ nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước. Ngân sách Nhà nước sẽ cấp chi cho Quỹ Bảo trì đường bộ.

Theo đó, Bộ GTVT cho rằng vai trò của Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương không đảm bảo hiệu quả như trước nên đã đề nghị Thủ tướng giải thể Hội đồng này.

Tháng 9/2018, theo đề nghị của Bộ GTVT và ý kiến của các Bộ Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc giải thể Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương sau 5 năm hoạt động.

Tại phiên họp thứ 36 (tháng 8/2019), Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kiến nghị xem xét lộ trình bỏ Quỹ Bảo trì đường bộ. Ủy ban này cho rằng theo Luật Ngân sách Nhà nước 2015, tất cả các khoản thu phí đường bộ phải nộp vào ngân sách Nhà nước. Toàn bộ nội dung chi về bảo trì đường bộ được thực hiện thông qua dự toán ngân sách cấp hàng năm.

Nguyễn Quân

Xem thêm: