Liên quan tới đề xuất bỏ hay giữ lại loa phường, Chủ tịch UBND TP cho rằng cần xét tính hiệu quả, những nơi không còn phù hợp thì có thể bỏ, trong khi đó PGĐ Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho rằng điều chỉnh bất cập chứ không bỏ. 

Ngoại trừ ở vùng nông thôn, biển đảo, nơi người dân cần thông tin nhanh trong các tình huống khẩn cấp như bão lũ, thiên tai, xả lũ..., tại các đô thị, đa phần người dân cho rằng nên bỏ loa phường, xã do tình trạng ô nhiễm tiếng ồn (Ảnh dẫn qua lapdatamthanh.com)
Ngoại trừ ở vùng nông thôn, biển đảo, nơi người dân cần thông tin nhanh trong các tình huống khẩn cấp như thiên tai, xả lũ…, tại các đô thị, đa phần người dân cho rằng nên bỏ loa phường, xã do tình trạng ô nhiễm tiếng ồn (Ảnh dẫn qua lapdatamthanh.com)

Phát biểu tại Hội nghị của Sở Thông tin Hà Nội ngày 9/1, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu cơ quan này đánh giá kết quả, tác dụng của việc dùng loa truyền thanh ở cấp phường, qua đó báo cáo lên TP để TP xem xét việc bỏ hay giữ lại phương tiện truyền thông này.

Loa ở thời kỳ bao cấp rất có tác dụng. Còn thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, thành phố có nhiều phương thức khác phục vụ nhân dân, ví dụ như cung cấp chỉ số môi trường qua mạng internet… Liệu loa còn phù hợp không”, ông Chung nêu vấn đề.

Ông Chung cho biết cần thay đổi để phù hợp với tính chất công nghệ thông tin thời hiện đại, không nên áp tính “truyền thống” để giữ nguyên, không thay đổi. Nơi nào còn tác dụng tốt, như ở ngoại thành, thì có thể giữ, những nơi dân trí đã cao có thể bỏ đi. Đặc biệt, cần xem xét khu vực nội đô có cần tiếp tục để loa phường hoạt động nữa hay không.

Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông được giao rà soát toàn bộ hệ thống loa phường, xã trên địa bàn, báo cáo kết quả lên UBND TP vào cuối quý I/2017. Nội dung báo cáo sẽ thông tin đầy đủ về hiện trạng hoạt động và đề xuất phương án đối với hệ thống loa phường, xã.

Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Minh Khánh, PGĐ Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, cho biết hệ thống loa phường hoạt động rất có hiệu quả và Sở sẽ tham mưu không bỏ mà chỉ điều chỉnh những bất cập.

Mặc dù thừa nhận từ cách đây 3 đến 4 năm, Sở đã nhận được nhiều phản ánh về việc hệ thống loa phường lợi ích đem lại thì ít, mà phiền hà gây ra lại quá nhiều, ông Khánh vẫn khẳng định nếu đánh giá chung thì hệ thống truyền thanh này rất có hiệu quả, có vai trò quan trọng đối với người dân địa bàn.

Về trách nhiệm của cơ quan, ông Khánh cho biết trong thời gian tới nhận yêu cầu từ TP, sẽ cùng các quận, huyện, thị xã tiến hành rà soát về số lượng, nhân lực, kinh phí đang vận hành hệ thống loa phường, xã, sẽ lấy ý kiến của người dân để biết hệ thống loa phát thanh có phù hợp với nhu cầu hiện nay hay có ảnh hưởng sinh hoạt người dân hay không.

Tuy nhiên, trước câu hỏi TP dự kiến sẽ đưa ra hình thức thông tin gì thay thế trong trường hợp cần phải bỏ hệ thống loa phường, ông Khánh cho biết không bỏ mà phải điều chỉnh những bất cập, đặc biệt, đầu tư công nghệ tiên tiến để hệ thống truyền thanh này thân thiện hơn, phù hợp với nhu cầu của người dân.

Bà Phan Lan Tú, GĐ Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết hệ thống loa truyền thanh phường xã có hai mục đích: một là cung cấp thông tin cho người dân, hai là phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến trong điều hành của chính quyền địa phương.

Nhiều người dân cho rằng loa phát thanh chỉ phù hợp ở vùng nông thôn, biển đảo, nơi người dân ít có nguồn thông tin và cần thông tin nhanh trong các tình huống khẩn cấp như thiên tai, xả lũ… Ở các đô thị, mật độ dân cư đông đúc, bận rộn, nếu dùng loa phát thanh sẽ gây ảnh hưởng tới nhiều người, trong khi có nhiều phương thức tra cứu, thông báo thông tin tiết kiệm và tiện lợi khác như website, thư điện từ, bảng thông tin, tờ thông báo…

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho biết ngày trước, loa phường có tác dụng thông tin tốt vì báo chí chưa phát triển. Đến nay, “loa phường không còn tác dụng nhiều bởi hiện tại các phương tiện truyền thông rất nhiều, người dân có thể cập nhật thông tin bằng nhiều hình thức khác “nhẹ nhàng” hơn thay vì phải nghe tiếng loa công suất lớn“, ông Tiến chia sẻ.

Đồng quan điểm, TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho biết cần thay đổi phương thức truyền thông này. Tùy từng vùng, nơi mà truyền thông chưa phổ biến thì vẫn nên giữ. Còn ở đô thị, nơi trình độ dân trí, kinh tế xã hội phát triển thì nên bỏ.

Đây không phải lần đầu tiên vấn đề giữ hay gỡ bỏ loa phát thanh được đưa ra. Khoảng tháng 9/2015, qua báo giới, ý kiến nên bỏ loa phường, xã do tình trạng ô nhiễm về tiếng ồn được đông đảo bạn đọc nêu.

Không chỉ tại các phường, xã, cụm dân cư, hệ thống loa còn được sử dụng tại các điểm giao thông với nội dung là các văn bản về trật tự an toàn giao thông, như: Luật giao thông đường bộ, đường sắt; Luật xử lý vi phạm hành chính, kế hoạch tăng cường đảm bảo trật tự giao thông… Điều này được cho là để nâng cao ý thức người dân khi lưu thông trên đường. Tuy nhiên, cách cung cấp thông tin này không có tác dụng với người đi ô tô.

Nguyễn Quân (T/h)

Xem thêm: