Trước báo giới tại buổi họp báo thường kỳ ở Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ báo cáo nhân quyền từ Ủy ban Bảo vệ Nhà báo thế giới (CPJ), cho rằng “Việt Nam luôn ủng hộ và đảm bảo thực thi quyền tự do báo chí”.

bo ngoai giao viet nam bac bo cao buoc quan che tu do bao chi
(Ảnh minh họa: Vietnam Stock Images/Shutterstock)

Ngày 17/12, trả lời chất vấn từ báo giới, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng bác bỏ những nhận định mới đây của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo thế giới (CPJ) cho rằng Việt Nam ngày càng gia tăng kiểm duyệt báo chí, bắt giam và kết án tù các nhà báo trong năm 2020.

Bà Lê Thị Thu Hằng nói rằng những nhận định của CPJ là “những nội dung sai sự thật, không khách quan, với định kiến xấu” đối với tình hình Việt Nam.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định “Việt Nam luôn ủng hộ và bảo đảm thực thi quyền tự do báo chí”, theo Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật liên quan.

Một số số liệu được được bà Hằng dẫn ra để chỉ sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam trong thời gian qua như tính đến hết năm 2019, Việt Nam có 868 cơ quan báo chí, 125 kênh truyền hình; mạng di động phủ sóng 99,7% dân số, hơn 64 triệu người đang sử dụng Internet và hơn 62 triệu người sử dụng mạng xã hội.

Trong báo cáo thường niên được công bố vào ngày 15/12 vừa qua, CPJ nhận định số nhà báo bị bắt bỏ tù trên toàn thế giới trong năm 2020 đạt mức kỷ lục là 274 người bất chấp dịch bệnh COVID-19 đang lan rộng. Tại Việt Nam, tính riêng trong năm 2020, con số nhà báo bị bắt giữ là 15 người.

Đối với việc bắt giữ các nhà báo, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng việc này là do các các cá nhân vi phạm pháp luật. “Ở Việt Nam cũng như ở bất cứ nhà nước pháp quyền nào trên thế giới, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và bất cứ ai nếu có hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xét xử theo đúng trình tự tố tụng đã được quy định trong pháp luật hiện hành”, bà Hằng nói.

Tuyên bố trên được đưa ra cùng ngày với vụ bắt giữ nhà báo Trương Châu Hữu Danh, ngày 17/12, với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (Điều 331 Bộ luật Hình sự).

Hơn hai tháng trước, chỉ vài giờ sau khi cuộc đối thoại nhân quyền Hoa Kỳ-Việt Nam kết thúc, nhà báo, tác giả Phạm Đoan Trang bị bắt trong đêm 6/10 tại nhà trọ ở TP.HCM với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước.” (Điều 117 Bộ Luật Hình sự).

Ngày 14/8/2020, nhà báo, blogger Trương Duy Nhất bị TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên y án sơ thẩm 10 năm tù với cáo buộc tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (Điều 356 Bộ luật Hình sự), dù người có quyền và nghĩa vụ liên quan là ông Phan Văn Anh Vũ nhiều lần khẳng định ông Nhất vô tội.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Trung Quốc bắt giam nhiều nhà báo nhất thế giới năm 2019