Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng đã lên tiếng trước thông tin Việt Nam làm chậm tốc độ truy cập của Facebook để yêu cầu Facebook gia tăng kiểm duyệt nội dung được coi là bất hợp pháp tại Việt Nam.

ong ngo toan thang
Ông Ngô Toàn Thắng.

Chiều 23/4, tại phiên họp thường kỳ của Bộ Ngoại giao, phóng viên đã đề nghị Bộ này trả lời câu hỏi “Có phải Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Facebook gỡ bỏ các thông tin bất lợi cho Chính phủ trong thời gian qua?”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng cho rằng chủ trương của Việt Nam là phát triển, ứng dụng internet, công nghệ thông tin, nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin, học tập và làm việc của người dân.

Ông Thắng khẳng định Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, phát triển hạ tầng số ở Việt Nam “trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam.”

Phó phát ngôn viên nhấn mạnh các doanh nghiệp phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các trách nhiệm về thuế, các trách nhiệm xã hội với cộng đồng; đối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin phải “hợp tác với chính phủ trong việc xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh.”

“Là một công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, Facebook đã cam kết tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Chính phủ Việt Nam quan tâm đến việc Facebook sẽ thực hiện các cam kết này như thế nào trong thời gian tới,” ông Thắng nói.

Facebook kiểm duyệt phim tài liệu về nguồn gốc của COVID-19

Reuters: Facebook đồng ý kiểm duyệt bài viết sau khi Việt Nam làm chậm tốc độ truy cập

Trước đó hôm 22/4, Reuters đã đăng tải bài viết của James Pearson, trưởng đại diện hãng Reuters ở Việt Nam, cho biết Facebook đã phải nhượng bộ Việt Nam bằng cách tăng cường kiểm duyệt các thông tin có nội dung “chống chính phủ.”

Theo đó, các công ty viễn thông trong nước đã để các máy chủ của Facebook hoạt động ở dạng offline trong thời gian 7 tuần, từ giữa tháng Hai đến đầu tháng Tư, khiến việc truy cập Facebook của người dùng bị gián đoạn. 

Một nguồn tin từ Facebook nói với Reuters rằng họ tin hành động này đã được thực hiện để gây áp lực đáng kể cho Facebook, buộc hãng này phải tuân thủ việc gỡ xuống các nội dung theo yêu cầu của chính quyền.

Trong một email sau đó, Facebook xác nhận với Reuters rằng đã phải “miễn cưỡng” đáp ứng yêu cầu của chính phủ Việt Nam, giới hạn việc tiếp cận những nội dung bị coi là “vi phạm pháp luật” ở Việt Nam.

Bình luận về báo cáo của Reuters, Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi Facebook phải ngay lập tức thu hồi quyết định của mình. Tổ chức này cho hay việc Facebook thuận theo những yêu cầu này “đặt ra một tiền lệ nguy hiểm,” bởi nhiều chính phủ trên khắp thế giới sẽ tranh thủ biến Facebook thành công cụ kiểm duyệt nhà nước. 

Năm ngoái, Luật An ninh mạng đã yêu cầu các công ty nước ngoài như Facebook thiết lập văn phòng địa phương và lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. 

Tuy vậy, Facebook cho biết họ không lưu trữ dữ liệu người dùng ở Việt Nam. 

Một số nguồn tin tại Facebook nói với Reuters rằng công ty thường từ chối yêu cầu chặn quyền truy cập vào bài đăng của người dùng ở một quốc gia cụ thể, nhưng khi các máy chủ ở địa phương bị cản trở, họ “buộc phải tuân thủ theo.”

“Phải nói rõ rằng điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ tuân thủ mọi yêu cầu mà chính phủ gửi đến, nhưng chúng tôi đã cam kết sẽ hạn chế nhiều nội dung hơn,” một nguồn tin cho Reuters biết.

Điều này dường như đi ngược lại Tuyên bố của Facebook, theo đó viết: “Chúng tôi tin rằng tự do ngôn luận là quyền cơ bản của con người, và [chúng tôi] đang làm việc chăm chỉ để bảo vệ và bênh vực cho quyền tự do dân sự quan trọng này trên toàn thế giới…”

Facebook đã bào chữa rằng họ thực hiện việc này “để đảm bảo các dịch vụ của chúng tôi vẫn hoạt động và có thể được sử dụng bởi hàng triệu người dùng ở Việt Nam, những người phụ thuộc vào chúng mỗi ngày.”

Từ năm 2016, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường lớn nhất của Facebook ở châu Á. 

Theo Ants, một công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Việt Nam, doanh thu quảng cáo kỹ thuật số tại Việt Nam lên tới khoảng 550 triệu USD trong năm 2018, 70% trong số đó chảy vào túi các công ty truyền thông xã hội khổng lồ là Facebook và Google.

Từ giữa tháng Hai, nhiều người dùng Facebook, cùng các nền tảng khác như Messenger và Instagram, bắt đầu nhận thấy việc truy cập trở nên chậm hơn thông thường. Truyền thông nhà nước tại thời điểm đó cho biết đó là do việc bảo trì cáp dưới biển, còn các công ty viễn thông nhà nước đã lên tiếng xin lỗi vì tốc độ truy cập không ổn định vào Facebook.

Nhưng phía sau câu chuyện, Facebook cho biết họ đã làm việc với chính phủ Việt Nam. “Khi chúng tôi cam kết sẽ hạn chế nhiều nội dung hơn, thì sau đó, các máy chủ đã được các nhà khai thác viễn thông bật trở lại,” nguồn tin từ Facebook nói với Reuters.

Thông thường, để tối ưu tốc độ phục vụ người dùng, Facebook sẽ đặt máy chủ tại các nhà cung cấp dịch vụ Internet nước sở tại, ở Việt Nam như VNPT hay Viettel. Khi các máy chủ này bị tắt đi, Facebook vẫn hoạt động được, nhưng tốc độ sẽ giảm xuống vì lúc này người dùng sẽ phải kết nối thẳng đến trung tâm dữ liệu của Facebook đặt ở Singapore, Đài Loan hay Hồng Kông.

Trên BBC, một kỹ sư an ninh mạng đang làm việc tại Mỹ cho biết việc Facebook đồng ý kiểm duyệt đã đi ngược lại với cam kết bảo vệ tự do ngôn luận mà Mark Zuckerberg đã nhấn mạnh trong một bài phát biểu ở Georgetown University hồi tháng 10/2019, và việc này “sẽ làm lu mờ hình ảnh một Việt Nam đang rất đẹp giữa đại dịch COVID-19.”

Lê Xuân (t/h)

Xem thêm: