Bốn ngày sau khi 220 tàu cá Trung Quốc được Philippines phát hiện đậu tại rạn san hô ở quần đảo Trường Sa, trong cuộc họp báo thường kỳ, Bộ Ngoại giao phát ngôn hoạt động của tàu Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, và làm phức tạp tình hình giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.

tau ca trung quoc
Hình ảnh các tàu Trung Quốc neo đậu ở một khu vực thuộc Biển Đông ngày 7/3/2021. (Ảnh: Phillipines Coast Guard/National Task Force)

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 25/3, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc nhiều tàu Trung Quốc hoạt động tại Bãi Ba Đầu (thuộc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam – bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền Việt Nam, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc vi phạm này.

Như các phát ngôn trước, đại diện Bộ Ngoại giao dẫn tái khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”, dẫn theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Đối với sự việc vừa qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho rằng:

“Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của UNCLOS về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc ở Biển Đông (COC).

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm; tôn trọng chủ quyền của Việt Nam; thiện chí thực hiện UNCLOS; nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình; tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC; đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực.”

Trước câu hỏi về việc có hay không sự xuất hiện tàu chấp pháp của Việt Nam tại Đá Ba Đầu, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng tránh trả lời trực tiếp, mà đưa ra phát biểu chung chung: “Tôi có thể nói các lực lượng chấp pháp của Việt Nam thực hiện nghĩa vụ, nhiệm vụ, như đã được quy định trong các luật liên quan của Việt Nam, cũng như tuân thủ nghiêm túc các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, trong đó trước hết là UNCLOS 1982”.

Ngày 21/3, giới chức Philippines lan tin tuần duyên nước này đã phát hiện khoảng 220 tàu cá Trung Quốc tại một khu vực thuộc biển Tây Philippines (cách Philippines dùng để chỉ Biển Đông).

Số tàu cá này được cho là do các dân quân biển sử dụng, đã xuất hiện tại rạn san hô có tên là đá Ba Đầu từ ngày 7/3. Vị trí phát hiện các tàu cá cách tỉnh Palawan, phía Tây Philippines, khoảng 175 hải lý (324 km) về phía Tây.

Theo quan điểm của Philippines, rạn san hô này nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Ngày 21/3, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đưa ra khẳng định các tàu Trung Quốc này đang nằm trong “vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines”, vì vậy đây là một “hành động khiêu khích”, yêu cầu “Trung Quốc chấm dứt xâm nhập và lập tức rút ngay các tàu đang vi phạm quyền hàng hải và xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Philippines”.

Sau đó, trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho biết Manila đã gửi công hàm ngoại giao phản đối sự hiện diện của các tàu thuyền Trung Quốc nói trên, đồng thời viết: Ngoại giao là một quả đấm thép của lực lượng vũ trang (Philippines)”. 

Trong một tuyên bố chính thức được đưa ra hôm 22/3, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila cho biết họ đã ghi nhận những tuyên bố của Philippines về vấn đề này, nhưng cho rằng việc triển khai 220 tàu gần Bãi Ba đầu là một hoạt động bình thường” của tàu cá Trung Quốc.

Nguyễn Minh

Xem thêm:

https://trithucvn.co/tin-tuc-vn/thoi-su/viet-nam-thay-doi-cau-tra-loi-khi-duoc-hoi-tq-xay-dung-can-cu-ten-lua-thu-2-gan-bien-gioi.html