Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM vừa có báo cáo về vụ sạt lở nghiêm trọng tại bờ bao sông Sài Gòn, đoạn thuộc phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM. 

sat lo
Khu tập kết vật liệu xây dựng bị sạt lở bên bờ sông Sài Gòn, đoạn thuộc phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM. (Ảnh: nld.com.vn)

Theo đó, vụ sạt lở xảy ra vào lúc 22h ngày 4/8, nằm trên phạm vi tập kết vật liệu xây dựng của Công ty TNHH MTDV kinh doanh địa ốc Lan Anh. Công ty này có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, do Sở GTVT TP cấp.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP xác định nguyên nhân là do đơn vị kinh doanh địa ốc Lan Anh tập kết vật liệu quá tải dẫn đến sạt lở.

Sự việc khiến một khu vực dài 50m, rộng 25m (diện tích 1.250 m2) bị sạt lở hoàn toàn xuống sông. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP cảnh báo sự việc vẫn đang diễn biến phức tạp, nguy cơ sạt lở tiếp tục ăn sâu vào trong gây ảnh hưởng đến an toàn đê bao bờ hữu sông Sài Gòn (vị trí sạt lở chỉ cách chân đê bao sông Sài Gòn khoảng 5 m), chưa kể đoạn sông từ ngã 3 Rạch Chiếc đến ranh giới tỉnh Tây Ninh có rất nhiều tàu thuyền, sà lan tải trọng lớn, nhiều tàu du lịch bằng đường thủy lưu thông.

Trước đó, Công ty Quản lý và khai thác dịch vụ thủy lợi (đơn vị đang quản lý đê bao bờ hữu sông Sài Gòn) xác định nguyên nhân sạt lở là do có nhiều phương tiện cơ giới quá tải ra vào điểm kinh doanh vật liệu xây dựng của Công ty Lan Anh.

Hiện Sở GTVT đã đình chỉ hoạt động bến thủy nội địa tập kết vật liệu xây dựng của Công ty Lan Anh, thực hiện gia cố lại vị trí sạt lở, dự kiến hoàn thành vào ngày 20/8.

Dự kiến thời gian tới UBND quận 12, Sở GTVT, Sở Xây dựng, Sở TNMT, Sở NN&PTNT… sẽ thành lập đoàn kiểm tra, xử lý các bến thủy nội địa hoạt động trái phép hoặc đã hết hạn trên địa bàn.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP, trong vòng 6 tháng đầu năm 2017, toàn thành phố đã xảy ra 9 vụ sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Khoảng 2.935 m2, 175 m kè đá và 25 m bê tông đường giao thông đã biến mất dưới lòng sông.

Tình trạng sạt lở trên địa bàn thành phố diễn ra không ngừng từ nhiều năm qua. Tính trong 5 năm (2012-2016) và 6 tháng đầu năm 2017, tổng diện tích đất bị sạt lở, cuốn trôi lên tới hơn 11.000 m2, chưa kể thiệt hại về nhà, tài sản, đường giao thông. Cụ thể,

Trong năm 2016, toàn thành phố xảy ra 10 vụ, sạt lở khoảng 142 m2 và 130 m kè đá; hư hỏng 2 căn nhà, bể 3 đoạn bờ bao với chiều dài 19,5m.

Năm 2015, xảy ra 14 vụ, làm sụp xuống sông 1 căn nhà (tường gạch, mái tôn), 1 căn nhà hư hỏng một phần; thiệt hại 1 xe máy xúc Kobel, 1 xe tải 1,4 tấn, 1 xe máy wave và 2 trụ điện; diện tích đất sạt lở khoảng 7.370 m2 và 15 m kè đá.

Năm 2014, xảy ra 11 vụ sạt lở tại quận 9, quận Bình Thạnh, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh và huyện Cần Giờ. Khoảng 2.678,5 m2 biến mất, hư hỏng hoàn toàn 1 căn nhà, hư hỏng một phần 2 căn nhà, ảnh hưởng đến 5 căn nhà (hỏng hàng rào, sụp lún).

Năm 2013, thành phố xảy ra 16 vụ sạt lở với tổng diện tích khoảng 3.884 m2, 4 đoạn kè đá chiều dài 136m, sụp hoàn toàn 5 căn nhà và một phần 1 căn nhà, hư hỏng 2 đoạn đường giao thông nội bộ, ảnh hưởng đến nhà, đất của 18 hộ dân.

Năm 2012, xảy ra 13 vụ sạt lở, làm sập một phần 2 căn nhà, sạt lở một đoạn kè tấm đan bê tông dài 24m, cuốn trôi 1.767 m2 đất.

Vĩnh Long

Xem thêm: