Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam năm 2019 đã chạm ngưỡng 111,5 bé trai/100 bé gái, cao hơn rất nhiều so với mức bình thường 105-106 bé trai/100 bé gái.

tre em gai 2
Nạn lựa chọn giới tính thai nhi khiến mỗi năm, hàng chục nghìn trẻ em gái tại Việt Nam không được ra đời. (Ảnh minh họa: Ryu K)

Thông tin do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đưa ra tại buổi Công bố báo cáo tình trạng dân số thế giới 2020 hôm 17/7. Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA cho biết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam năm 2004.

Từ năm 2005, tỷ số này đã tăng nhanh chóng, đến năm 2019 đã chạm ngưỡng 111,5 bé trai/100 bé gái, theo báo cáo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Con số này cao hơn rất nhiều so với mức bình thường, tức là giao động ở 105-106 bé trai/100 bé gái.

Các bằng chứng cho thấy sự mất cân bằng về nhân khẩu học là hệ quả của việc chọn lọc giới tính trước khi sinh, tức là bỏ thai khi thai nhi được xác định là con gái hoặc nuôi cấy phôi trước để xác định và lựa chọn được luôn giới tính, hoặc “lọc tinh trùng” phục vụ thụ tinh trong ống nghiệm.

Dựa trên sự mất cân bằng tỷ số giới tính, UNFPA ước tính Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm. Tức, mỗi năm sẽ có 40.800 bé gái tại Việt Nam không có cơ hội chào đời sau khi được xác định là trẻ em gái.

Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết mất cân bằng giới tính khi sinh xuất phát từ các chuẩn mực xã hội phổ biến việc trọng nam hơn nữ, sính con trai hơn con gái.

“Tôi kêu gọi nam giới tại Việt Nam hãy nâng cao giá trị của trẻ em gái và yêu cầu đối xử bình đẳng, quyền bình đẳng cho trẻ em gái. Chúng tôi đặc biệt cần nam giới và trẻ em trai góp sức thực hiện nỗ lực này.” – theo bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA Việt Nam.

TS Natalia Kanem, Giám đốc điều hành của UNFPA cho biết mỗi năm trên thế giới có hàng triệu trẻ em gái là nạn nhân của các thực hành có hại ảnh hưởng tới cả thể chất và tinh thần của các em. Theo UNFPA, có ít nhất 19 thực hành có hại được coi là vi phạm quyền con người, từ là ngực đến kiểm tra trinh tiết, trong đó ba thực hành phổ biến nhất vẫn đang diễn ra tại nhiều nước là cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ, tảo hôn và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.

“Những thực hành có hại đối với trẻ em gái gây ra những sang chấn sâu sắc và dai dẳng, cũng như cướp đi của các em quyền được phát triển hết tiềm năng của mình.”, bà Kanem nói.

Báo cáo đi đến nhận định khi số lượng nam giới nhiều hơn nữ giới, các vấn đề xã hội có thể nảy sinh, làm trầm trọng hơn các hình thức bạo lực như hiếp dâm, cưỡng ép quan hệ tình dục, bóc lột tình dục, buôn bán người và tảo hôn. Theo đó, những tổn hại đối với từng cá nhân mỗi người phụ nữ và trẻ em gái đã rất nghiêm trọng, nhưng hậu quả mà thế giới và các thế hệ trong tương lại phải gánh chịu thậm chí còn tồi tệ hơn.

Theo UNFPA, năm 2020, ước tính 4,1 triệu trẻ em gái sẽ phải trải qua hủ tục cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ; 33.000 trẻ em gái dưới 18 tuổi sẽ bị ép buộc kết hôn với người chồng thường lớn hơn rất nhiều tuổi. Ngoài ra, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái diễn ra tại một số quốc gia đã tiếp tay cho vấn nạn lựa chọn giới tính, dẫn đến cái chết của nhiều trẻ em gái và sự “thiếu hụt” tới 140 triệu nữ giới.

Nguyễn Minh