Việc nhận chìm kéo dài trong 15 tháng, bắt đầu từ tháng 3/2019 đến tháng 5/2020.

nhan chim vat chat
Biển Dung Quất, Quảng Ngãi. (Ảnh: Shutterstock)

Ngày 21/2/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã cấp giấy phép cho phép Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất – công ty con của Tập đoàn Hòa Phát được nhận chìm 15,39 triệu m3 chất nạo vét xuống biển.

Đây là chất nạo vét từ quá trình thi công xây dựng hạng mục cảng chuyên dùng của Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.

Tổng khối lượng vật chất sẽ nhận chìm là 15,39 triệu m3, trong đó cát chiếm khoảng 86,4%, bùn sét chiếm khoảng 13,6%. Việc nhận chìm chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn khoảng 7,7 triệu m3.

Khu vực nhận chìm là vùng biển Dung Quất (thuộc xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Tổng diện tích khu vực biển sử dụng để nhận chìm là 180 ha, độ sâu sử dụng từ 51-55 m. Về phương tiện chuyên chở và cách thức nhận chìm, đơn vị thi công sẽ sử dụng tàu hút bụng xả đáy tự hành loại 7.000-35.000 m3, nhận chìm theo hình thức xả đáy.

Thời gian thực hiện việc nhận chìm trong vòng 15 tháng, bắt đầu từ tháng 3/2019 đến tháng 5/2020.

Theo giấy phép đã cấp, Bộ TN-MT yêu cầu Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất thực hiện nhận chìm đúng địa điểm, khối lượng, thành phần chất, phương tiện chuyên chở, cách thức nhận chìm, thời điểm và thời hạn nhận chìm đã định.

Yêu cầu báo cáo UBND tỉnh Quảng Ngãi, Sở TN-MT Quảng Ngãi; lập, phê duyệt và niêm yết công khai kế hoạch quản lý môi trường của dự án tại UBND xã Bình Thuận, Bình Đông (H.Bình Sơn) và tại Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất; thông báo thời gian bắt đầu nhận chìm, thông tin về các phương tiện vận chuyển, đơn vị giám sát thi công nạo vét, nhận chìm, giám sát môi trường với cơ quan chức năng và địa phương liên quan để làm cơ sở cho việc theo dõi, kiểm tra, giám sát.

Trường hợp có dấu hiệu không đảm bảo an toàn, không đúng vị trí, một trong số các thông số giám sát môi trường vượt giới hạn cho phép, Công ty Hòa Phát phải dừng ngay hoạt động nhận chìm và thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường, khắc phục sự cố.

Trước đó, tháng 9/2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi gửi công văn 5506/UBND-CNXD ngày 11/9 lên Thủ tướng về việc cấp phép nhận chìm ở biển và giao khu vực biển cho Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất do Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất (thuộc Tập đoàn Hòa Phát) thực hiện.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, do khó khăn trong việc đưa vào bờ để tích trữ cũng như chưa tìm được đối tác có nhu cầu sử dụng, chất nạo vét, UBND tỉnh đề xuất lên Thủ tướng cấp phép cho chủ đầu tư nhận chìm ở biển.

Khối lượng vật chất cần nạo vét để xử lý tại khu vực cảng chuyên dụng của dự án vào khoảng 15,5 triệu m3.

nhan chim vat chat
Mô hình toàn cảnh Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. (Hình ảnh: hoaphat.com.vn)

Đáng chú ý, tại công văn 3693/SXD-KT&VL ngày 21/11/2017 gửi lên UBND tỉnh Quảng Ngãi, Sở Xây dựng Quảng Ngãi đã đề xuất 3 phương án để xử lý khối lượng cát nhiễm mặn dư thừa từ nạo vét khu vực cảng dự án thép Hòa Phát Dung Quất.

Phương án 1 là sử dụng để san lấp mặt bằng của dự án, phần còn lại sẽ được bán trong nước cho các địa phương lân cận để san lấp mặt bằng. Phương án này không thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh mà phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Phương án 2 là sử dụng để san lấp mặt bằng cho dự án và lượng còn lại lưu trữ ở bãi thải để sử dụng san lấp mặt bằng cho các công trình khác trong tỉnh. Nhược điểm của phương án này là khối lượng cát nhiễm mặn còn dư quá lớn, việc chọn địa điểm, giải phóng mặt bằng để xây dựng làm bãi thải rất khó tìm vị trí hợp lý và tốn nhiều kinh phí và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh,

Phương án 3 là nhận chìm toàn bộ khối lượng cát dư thừa từ nạo vét sau khi đã sử dụng một phần để san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho rằng việc nhận chìm toàn bộ khối lượng cát nhiễm mặn còn dư thừa từ nạo vét khu vực cảng là trái với Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tại Quyết định số 2031/QĐ-BTNMT của Bộ TN-MT đối với dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.

Sở Xây dựng Quảng Ngãi đề nghị UBND tỉnh chọn phương án 1 để thực hiện.

Trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt, hạng mục cảng Hòa Phát Dung Quất dự kiến được chia làm 2 giai đoạn thi công. Giai đoạn 1 được thiết kế để đón tàu 100.000 tấn, giai đoạn 2 sẽ đón được tàu 200.000 tấn.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả đầu tư, Hòa Phát đã quyết định làm song song cả 2 giai đoạn của cảng, dẫn đến khối lượng vật chất nạo vét (trong đó gần 90% là cát nhiễm mặn từ đáy biển) tăng lên rất lớn.

Vì vậy, nhà đầu tư đã tiến hành điều chỉnh bổ sung Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất thép Hòa Phát Dung Quất (đã được phê duyệt ngày 22/8/2017), để bổ sung nội dung nhận chìm chất nạo vét.

Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất được Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2017.

Dự án có tổng vốn đầu tư 52.000 tỷ đồng, được thiết kế với quy mô công suất 4 triệu tấn/năm, sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao và sản phẩm dẹt là thép cuộn cán nóng.

Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 được triển khai trong 24 tháng từ tháng 2/2017, công suất 2 triệu tấn/năm thép dài bao gồm 1 triệu tấn thép dài xây dựng và 1 triệu tấn thép dài chất lượng cao.

Giai đoạn 2 được triển khai từ tháng 8/2017, nhằm sản xuất 2 triệu tấn/năm thép dẹt cán nóng phục vụ cơ khí chế tạo.

Dự kiến toàn bộ dự án sẽ được hoàn thành đi vào sản xuất cuối năm 2019.

Nguyễn Quân

Xem thêm: