Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà đánh giá mức độ nguy hại và phạm vi ảnh hưởng từ vụ cháy nổ tại Công ty Rạng Đông có nguy cơ ở mức độ trung bình, UBND TP Hà Nội cần minh bạch thông tin ô nhiễm để tránh gây hoang mang.

cháy công ty rạng đông, nhiễm độc
Hiện trường sau vụ cháy kinh hoàng xảy ra vào đêm 28/8 tại Công ty Rạng Đông. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Theo Bộ TN-MT, ngày 3/9, cơ quan này đã có cuộc làm việc với Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Công An, Binh chủng Hóa học (Bộ Quốc phòng), UBND TP.Hà Nội, Viện Hóa học (Viện Hàn lâm và Khoa học Việt Nam), Tổng cục Môi trường, cùng nhiều nhà khoa học liên quan đến vụ cháy tại Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) xảy ra và tối ngày 28/8.

Nội dung báo cáo kết quả quan trắc đánh giá về hiện trạng môi trường xung quanh nhà máy Rạng Đông của các bên không được nêu chi tiết song thông cáo phát đi từ Bộ TN-MT cho biết: “Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá mức độ nguy hại và phạm vi ảnh hưởng từ sự cố cháy nổ tại Công ty Rạng Đông có nguy cơ ở mức độ trung bình và các cơ quan chức năng của Việt Nam có đủ khả năng để kiểm soát được”.

Về các giải pháp môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Công ty Rạng Đông cần thực hiện ngay các biện pháp che chắn, cô lập những khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm để tránh phát tán hoá chất ra môi trường xung quanh; các vật liệu đã bị huỷ hoại, hư hỏng, tro xỉ, tàn dư từ đám cháy cần thu gom vào các container để các cơ quan có đủ năng lực xử lý theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường;

Về lâu dài, Bộ TN-MT đề nghị Công ty Rạng Đông cùng UBND Hà Nội cần phối hợp với lực lượng phòng hóa của Bộ Quốc phòng để xử lý các tồn dư hóa chất và kim loại nặng phát tán từ sự cố cháy nổ. Ngoài ra, hai bên phối hợp thu thập, nắm bắt đầy đủ, chính xác các số liệu về nguyên liệu, vật liệu hóa chất, mức độ thiệt hại; trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội đưa ra những thông tin minh bạch, khoa học tới người dân, tránh có những thông tin sai lệch gây hoang mang trong dư luận.

Bộ TN-MT đề nghị Bộ Y tế cung cấp thêm thông tin khoa học, hướng dẫn tới người dân đến các cơ sở y tế có đủ chức năng, cơ sở hạ tầng để kiểm tra sức khỏe.

Bộ TN-MT đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam mời các chuyên gia Nhật Bản tham gia phối hợp với Bộ TN-MT, các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam để nghiên cứu đánh giá và quản lý môi trường sau sự cố cháy nổ.

Yêu cầu Tổng cục Môi trường tiếp tục tham vấn ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế để hướng dẫn, hỗ trợ Hà Nội trong quá trình thực hiện; tiếp tục thực hiện quan trắc, kiểm tra, giám sát chất lượng môi trường không khí, đất, nước xung quanh khu vực sự cố để có các khuyến cáo kịp thời tới cộng đồng.

Sau sự cố cháy nổ tại Công ty Rạng Đông, Bộ TN-MT đề nghị các Bộ, ngành liên quan cần kiểm soát và đưa ra các quy định về sự cố an toàn hóa chất, sự cố môi trường, cháy nổ và có chính sách quản lý các cơ sở công nghiệp có liên quan đến hóa chất trong các khu đô thị.

“Diễn biến” khuyến cáo, rút khuyến cáo hay những khẳng định an toàn…

Vụ cháy nổ tại kho chứa sản phẩm, nguyên liệu vật tư, hóa chất tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) xảy ra vào khoảng 18h ngày 28/8. Lửa bùng lên rồi bao trùm nhà xưởng rộng 6.000 m2, hơi nóng hắt xa hàng chục mét, kèm mùi nhựa khét nồng nặc. 58 hộ dân với khoảng 200 người dọc tuyến phố Hạ Đình phải di dời. Hơn 5 tiếng, gần 23h30, lửa bắt đầu được khoanh vùng, thu hẹp dần. Khói và mùi khét vẫn đặc quánh.

Khu nhà kho bị cháy cao 3 tầng, các tầng ngăn cách với nhau bởi dầm sắt và sàn thép, lợp mái tôn. Tầng một chủ yếu là máy móc, vật tư sản xuất, tầng hai và ba chứa bóng đèn compact, huỳnh quang, đèn bàn, phích nước thành phẩm.

Ngày 29/8, UBND phường Hạ Đình phát thông báo khuyến cáo người dân những biện pháp đề phòng tác động từ hậu quả của vụ cháy, như không ăn thực phẩm, không sử dụng nước tại các bể chứa nước hở trong bán kính 1km từ tâm vụ cháy, vệ sinh cá nhân hàng ngày bằng dung dịch muối sinh lý, từ 4-6 lần hoặc nhiều hơn, thời gian từ 7-10 ngày… Nhiều chuyên gia đánh giá việc chính quyền phường đưa ra khuyến cáo là đúng đắn, kịp thời.

Một ngày sau, 30/8, UBND phường Hạ Đình thu hồi văn bản với lý do “không đúng thẩm quyền và chưa đủ cơ sở”. Cùng ngày, UBND quận Thanh Xuân thông báo “các chỉ số môi trường đều trong ngưỡng an toàn” sau vụ cháy kho bóng đèn Rạng Đông. Lãnh đạo Công ty Rạng Đông khẳng định “các khí thải không ảnh hưởng tới sức khỏe con người”.

Cũng trong sáng 30/8, khoảng 10 phóng viên tác nghiệp tại hiện trường vụ cháy có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, tức ngực, khó thở đã đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Cay mắt, khó chịu và buồn nôn là triệu chứng phổ biến đối với những hộ dân trong tuyến phố Hạ Đình.

Sáng 31/8, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) lại khuyến cáo người dân sinh sống khu vực xung quanh Công ty Rạng Đông, đặc biệt trong bán kính khoảng 1,5 km, không sử dụng nước từ các bể chứa nước hở; tẩy rửa tường, sàn nhà, đồ gia dụng; tạm thời không sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ khu vực xung quanh…

Chiều 31/8, UBND quận Thanh Xuân công bố thông tin về kết quả quan trắc mà các đơn vị của Bộ TN-MT và Sở TN-MT Hà Nội tiến hành hôm 30-31/8.

Sở TN-MT Hà Nội cho biết hóa chất amalgam được chứa trong 3 tủ lạnh, các tủ lạnh này còn nguyên vẹn; khu vực chứa 3 tủ lạnh được phun nhiều bọt chữa cháy, không phát hiện hiện tượng cháy.

Kết quả ban đầu không phát hiện nồng độ thủy ngân tại môi trường quanh vụ cháy.

Các thông số vi khí hậu, NO2, Pb, Cd, Hg (trung bình 24 giờ), As, Zn và Hg bụi tổng tại 5 vị trí quanh Công ty Rạng Đông trong giới hạn cho phép. Có hai vị trí thông số SO2 (lưu huỳnh điôxit) vượt 1,02 lần và 1,0057 lần cho phép.

Trạm quan trắc môi trường không khí tự động tại Minh Khai là trạm duy nhất ghi nhận có nồng độ bụi (PM10 và PM2.5), khí CO và NOx tăng cao đột biến trong thời gian từ 20h ngày 28/8 đến 1h ngày 29/8. 9 trạm còn lại và tham khảo thêm các trạm cảm biến khác của một số tổ chức phi chính phủ đặt rải rác trên toàn thành phố đều không ghi nhận được dữ liệu bất thường nào.

Cũng trong ngày 31/8, Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết sẽ lấy mẫu rau, cá quanh khu vực đám cháy để xét nghiệm.

Trong khi đó, 15 mẫu đất, nước, không khí ở khu dân cư gần đám cháy do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) lấy vào chiều 30/8, sau khoảng 4-5 ngày mới có kết quả phân tích.

Nguyễn Sơn

Xem thêm: