Giải trình về vấn đề ‘nóng’ khi giá sách giáo khoa (SGK) mới tăng 2-3 lần giá bộ cũ, chiều 1/6, tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định bộ này đã có nhiều chỉ đạo để giá sách giáo khoa thấp nhất, đồng thời kiên trì kiến nghị đưa SGK vào danh mục nhà nước định giá, trợ giá.

botruong nguyen kim son
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn giải trình tại Quốc hội chiều 1/6. (Ảnh: chinhphu.vn)

Sáng 1/6, thảo luận về kinh tế – xã hội tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, đại biểu Siu Hương (đoàn Gia Lai) nêu ra tình trạng tăng giá học phí đại học, tăng giá sách giáo khoa, chậm triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn rất khó khăn, định mức hỗ trợ chăm sóc bảo vệ rừng còn thấp, việc thực hiện BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng rút BHXH một lần gia tăng, từ đó đề nghị Chính phủ hoàn thiện hệ thống pháp luật để giải quyết các vấn đề trên.

Mở rộng hơn, đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho hay Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, các yếu tố bên ngoài tác động do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, đề nghị Chính phủ đưa ra các chính sách kiểm soát chặt và ổn định giá cả, thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ, đẩy mạnh thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội; đồng thời cần công khai, minh bạch việc quản lý, điều tiết giá cả như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, y tế, giá SGK.

Bộ GD đã cố gắng để giá SGK thấp nhất

Chiều cùng ngày, tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã giải trình trước Quốc hội về các nội dung liên quan đến tăng giá SGK.

Theo ông Sơn, ngày 28/11/2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 về đổi mới chương trình, sách SGK phổ thông là thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK.

Thực hiện theo Nghị quyết này, việc biên soạn SGK đã được thực hiện theo phương thức xã hội hóa. Các doanh nghiệp thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính trước khi xuất bản, phát hành với mong muốn học sinh luôn được mua SGK giá thấp nhất.

Ông Sơn cho hay từ góc độ quản lý và chuyên môn, Bộ đã chỉ đạo các NXB thực hiện nghiêm các biện pháp để xuất bản sách sao cho sách có thể sử dụng lại được nhiều lần. “Các bộ sách xuất bản mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thực hiện đầy đủ điều này”, ông Sơn khẳng định.

Bộ trưởng cũng cho hay theo Thông tư 33 được sửa đổi một số nội dung bằng Thông tư số 05, Bộ này đã quy định cấu trúc và nội dung SGK phải phù hợp với tiêu chuẩn SGK về xuất bản phẩm. Trong quá trình thẩm định sách, các hội đồng thẩm định đã yêu cầu các nhóm tác giả điều chỉnh những phần quá dài, lạm dụng hình ảnh…

Hiện Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo chuẩn bị ban hành thông tư quy định tiêu chí, quy chuẩn riêng về SGK để điều tiết việc này một cách cụ thể và có hiệu quả hơn.

Nói cụ thể về giá SGK, ông Sơn cho hay Bộ GD-ĐT đã nhiều lần ban hành văn bản yêu cầu NXB Giáo dục cần tiết kiệm tối đa, cắt giảm các khoản chi phí trung gian để giảm chi phí quản lý, bán hàng, các chi phí khác để đảm bảo giá SGK được thấp nhất.

Ngoài ra, Bộ này đã chỉ đạo NXB thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về cung cấp sách cho học sinh thuộc các đối tượng, các vùng khó khăn; đã chỉ đạo NXB cung cấp các bản sách dạng PDF miễn phí để học sinh có thể tiếp cận ngay từ khi phát hành.

Ông Sơn cho biết đối với NXB Giáo dục – một doanh nghiệp nhà nước do Bộ GD-ĐT quản lý, Bộ đã chỉ đạo NXB này tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các kênh phân phối, giảm chi phí phát hành, đẩy mạnh tái cơ cấu NXB theo hướng tinh gọn nhân sự, bộ máy để tiết giảm tối đa các khâu trung gian.

“Một trong những giải pháp quan trọng, căn cơ mà Bộ đã và đang kiến nghị là Bộ đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị Bộ báo cáo Chính phủ và Quốc hội bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá. Việc này Bộ đã đề xuất tại công văn ngày 22/9/2021 và có chính sách trợ giá, thời điểm này Bộ GD-ĐT tiếp tục kiên trì kiến nghị này”, ông Sơn nói.

Mức tăng học phí do tỉnh/thành và trường Đại học quyết định

Cùng trong chiều 1/6, trước nhiều ý kiến của cử tri đề cập đến việc học phí tăng trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết vấn đề học phí được quy định trong Nghị định 81 của Chính phủ, có hiệu lực từ tháng 10/2021, nhưng chủ yếu được áp dụng cho năm học 2022-2023.

Đối với bậc học phổ thông, chính quyền cấp tỉnh/thành phố là người sẽ quyết định mức thu học phí trong hệ thống.“Trong Nghị định 81 đã quy định theo “mức trần”, “mức sàn” có lộ trình và có nêu “các địa phương căn cứ vào địa phương mình để quyết mức học phí cho phù hợp”, ông Sơn nói.

Trong thực tế, một số địa phương đã miễn hoàn toàn học phí như thành phố Hải Phòng, một số nơi thì cũng cân nhắc các mức trong Nghị định này quy định.

Đối với các trường đại học, thì tùy theo mức độ tự chủ, nếu trường tự chủ một phần hoặc tự chủ chi thường xuyên một phần và tự chủ chi đầu tư thì không được thu học phí quá mức trần được quy định trong Nghị định này.

Các trường đạt chuẩn kiểm định chuẩn quốc gia, quốc tế được phép thu theo định mức kinh tế kỹ thuật do nhà trường tính toán, quyết định. “Đây là một quyền tự chủ của các trường đại học”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cho hay gần đây nhất, ngày 24/5/2022, Bộ GD&ĐT đã có công văn số 2153 gửi các địa phương và lãnh đạo các trường đại học xây dựng mức học phí và lộ trình tăng học phí phù hợp “để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh”.

Văn bản này lưu ý khuyến cáo các địa phương, các trường căn cứ vào tình hình thực tế để xây dựng mức học phí và lộ trình tăng học phí phù hợp để chia sẻ khó khăn với phụ huynh học sinh, góp phần bình ổn giá, đảm bảo an sinh xã hội, có chính sách miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí và các khoản thu dịch vụ hỗ trợ trong giáo dục và đào tạo; đồng thời, hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo để học sinh có đủ sách đến trường.

Nguyễn Quân