Giải trình về một số vấn đề về bộ sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình mới trước Quốc hội vào chiều 3/11, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) thừa nhận tình trạng giá sách tăng cao gấp đôi, học sinh bị “ép” mua sách tham khảo, song các lý do đưa ra đều là nguyên nhân khách quan hoặc do đối tượng khác…

sach giao khoa
(Ảnh minh họa: Asia Images/Shutterstock)

Tại báo cáo của Bộ GD-ĐT do ông Nhạ ký gửi Quốc hội trước kỳ họp, bộ này xác nhận bộ sách giáo khoa lớp 1 mới có giá cao hơn khoảng 2 lần so với bộ sách cũ. Bộ sách giáo khoa lớp 1 cũ có giá 54.000 đồng, bình quân khoảng 9.000 đồng/cuốn. Giá thành đã bị đẩy lên từ 179.000-194.000 đồng, bình quân khoảng 19.000 đồng/cuốn đối với bộ sách giáo khoa lớp 1.

Theo ông Nhạ, giá sách tăng như vậy do bộ sách giáo khoa lớp 1 mới được soạn theo chương trình cải cách, chú trọng giảng dạy để phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Các nội dung cần được biểu đạt chi tiết hơn nên số lượng trang sách nhiều hơn, khổ sách rộng hơn.

Ngoài ra, để thể hiện tốt hơn nội dung, “giúp học sinh tiếp nhận thông tin và kiến thức”, sách mới được in 4 màu (tăng thêm 2 màu so với bộ sách cũ) nên cần giấy in tốt hơn, mực in phải đảm bảo chất lượng.

Một nguyên nhân khác, bộ sách mới được thực hiện theo phương thức xã hội hóa nên không được trợ cấp chi phí (thù lao tác giả, kinh phí tổ chức biên soạn, thực nghiệm) từ nguồn ngân sách như trước, nên giá thành sách bộ mới cao hơn giá thành sách bộ cũ.

Đưa ra giải pháp về vấn đề này, Bộ GD-ĐT cho biết đã kiến nghị đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa bình ổn giá hoặc do Nhà nước định giá.

Một số giải pháp khác mà bộ này đưa ra như sẽ yêu cầu các nhà xuất bản biên soạn bộ sách cắt giảm nội dung không cần thiết để giảm số trang, tiết kiệm chi phí các khâu xuất bản, phân phối; hạn chế học sinh viết, vẽ, làm bài vào sách, khuyến khích học sinh góp sách cho thư viện trường; hỗ trợ sách cho học sinh khó khăn, học sinh tộc thiểu số.

Bộ GD: Bộ sách Cánh Diều chiếm 1/3 tổng số sách giáo khoa lớp 1 được chọn

Đối với sách Tiếng Việt lớp 1 (bộ sách Cánh Diều) bị phản ánh có một số ngữ liệu không phù hợp với tâm lý trẻ, Bộ GD-ĐT cho biết cuốn sách nằm trong 46 cuốn thuộc 5 bộ sách đã được Bộ này thẩm định, phê duyệt. Bộ này khẳng định bộ sách Cánh Diều chiếm 32% trong tổng số sách giáo khoa lớp 1 được các trường lựa chọn.

Sau khi thẩm định lại, các bên thống nhất sẽ thay thế một số từ ngữ khó hiểu như “nhá”, “nom”, “quà… quà”, “chén”; thay thế một số đoạn/bài đọc như bài “Hai con ngựa”, “Cua, cò và đàn cá”, “Lừa, thỏ và cọp”…, không dùng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn/bài “đa nghĩa”, thay bằng đoạn/bài của văn học Việt Nam.

5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới sẽ được sử dụng từ năm học 2020-2021 gồm:

  • Bộ sách Cánh Diều (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM, Công ty Đầu tư Xuất bản-Thiết bị Giáo dục Việt Nam): 9 cuốn, tổng giá 199.000 đồng.
  • Bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam): 10 cuốn, tổng giá 179.000 đồng.
  • Bộ SGK Chân trời sáng tạo (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam): 9 cuốn, tổng giá 186.000 đồng
  • Bộ SGK Cùng học để phát triển năng lực (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam): 10 cuốn, tổng giá 194.000 đồng
  • Bộ SGK Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam): 9 cuốn, tổng giá 189.000 đồng.

Sẽ chặn nội dung nâng cao để học sinh không phải dùng sách tham khảo

Cũng trong báo cáo giải trình, Bộ GD-ĐT thừa nhận có tình trạng học sinh bị “ép” mua sách tham khảo. Song, về điều này, bộ này báo cáo rằng lỗi ở nhà trường, giáo viên.

“Một số nhà trường ở một số địa phương vẫn để xảy ra tình trạng giáo viên lập danh mục sách tham khảo kèm theo sách giáo khoa gửi cho cha mẹ học sinh để đăng ký mua “tự nguyện” gây băn khoăn trong dư luận.” – báo cáo do Bộ trưởng Nhạ ký nêu.

Bộ GD-ĐT cho biết đã ban hành thông tư quy định giáo viên không dạy ngoài nội dung sách giáo khoa, không được vận động học sinh, phụ huynh mua các xuất bản phẩm tham khảo. Ông Nhạ cho biết bộ này đang tiếp tục chỉnh sửa thông tư để quản lý chặt hơn việc bán sách tham khảo.

Một giải pháp khác mà bộ này đưa ra là sẽ thay đổi cách đánh giá kết quả học tập để hạn chế giáo viên đưa nội dung nâng cao trong sách tham khảo vào dạy học và kiểm tra, cũng để giảm việc dạy thêm, học thêm không theo quy định.

Nguyễn Minh

Xem thêm: