70 đại biểu đăng ký chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn – con số kỷ lục đối với một bộ trưởng, trưởng ngành kể từ đầu phiên chất vấn (ngày 16/11) tới nay.

Tuy nhiên, 30′ là thời gian Bộ trưởng Bộ TT&TT đã dành để nói xung quanh vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận, thông tin mạng xã hội tại Việt Nam, cũng như việc chặn lọc các nội dung vi phạm trên Google, YouTube.

bo truong bo tttt toi khang dinh tren dat nuoc ta khong co che do kiem duyet bao chi
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đang nghe tranh luận của đại biểu, chiều 17/11. (Ảnh: VGP)

‘Thông tin trên mạng xã hội rất lớn, tốc độ truyền nhanh, thậm chí áp đảo’

Trước khi kết thúc phiên chất vấn buổi sáng 17/11, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) nêu câu hỏi: hiện có 363 trang mạng xã hội được Bộ TT&TT cấp phép và 2 mạng xã hội nước ngoài, đặc biệt 2 mạng xã hội nước ngoài có hàng chục triệu người tham gia – Xin Bộ trưởng cho biết có hay không tình trạng mạng xã hội lấn át thông tin báo chí chính thống, giải pháp mà Bộ trưởng sẽ thực hiện trong thời gian tới là gì?

Sang phiên chất vấn buổi chiều, trả lời câu hỏi trên, thay vì lý giải hiện trạng vì sao có tình trạng “mạng xã hội lấn át thông tin báo chí chính thống“, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tập trung vào việc thông tin trên mạng xã hội không đáng tin cậy, song có tốc độ truyền tin rất lớn, nhanh chóng, “thậm chí áp đảo“.

Người đứng đầu Bộ TT&TT một mặt dẫn luật báo chí ra đời năm 2016, cho biết báo chí quy định những quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, mặt khác cho hay “thông tin trên mạng xã hội cũng có nhiều yếu tố không khác mấy với báo chí nhưng mà lại không được điều chỉnh bởi luật báo chí“.

Nhìn tổng thể thì đa số người dân vẫn tin vào sự trung thực của báo chí hơn là thông tin trên mạng xã hội“, ông Tuấn khẳng định, “thường người ta sẽ lấy thông tin báo chí để khẳng định thông tin đúng chứ không ai lấy thông tin trên mạng xã hội để khẳng định thông tin đúng”.

Từ lập luận trên, Bộ trưởng Tuấn cho biết đang làm việc với Google, YouTube để có bộ chặn lọc, đặt vấn đề cần rà soát lại hệ thống pháp luật, áp dụng các biện pháp chế tài “đủ để điều chỉnh các hành vi trên mạng xã hội“. Ông Tuấn cho hay cần tham khảo kinh nghiệm của các nước, như Thái Lan, Đức, Nga và kể cả của Trung Quốc để “đảm bảo thực thi nghiêm theo quy định của Hiến pháp về tự do báo chí và tự do ngôn luận nhưng thực hiện đúng quy định pháp luật Việt Nam“.

Ông Tuấn cho hay đang tăng cường xử lý các đối tượng có hành vi sai trái, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội.

“Có lẽ lần đầu tiên trong năm vừa qua, chúng ta mới xử lý được các phát ngôn, các cá nhân có phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội, và tới đây tiếp tục tăng cường xử lý các phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội như vậy”, Bộ trưởng Bộ TT&TT nói.

Đặc biệt những người bị xâm hại là cũng phải lên tiếng, chứ chúng tôi không thể rà soát hết toàn bộ từng cá nhân một trong 53 triệu người dùng mạng xã hội như vậy“. 

‘Không có chế độ kiểm duyệt báo chí’

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về tình trạng lợi dụng quyền tự do báo chí để xuyên tạc, lợi dụng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói đây là điều pháp luật không cho phép.

“Luật pháp nước ta không cho phép ra báo chí tư nhân, điều này đã bị các thế lực thù địch xuyên tạc và bị các nhóm chính trị lợi dụng để công kích chế độ. Họ cho rằng, không cho ra báo chí tư nhân là chúng ta không có tự do ngôn luận, mà chỉ có báo chí quốc doanh. Mà đã là báo chí quốc doanh thì viết bài và đưa tin theo lệnh của Tuyên giáo đảng”.

“Phải nói rõ báo chí nước ta có báo Đảng, báo cơ quan nhà nước và báo của các đoàn thể, các hội nghề nghiệp. Cá nhân không được phép ra báo, nhưng các cá nhân tập hợp lại thành các tổ chức xã hội tự nguyện, hoạt động hợp pháp, phi lợi nhuận thì được phép ra báo“, Bộ trưởng nói.

Tôi khẳng định trên đất nước ta không có chế độ kiểm duyệt báo chí“.

Trong khi đó, Bộ trưởng cho rằng đang có vấn đề khá phổ biến là đưa tin sai sự thật, đưa tin nửa sự thật, mô tả tội ác rùng rợn, phi nhân tính, dùng những từ ngữ “bỏng mắt”, “đắng lòng”, lại có hiện tượng “sáng đưa, trưa gặp, chiều gỡ”.

Các công dân và các tổ chức bị ảnh hưởng thì không dám kiện báo chí vì thủ tục phức tạp, “được vạ thì má đã sưng“.

Nhóm PV (ghi)

Xem thêm: