Là người đầu tiên trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội sáng 10/11, trước nhiều câu hỏi xoay quanh tình trạng loạn giá xét nghiệm COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ đã có yêu cầu thực hiện thực thanh thực chi, nhưng một số đơn vị ‘do quá bận về công tác phòng chống dịch nên đến tháng 9 vẫn không thực hiện được’.

bo truong nguyen thanh long
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn nhóm vấn đề y tế tại hội trường Quốc hội, sáng 10/11. (Ảnh: baochinhphu.vn

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) cho hay thực tế Việt Nam là một trong 4 nước đầu tiên phân lập được virus, năm 2020 sản xuất được kit test và có nước đặt mua, nhưng vừa qua lại chủ yếu nhập khẩu kit test. Vậy nguyên nhân là gì? Nếu sản xuất được kit test thì đã sử dụng ở đâu, địa phương nào? Ông Sỹ đồng thời đặt câu hỏi: “Giá xét nghiệm sáng nay (tức ngày 10/11) mới có, vậy trách nhiệm quản lý giá cả của Bộ trưởng thế nào?”.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chất vấn trực tiếp: “Liệu có lợi ích nhóm trong vấn đề loạn giá xét nghiệm?” và yêu cầu trả lời về trách nhiệm của bộ trưởng trong việc để giá trôi nổi như vậy.

Về câu hỏi của đại biểu đoàn Bình Thuận, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tháng 4, 5 vừa qua, Bộ này đã chỉ đạo, phối hợp Công ty Việt Á, Học viện Quân Y, Công ty Thái Dương để sản xuất test RT-PCR.

“Số lượng test RT-PCR cơ bản đáp ứng đủ. Chúng ta đã thúc đẩy sản xuất test nhanh kháng nguyên, hiện nay có 2 đơn vị sản xuất test nhanh kháng nguyên và có 2 đơn vị tiếp tục có chuyển giao công nghệ từ Pháp. Chúng tôi đang thúc đẩy sản xuất để bảo đảm sử dụng trong nước”, ông Long tuyên bố. Về sản xuất kháng thể, hiện có 2 đơn vị sản xuất được kháng thể. “Chúng tôi cố gắng để bảo đảm đủ cung ứng test nhanh”, ông Long nói.

Trước câu hỏi của đại biểu đoàn Đồng Tháp, ông Long xin phép Quốc hội dành nhiều thời gian hơn để trả lời.

Ông Long cho biết trước đây trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán không thuộc mặt hàng quản lý theo luật Giá. Giá cả khác nhau giữa các hãng, các nước sản xuất, đồng thời giá thay đổi khi cung cầu thay đổi. Ông Long nhắc lại như hồi đầu dịch năm 2020, khẩu trang, găng tay, máy thở khan hiếm nên bị đẩy giá lên cao. Tất cả quốc gia đều có tình trạng tranh mua ở thời kỳ đầu. Sau đó, nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường nên giá hạ.

Đối với giá test kinh, hiện Bộ Y tế đã yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm phải công khai, niêm yết giá trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để các địa phương tham khảo, quyết định mua sắm.

Đồng thời, Bộ này cũng tăng cường cấp phép cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu test kit, “đã cấp phép cho 131 sản phẩm sinh phẩm chẩn đoán, trong đó test nhanh là 60, RT-PCR là 43, và kháng thể là 28”; thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm mới để mở rộng nguồn cung, hạ giá thành sản phẩm; vận động doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các nước tài trợ để bảo đảm đủ số lượng, chất lượng test kit, sinh phẩm…

Ông Long nói lượng kit test hiện nay sử dụng phần lớn là từ hỗ trợ, tài trợ từ các nước, số lượng là trên 50 triệu test. “Riêng TP.HCM ngoài phần Trung ương phân bổ, được doanh nghiệp cộng đồng hỗ trợ 14,4 triệu test. Cơ bản chúng ta sử dụng test của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ. Các địa phương có tiến hành đấu thầu nhưng không nhiều”, ông Long nói.

Theo ông Long, trước ngày 1/7, test nhanh không nhiều, sau 1/7 chúng tôi tiên lượng test nhanh nhiều hơn, nên Bộ Y tế yêu cầu đơn vị thuộc bộ, địa phương thực hiện theo phương thức thực thanh, thực chi, tức là trong trường hợp người dân tự nguyện xét nghiệm thu phí chỉ được thu theo đúng giá đầu vào.

Ông Long nói đối với giá xét nghiệm của các đơn vị y tế công lập thực hiện theo quy định của Bộ Y tế là thực thanh thực chi; đối với các đơn vị y tế tư nhân, giá là do đơn vị tự chịu trách nhiệm nhưng phải niêm yết, phải công khai.

Theo ông Long, đây là nguyên nhân dẫn đến chênh lệch giữa các đơn vị công và tư nhân thời gian qua. Nhưng nói về việc điều chỉnh giá, ông Long cho rằng do bận trong đợt dịch nên một số đơn vị vẫn không điều chỉnh giá.

“Có một số đơn vị do quá bận về công tác phòng chống dịch, cho nên đến tháng 9 này khi yêu cầu thực hiện đúng yêu cầu của bộ, thực thanh, thực chi, giá test chỉ được thu theo đúng giá đầu vào – đấu thầu. Đơn vị nhận lỗi là do mải mê quá nên không thực hiện được. Chúng tôi cũng yêu cầu các địa phương nghiêm khắc nhắc nhở, chấn chỉnh những việc thu như thế này”, ông Long trả lời.

Ông Long nói Bộ xin tiếp thu ý kiến của đại biểu, để cùng với các đơn vị chức năng đưa ra những hình thức tăng cường kiểm tra, giám sát đối với việc giá xét nghiệm của các đơn vị tư nhân.

Chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, đại biểu Phạm Văn Hòa xin quyền tranh luận: Dư luận và truyền thông nói rất nhiều về chuyện Bộ Y tế buông lỏng giá xét nghiệm. Ông Hòa cho rằng mặc dù giá kit xét nghiệm nhập về có chênh lệch giá, doanh nghiệp này nhập vào cao hơn, doanh nghiệp khác thì có thể thấp hơn nhưng Bộ Y tế lại không quản lý giá. Từ đây mỗi nơi mỗi kiểu, mỗi địa phương có giá khác nhau.

Tới đây, Bộ Y tế đã có quy định mới, tuy nhiên, không biết giá này có tham khảo với Bộ Tài chính hay không? Mặc dù giá xét nghiệm đề ra là 106 – 109 nghìn sắp tới đây là của Nhà nước nhưng còn của tư nhân thì thế nào? – ông Hòa chỉ ra vấn đề.

“Tôi test ở sân bay Tân Sơn Nhất giá 440.000 đồng/lần. Đó chỉ là test ở ngoài vỉa hè của sân bay mà giá gấp biết bao nhiêu lần. Như thế người dân rất thiệt thòi. Cần phải kiểm tra chặt và xử lý nghiêm đơn vị nào không thực hiện đúng quy định”, ông Hòa phản biện.

Trước ý kiến chất vấn, ông Long nhắc lại đối với xét nghiệm, đặc biệt giá sinh phẩm không thuộc mặt hàng quản lý của luật Giá. Đối với tư nhân không áp dụng quản lý giá, giá do đơn vị tự chịu trách nhiệm phải niêm yết, phải công khai.

Ông Long nói sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu để đưa ra tăng cường kiểm tra giá đơn vị tư nhân.

“Bộ Y tế đã nhận ra trách nhiệm nên đưa sinh phẩm xét nghiệm vào mặt hàng quản lý giá. Tới đây, giá xét nghiệm từng bước được điều chỉnh làm sao cố gắng hạ được giá xét nghiệm”, người đứng đầu Bộ Y tế đưa ra cam kết tại nghị trường Quốc hội.

Nguyễn Quân

Xem thêm: