“Vì vắc-xin [COVID-19] phát triển trong thời gian rất ngắn, rất mới nên chúng ta phải tham khảo, trao đổi và học các bài học kinh nghiệm của các nước, mở rộng dần các đối tượng tiêm từ 12-17 tuổi và sang năm 2022 mở rộng đến độ tuổi từ 3 tuổi trở lên” – Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long nói giữa các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) sáng 21/10.

tre em trong dich covid 19
Trẻ em được đo thân nhiệt trước cổng trường tại Nghệ An, trong đợt dịch tháng 5/2020. (Ảnh minh họa: Le Manh Thang/Shutterstock)

Tại cuộc thảo luận tại tổ số 2, chương trình Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Y tế – ông Nguyễn Thanh Long (ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) dành gần 30 phút để nói về 2 năm với 4 đợt bùng phát dịch COVID-19.

Ông Long cho rằng đây là “cuộc chiến” chưa có tiền lệ, phạm vi và mức độ ảnh hưởng lớn, tác động đến mọi mặt đời sống KT-XH, sinh mạng của người dân, và “Đảng, Nhà nước khẳng định phải hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân”.

Nói về đợt bùng phát lần 4, ông Long cho rằng Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm qua 3 đợt dịch nhưng với biến chủng Delta, thế giới coi đây như một đại dịch mới, làm “đảo ngược” mọi thành tựu, kể cả với những nước phát triển và những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Cũng theo ông Long, vào tháng 4/2020, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định giãn cách xã hội toàn quốc trong 2 tuần, tình hình khác với hiện nay về số ca nhiễm. Với đợt dịch lần thứ 4, giãn cách xã hội rất khó khăn, nhất là với 19 tỉnh, thành phía Nam. Quyết định giãn cách và tăng cường giãn cách tại TP.HCM “đã phải rất cân nhắc, tính toán vì câu chuyện lo an sinh cho hàng triệu người dân”, theo ông Long.

Việc đưa 300.000 lượt người, gồm lực lượng y tế, công an và quân đội vào các tỉnh phía Nam cũng như quyết định thành lập thiết lập các phòng cấp cứu và trung tâm hồi sức tích cực cũng được ông Long đề cập đến. Đáng lưu ý, ông Long xác nhận phải huy động cả lực lượng bên ngoài, không có kinh nghiệm, chuyên môn vào.

“Khi ca nhiễm tăng nhanh trong thời gian rất ngắn, hệ thống y tế không thể đáp ứng nổi. TP.HCM so với các nơi khác có nền tảng y tế tốt nhất nhưng bệnh nhân tăng nhanh, rất nhiều bệnh nhân nặng cấp cứu nên chúng ta đã quyết định thành lập trung tâm hồi sức tích cực và phải điều những lực lượng thậm chí chưa bao giờ làm việc đó cùng vào cuộc”, ông Long nói, báo Người Lao Động dẫn tin.

Nhắc đến chiến lược vắc-xin, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng “chúng ta đã phải vượt qua tất cả khó khăn về pháp lý để mua, nhập khẩu, chấp nhận toàn bộ rủi ro về việc giao hàng không đứng thời hạn, giá mua không được tính lại”. Hiện tổng số vắc-xin Việt Nam tiếp cận được là 191 triệu liều và dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Gần 70 triệu liều vắc-xin đã được tiêm, có ngày kỷ lục tiêm được 2 triệu mũi, ông Long nói, nhấn mạnh về kinh nghiệm chia nhỏ các khu vực, kết hợp giữa điểm tiêm cố định và lưu động với mục tiêu phủ vắc xin mũi 1 cho ít nhất 80% người dân từ 18 tuổi trở lên.

Riêng với kế hoạch tiêm vắc-xin cho trẻ em, đại diện Bộ Y tế xác nhận sẽ thực hiện từ năm 2021 và kéo dài sang năm 2022, ban đầu tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi, sau đó sẽ mở rộng tiêm cho trẻ từ 3 tuổi trở lên.

“Vì vắc-xin [COVID-19] phát triển trong thời gian rất ngắn, rất mới nên chúng ta phải tham khảo, trao đổi và học các bài học kinh nghiệm của các nước, mở rộng dần các đối tượng tiêm từ 12-17 tuổi và sang năm 2022 mở rộng đến độ tuổi từ 3 tuổi trở lên” – ông Long công bố.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh muốn chuyển sang thích ứng, an toàn với dịch thì không còn cách nào khác là phải đảm bảo độ phủ vắc-xin.

Ông Long thừa nhận tính bất khả thi của mục tiêu “Zero COVID-19” khi cho hay: “Chúng ta cũng không thể đưa số nhiễm của TP.HCM hay các tỉnh khác về con số 0 vì điều này là rất khó khăn”, ông Long nói, “Ta phải chấp nhận tỷ lệ nào đó nhưng kiểm soát được vấn đề tử vong”. 

“Nếu không kiểm soát được thì phải nâng cấp độ kiểm soát dịch cao hơn”, ông Long công bố khi nói về việc “mở cửa” theo Nghị quyết 128.

Long An sẽ tiêm vắc-xin COVID-19 cho 391.523 trẻ từ 3-17 tuổi

Báo Long An ngày 20/10 đưa tin UBND tỉnh Long An vừa có kế hoạch tổ chức tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho toàn bộ trẻ em từ 3-17 tuổi tại tỉnh, để tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh COVID-19 trong cộng đồng.

Theo kế hoạch, tất cả trẻ em từ 3-17 tuổi đang sinh sống và học tập tại Long An, không phân biệt thường trú, tạm trú, đều nằm trong danh sách tiêm, số lượng 391.523 trẻ. Trẻ từ 16-17 tuổi sẽ tiêm trước, sau đó hạ dần độ tuổi tới 3 tuổi.

Thời gian triển khai tiêm là từ nay đến cuối năm 2021 và năm 2022. Dự kiến tiêm 6 đợt, mỗi đợt 7 ngày, tổ chức tiêm tại các trường học, trạm y tế cấp xã,… Sở Y tế sẽ lên kế hoạch tiêm để tránh thời gian học sinh thi giữa kỳ và hết học kỳ.

Theo UBND tỉnh, tùy theo điều kiện nguồn lực, các địa phương có thể tiêm đồng loạt hoặc “cuốn chiếu” (tuần tự).

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Chuyên gia: Không nên tiêm vắc-xin thử nghiệm cho trẻ em