Trả lời chất vấn của của đại biểu: ‘Lao động về quê tránh dịch, trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở đâu?’ – Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho rằng, Bộ có một phần trách nhiệm chứ không phải chịu trách nhiệm chính, vì vấn đề này còn liên quan liên quan đến cả việc di dân, vấn đề an ninh, trật tự, đi lại… liên quan rất nhiều bộ, ngành…

lao dong tu phat ve que
Một gia đình về quê trong đêm, khi đi qua tỉnh Khánh Hòa, đêm 8/10. (Ảnh: baokhanhhoa.vn)

Sau Bộ trưởng Bộ Y tế, phần chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH – ông Đào Ngọc Dung kéo dài từ chiều 10/11 đến 9h sáng 11/11. Vào chiều 10/11, nhiều đại biểu đã đặt chất vấn về việc ‘Lao động về quê tránh dịch, trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở đâu?’.

“Làn sóng lao động từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai ồ ạt về quê tránh dịch thời gian qua khiến cử tri, nhân dân cả nước rất nhiều tâm tư. Trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu bởi sự phản ứng chậm trễ, không nhận được tình hình?” – Đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) nêu vấn đề, đồng thời nhấn mạnh làn sóng về quê này xảy ra nhiều lần, trước khi TP.HCM giãn cách và sau khi nới lỏng xã hội.

Trước câu hỏi này, Bộ trưởng Dung cho hay với vấn đề dân về quê, Bộ LĐ-TB&XH có một phần trách nhiệm chứ không phải chịu trách nhiệm chính, vì vấn đề này còn liên quan liên quan đến cả việc di dân, vấn đề an ninh, trật tự, đi lại… liên quan rất nhiều bộ, ngành…

Nối tiếp câu trả lời của ông Dung, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói làn sóng lao động rời bỏ TP.HCM và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam về các địa phương là vấn đề lớn, diễn ra không chỉ một lần, mà là ba lần. Tuy nhiê, ông Huệ nhấn mạnh vấn đề quan trọng hiện nay là giải pháp giải quyết việc thiếu hụt lao động, thứ hai là giải quyết sinh kế cho người lao động đang đi về các tỉnh.

“Chúng ta có cam kết là không để xảy ra tình trạng này trong tương lai không, nhất là khi tình hình dịch bệnh đang rất khó lường? Chúng ta không được chủ quan, cần phải thảo luận về các nguyên nhân và trách nhiệm giải quyết các vấn đề sắp tới như thế nào và cần làm gì để không tái diễn thực trạng trên? Trách nhiệm của chính quyền Trung ương và cả chính quyền địa phương nơi có lao động rời đi và địa phương trở về và cách thức tổ chức nhận lại lao động như thế nào?”, ông Huệ nêu vấn đề, đề nghị vào cuối phiên chất vấn trong kỳ họp, các thành viên Chính phủ tổng hợp báo cáo trước Quốc hội và cử tri để có giải pháp xử lý những thiếu hụt lao động sau làn sóng dân di cư về quê.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho rằng thực trạng “dòng người lao động về quê là làn sóng kép –  người lao động về quê tránh dịch và một bộ phận lao động chân tay đơn thuần bị đảo thải trong cuộc cách mạng công nghệ. Ông Lộc nhận định “vấn đề việc làm là rất quan trọng” và đề nghị Bộ trưởng trả lời về việc đào tạo, nâng cao năng lực cho người lao động thời gian tới được sẽ được thực hiện như thế nào?

Đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) đặt vấn đề “ly nông mà không ly hương”, chất vấn về giải pháp tăng cường vốn vay giải quyết việc làm trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19. Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) chất vấn Bộ trưởng về chính sách chuẩn bị lực lượng lao động và chuyển hướng đào tạo trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Các câu hỏi bị bỏ ngỏ do hết giờ làm việc. Sang phiên làm việc sáng 11/11, Bộ trưởng LĐ-TB&XH bày tỏ đồng tình về làn sóng kép người lao động rời thành phố, thừa nhận tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam còn thấp khi theo dự báo, có tới 30% công việc yêu cầu kỹ năng lao động phải nâng lên.

Với mục tiêu đã đề ra là đến năm 2030 có 40-45% lao động có chứng cử, bằng cấp đào tạo, ông Dung cho rằng đây là chỉ tiêu rất khó, tập trung vào việc đào tạo tại doanh nghiệp mới làm được.

Đối với đào tạo lao động chất lượng cao, ông Dung cho hay Trung ương đã đồng ý chủ trương lập 80 trường đào tạo chất lượng cao trong nhiệm kỳ này, tập trung vào những ngành, lĩnh vực đang thiếu lao động, phân bố ở 3 khu vực trọng tâm…

Bộ trưởng Dung sau đó chuyển sang trả lời các câu hỏi khác, khẳng định gói hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp là “hoàn toàn đúng luật”, giải pháp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người lao động là nâng cao tay nghề, nâng cao kỹ năng đàm phán của người lao động, các cơ quan liên quan sẽ điều tiết lao động, về lao động thâm dụng, phổ thông, có thể tăng cường, chuyển đổi sang lĩnh vực có thu nhập tốt hơn…

Đáng lưu ý, về vấn đề sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, ông Dung cho rằng nhà nước không áp đặt mô hình với doanh nghiệp mà điều hành trên nguyên tắc đảm bảo an toàn mới sản xuất để doanh nghiệp và địa phương chủ động lựa chọn.

“Trung ương không áp đặt mô hình nào với các địa phương mà chỉ đưa ra nguyên tắc “an toàn thì mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Nghĩa là việc này do địa phương, doanh nghiệp xem xét quyết định dựa trên thực tế, lựa chọn mô hình phù hợp”, ông Dung giải thích.

Ông Dung nói “rất đồng cảm”, thừa nhận “quả thực mô hình ba tại chỗ chỉ đúng với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, trong thời gian ngắn”.

Quan điểm cá nhân của tôi là không áp đặt mô hình nào với doanh nghiệp. Tôi cũng có đọc các kiến nghị và thấy mô hình này chỉ phù hợp trong thời gian ngắn, quy mô vừa phải vì chi phí để vận hành rất lớn”, ông Dung nói, vào thời điểm mô hình “3 tại chỗ” đi vào “thoái trào” sau khi Nghị quyết 128 được công bố, triển khai sau hàng loạt kiến nghị, đặc biệt từ khối doanh nghiệp.

Nguyễn Minh

Xem thêm: