Sau làn sóng mất việc khiến hơn 3 triệu người phải về quê vì không trụ nổi, nay hơn nửa triệu người tiếp tục mất việc, giãn việc, thiếu việc. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam có tăng nhưng vẫn “ở ngưỡng thấp” so với các quốc gia.

dao ngoc dung 0
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn sáng 6/6//2023. (Ảnh: quochoi..vn)

Sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội. Nhiều vấn đề được các đại biểu đặt câu hỏi như tình trạng lao động thất nghiệp, rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, hộ kinh doanh cá thể đóng BHXH bắt buộc bị “treo” lương hưu…

Thất nghiệp, mất việc là 279.409 người, ngừng việc, nghỉ việc không lương là hơn 17.000 người – Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) dẫn báo cáo của Bộ gửi đại biểu, chất vấn rằng báo cáo cho thấy số liệu thất nghiệp của Việt Nam thấp. “Đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trình rõ về những đánh giá và số liệu của báo cáo đã sát với thực tiễn hay chưa? Đồng thời đề nghị Bộ trưởng đưa ra những dự báo và giải pháp cho thị trường lao động nước ta trong thời gian tới?” – bà đặt câu hỏi.

Sau làn sóng hơn 3 triệu người về quê, 506.000 người mất việc, giãn việc, thiếu việc

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết bình quân tỉ lệ thất nghiệp quý 1/2023 là 2,25%, so với cách đây hơn 1 năm, khi Diễn đàn kinh tế thế giới xếp Việt Nam vào top 5 tỷ lệ thất nghiệp.

Ở thời điểm hiện tại, theo ông Dung, tỷ lệ thất nghiệp có gia tăng nhưng không phải riêng Việt Nam. “Tỷ lệ thất nghiệp quý 1/2023 của Việt Nam so với các quốc gia ở ngưỡng thấp”, ông Dung nói.

Ông Dung cho biết ngày 26/5 đã có thống kê, báo cáo chính thức, rằng số mất việc, giãn việc, thiếu việc do cắt giảm đơn hàng, yếu tố khác là khoảng 506.000 người, trong đó, khoảng 270.000 người mất việc.

Về nguyên nhân, ông Dung cho hay có nguyên nhân do cắt giảm đơn hàng, tái cơ cấu sản xuất, thay đổi lực lượng lao động và giải quyết chính sách với Bộ Luật Lao động.

Về băn khoăn của đại biểu đánh giá tình trạng thất nghiệp (2,25%) có sát với tình hình thực tế, Bộ trưởng khẳng định việc đánh giá hoàn toàn khách quan và khoa học, dựa trên những tiêu chí cụ thể của quốc tế đưa ra.

Bộ trưởng Dung cho hay 8.644 doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động (chiếm 1% tổng số doanh nghiệp), trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 27,4%; 72,18% là doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Doanh nghiệp thuộc vùng Đông Nam Bộ cắt giảm lao động lớn nhất; sau đó đến doanh nghiệp thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Nhóm doanh nghiệp gặp khó khăn thuộc ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử,…

Cơ hội việc làm cho lao động nữ ngoài 40 tuổi sau khi bị mất việc làm là rất thấp, dẫn đến nguy cơ các đối tượng này phải rút BHXH một lần. Đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ những giải pháp để hỗ trợ đối tượng này trong thời gian tới – đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu vấn đề.

Người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH nói vừa đọc lại báo cáo về lao động ngành giày da, cũng như đi thực tế kiểm tra 1 tháng trước đây, cùng ăn cơm với công nhân.

“Cùng sinh hoạt, ăn cơm cùng công nhân, tôi thấy hầu hết lao động trong các ngành dệt may, giày da là lao động nữ, thậm chí có ngành nghề tới 80% là nữ. Đối tượng bị giãn việc, mất việc làm cũng hầu hết rơi vào lao động nữ. Trong làn sóng hơn 3 triệu người trở về các địa phương vừa qua [sau dịch COVID-19 – chú thích], phần đông cũng là những người mẹ đem theo con. Không trụ nổi ở thành phố, người lao động mới phải trở về” – ông Dung nói.

Ông Dung thừa nhận số người quay trở lại để phục hồi không nhiều. Phần đông lao động chuyển công việc mới, đào tạo cho trường hợp này gia tăng, nhiều hơn.

Về việc sa thải lao động nữ trên 40 tuổi, Bộ trưởng cho rằng để giải quyết vấn đề này, trước hết phải đào tạo lao động ngay từ sớm, chưa thất nghiệp. Qua tuổi 40 với ngành dệt may quả thật là rất khó khăn với người lao động vì mắt đã mờ, chân đã chậm, năng suất làm việc thấp.

Do đó, phải “tạo điều kiện doanh nghiệp sản xuất, tạo việc làm ổn định, chăm lo phúc lợi xã hội thiết yếu, chủ động đào tạo từ sớm, từ xa, đề nghị địa phương có cơ chế, chính sách tạo việc làm cho lao động nữ thích ứng với điều kiện mới”, ông Dung trả lời chung chung.

“20 năm đóng bảo hiểm mới được hưởng lương hưu, người lao động không chờ được”

Những lo ngại về làn sóng rút BHXH một lần, chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm đến từ bất an đối với chính sách được các đại biểu đặt ra.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) cho hay làn sóng rút BHXH một lần trong công nhân lao động thời gian qua không giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt tăng cao khi có thông tin Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội phương án sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Theo bà Thúy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng quan trọng nhất là sự bất an đối với đối với sự ổn định của chính sách. Do đó, đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ giải pháp xử lý vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP.HCM) nhận định nguyên nhân lớn nhất là do tuyên truyền, đặc biệt là ở phía Nam. Bà mong muốn chính sách BHXH phải nhất quán, có tính ổn định lâu dài. Vì 10 năm sửa luật nhưng có những chính sách BHXH khác đi, dẫn tới người lao động không an tâm.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng tranh luận: Việc rút bảo hiểm là nguyện vọng của người lao động, nhưng cũng cần đảm bảo quỹ bảo hiểm ổn định và phát triển. Có thể xem xét khả năng: 5 năm đầu rút bằng đúng số tiền đóng, 5-15 năm tiếp theo được trả đúng số tiền đóng và lãi suất trung bình, trên 15 năm thì được hưởng bảo hiểm.

Trong khi đó, đại biểu Trần Quốc Quân (Long An) dẫn báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay số tiền chậm đóng bảo hiểm đến năm 2022 là 8.560 tỷ đồng, chiếm 2,69% như Bộ trưởng đã nêu. Những giải pháp nào để thu hồi toàn bộ số tiền nợ đóng bảo hiểm của các doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH và tuyên bố phá sản nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động – ông Quân chất vấn Bộ trưởng.

Giải trình về vấn đề rút BHXH một lần, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận: “Tính tổng thể các chính sách liên quan thì nếu tiếp tục quy định đóng BHXH 20 năm mới được hưởng lương hưu thì chắc người lao động không chờ đợi được đâu”.

Ông Dung nói trước năm 2019, số rút BHXH một lần bình quân một năm là 500.000 và năm 2022 là trên 900.000.

“Số người rút bảo hiểm xã hội một lần gần bằng số tham gia vào hệ thống. Đây là nguy cơ”, ông Dung nói. Nếu không hạn chế, giảm bớt rút BHXH một lần, thì tương lai, nhiều người già không có chế độ an sinh, hệ thống chính sách an sinh khó đảm đương bền vững.

Ông Dung cho rằng lý do là vì đời sống, thu nhập thấp, khó khăn, người lao động nghĩ đến khoản để dành này và rút: “Tuyệt đại bộ phận rút là công nhân lao động, công chức, viên chức rất ít. Khu vực gia tăng rút là công nhân lao động và khu vực phía Nam chiếm tới 72%, phía Bắc, miền Trung ít hơn” – ông Dung đưa ra ước tính cá nhân.

Ông Dung cho hay “không có một quốc gia nào có cơ chế rút BHXH một lần như Việt Nam”, đồng thời khẳng định người lao động có quyền lợi rút hưởng cao, khi đóng 8% nhưng lại hưởng toàn bộ phần đóng của nhà nước, doanh nghiệp, dẫn đến nhiều trường hợp chưa muốn rút nhưng thấy quyền lợi cao hơn nên rút và sau đó lại tham gia. Ông Dung thông tin hiện nay 1/3 người rút BHXH một lần đã quay trở lại.

“Chắc chắn phải tính tổng thể các chính sách về bảo hiểm. Ví dụ, cứ quy định người lao động tiếp tục đóng 20 năm không được. Nhất là những ngành nghề thâm dụng lao động như dệt may mà kéo dài 20 năm, lao động nam đủ 62 tuổi mới được nghỉ hưu, lao động nữ cũng 60 tuổi…, bắt công nhân đóng trong thời gian dài sẽ rất khó”, theo ông Dung.

“Hướng giảm số năm đóng bảo hiểm để được hưởng lương hưu xuống 15 năm tiến tới 10 năm thì đương nhiên người về hưu hưởng lương thấp. Đó là vì BHXH vận hành theo nguyên tắc đóng hưởng, bình đẳng, nhà nước chỉ chia sẻ một phần”.

Sắp tới vẫn phải tiếp tục quy định chính sách rút BHXH một lần, kèm theo các điều kiện. Chúng tôi đã bàn nhiều, đưa phương án khác nhau nhưng nguyên tắc chung, để dừng việc rút BHXH một lần là vấn đề khó khăn. Việc này Quốc hội kỳ sau sẽ quyết, bộ trưởng không quyết được, đại biểu thông cảm”, Bộ trưởng khất lại câu trả lời.

Về tình trạng trốn đóng BHXH,  lập hồ sơ giả để trục lợi bảo hiểm, ông Dung nhận định vấn đề đã được “xử lý quyết liệt” thông qua thanh tra, kiểm tra, từ đó, tình trạng này có giảm đi trong thời gian qua.

“Theo kế hoạch thanh tra năm 2023, chúng tôi dành 1/3 thời lượng để thanh tra xử lý vấn đề BHXH. Bên cạnh đó còn có trên 3.000 đoàn thanh tra BHXH kiểm soát trên lĩnh vực thu” – ông Dung nói.

Việc thanh tra, xử phạt hành chính góp phần kéo giảm tỷ lệ chậm đóng năm 2022, chiếm 3,3% phần để thu. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng “đây là tiến bộ rất lớn”…

Nguyễn Quân