Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm trước Quốc hội liên quan đến bê bối gian lận thi cử trong năm 2018, nhấn mạnh tinh thần “xử lý nghiêm khắc” tình trạng gian lận.

nha1 1559270334 width780height544
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (Ảnh: quochoi.vn)

Sáng 31/5, tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế – xã hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có phát biểu giải trình liên quan đến gian lận điểm thi trong năm 2018.

“Cá nhân tôi là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phụ trách ngành xin nhận trách nhiệm thiếu sót ở một số điểm.  

Thứ nhất phần mềm thi trắc nghiệm còn lỗ hổng kỹ thuật dẫn tới một số người xấu lợi dụng để thay đổi kết quả thi.

Thứ hai, công tác quán triệt quy chế thi và các hướng dẫn nghiệm vụ chưa được chi tiết ở một số địa phương, nhất là ở khâu chấm thi.

Thứ ba, công tác thanh kiểm tra chưa được sâu sát trong các khâu, đặc biệt là khâu chấm thi ở một số địa phương”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, về phía địa phương, Ban chỉ đạo thi cũng như hội đồng thi cấp địa phương theo phân cấp đã chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, đặc biệt công tác chọn cán bộ tham gia kỳ thi cũng chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn tới việc họ chủ động thông đồng với nhau để thực hiện việc gian lận.

Khi phát hiện vụ việc xảy ra, Bộ trưởng cho biết, ngành đã cử đoàn về thanh kiểm tra, phối hợp với Bộ Công an điều tra xác minh, và bước đầu có kết quả. Các trường hợp không đủ điểm đầu vào đã bị trả về địa phương; Bộ Công an đã khởi tố bị can, đang tiếp tục điều tra khởi tố và địa phương cũng đang thực hiện theo trách nhiệm của mình.

Ông Nhạ cũng nhấn mạnh tinh thần là “xử lý nghiêm khắc” tình trạng gian lận. Ông cũng đề nghị địa phương xem xét, cho ra khỏi ngành những cán bộ vi phạm.

Về giải pháp khắc phục, Bộ trưởng nhấn mạnh sẽ quán triệt quy chế thi, điều cán bộ coi thi, tăng cường thanh kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo khâu chấm thi, đặc biệt nâng cấp phần mềm, mã hóa toàn bộ dữ liệu.

Trước đó, tại phiên thảo luận trước Quốc hội, nhiều Đại biểu đã nêu lên những băn khoăn, lo lắng với những gì diễn ra trong ngành giáo dục thời gian gần đây như vấn đề bệnh thành tích, chất lượng giáo dục, bạo lực học đường, nhiều vụ việc gian dối, văn bằng chứng chỉ giả v.v, ngoài ra còn bày tỏ nghi ngờ về vai trò và chính sách hành động của ngành giáo dục.

Các Đại biểu kiến nghị ngành giáo dục phải xem xét và đánh giá lại hiệu quả thực chất của việc nhập hai kỳ thi phổ thông và tuyển sinh đại học, cũng như đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp đối với các em đã bị mất cơ hội, không được vào Đại học trong năm vừa qua.

Tuấn Minh

Xem thêm: