Điều này có thể được hiện thực hoá trong tương lai gần, khi mà các nước trong khối ASEAN đang hướng đến việc thống nhất các loại giấy tờ.

ASEAN
(Ảnh minh họa: congan.hanoi.gov.vn)

Cụ thể, tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đáng chú ý là nội dung làm rõ thêm một số vấn đề về Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, các nước trong khối ASEAN đang hướng đến việc thống nhất các loại giấy tờ. Trong đó, Singapore và Malaysia là những nước đi đầu cho ý tưởng này.

Bộ trưởng cho hay rằng việc đi lại trong cộng đồng châu Âu không cần visa, tiến tới ASEAN cũng thống nhất như vậy, công dân Việt Nam có thể đi lại trong ASEAN bằng căn cước công dân. Theo Đại tướng, hiện lực lượng công an quyết tâm đạt mục tiêu 100% công dân phải có căn cước công dân.

“Nếu hoàn thiện được thì các công tác đều rất thuận lợi, kể cả những việc như tìm trẻ lạc, hay người bị tai nạn đều dễ dàng”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công an cho hay rằng hiện nay đã cấp căn cước công dân cho khoảng hơn 80 triệu dân, số còn lại sẽ cố gắng để hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Ở một diễn biến khác, mới đây, Bộ Công an đã đề xuất bổ sung thông tin về mống mắt, ADN, giọng nói vào cơ sở dữ liệu căn cước đối với người có tiền án, tiền sự…

Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu họp thẩm định Luật Căn cước công dân (sửa đổi) do Bộ Công an soạn thảo.

Trong các nội dung cần thẩm định, Bộ Công an đã đề xuất bổ sung các nhóm thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD gồm: Thông tin sinh trắc học (mống mắt, ADN, giọng nói); thông tin về người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam (người gốc Việt được sinh ra tại Việt Nam hoặc người gốc Việt sinh ra tại nước ngoài, nhưng đã trở về Việt Nam sinh sống liên tục từ 5 năm trở lên).

Theo lý giải của Bộ Công an, việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói chỉ áp dụng đối với một số người có tiền án, tiền sự. Mục đích để phục vụ phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Những thông tin sinh trắc học trên sẽ do các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc…) thu thập trong quá trình xử lý vi phạm.

Sau đó, thông tin được chuyển cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào cơ sở dữ liệu công dân. Cơ quan quản lý căn cước công dân không trực tiếp thu thập thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói từ cá nhân.

Nếu đề xuất trên được thông qua, cơ sở dữ liệu căn cước công dân có thể được tích hợp 22 trường thông tin cá nhân của công dân, gồm: Họ, tên khai sinh; số định danh cá nhân; ngày/tháng/năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; nhóm máu; số CMND 9 số; ngày cấp và thời hạn sử dụng của CMND/CCCD; họ, tên, số định danh cá nhân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; nơi thường trú; nơi tạm trú; nơi ở hiện tại.

Đặc điểm nhân dạng; thông tin sinh trắc học (ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói); tên gọi khác; nghề nghiệp (trừ lực lượng vũ trang nhân dân); trình độ học vấn; trạng thái của tài khoản định danh điện tử (khóa, mở, mức độ…).

Với nội dung này của dự thảo, Bộ Y tế đề nghị “cân nhắc quy định theo hướng linh hoạt, không bắt buộc đối với thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói”.

Luật Căn cước công dân (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024.

Phan Anh