Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay việc tổ chức nghiên cứu dự án sửa chữa cầu Thăng Long nói chung và mặt cầu nói riêng là yêu cầu bắt buộc đối với ngành. “Giải pháp sửa chữa lần này phải khắc phục bền vững, ít nhất là từ 10 năm trở lên”.

cau thang long
Cầu Thăng Long. (Ảnh: Văn Quyết)

Sáng nay (6/9), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp bàn phương án sửa chữa, xử lý mặt cầu Thăng Long.

Bộ trưởng cho hay thời gian qua đã có nhiều đợt sửa chữa mặt cầu nhưng so với kỳ vọng của xã hội và so với thực tế đã sửa chữa chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đảm bảo êm thuận.

Do đó, việc tổ chức nghiên cứu dự án sửa chữa cầu Thăng Long nói chung và mặt cầu nói riêng là yêu cầu bắt buộc đối với ngành GTVT.

Giải pháp sửa chữa lần này phải khắc phục bền vững, ít nhất là từ 10 năm trở lên. Những giải pháp đề xuất phải đảm bảo được mục tiêu này mới được xem xét, các đề xuất mang tính chất thử nghiệm sẽ không thực hiện. Các giải pháp không đáp ứng được yêu cầu trên, các đơn vị tham gia phải chịu trách nhiệm” – Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng yêu cầu phải chọn được tổ chức tư vấn có uy tín, kinh nghiệm về lĩnh vực cầu thép và phải có những dự án chứng minh được tính hiệu quả.

Cần ưu tiên cho đơn vị trước kia đã xây dựng cầu Thăng Long để hợp tác nghiên cứu thực hiện dự án vì họ có nền tảng khoa học phát triển và là người thật, việc thật” – Bộ trưởng yêu cầu.

vet nun cau thang long
Xuất hiện vết lún cắt ngang mặt cầu Thăng Long.

Bộ trưởng giao Tổng cục Đường bộ phối hợp với Cục Đường sắt kiểm định lại tổng thể toàn bộ cầu để đánh giá những biến động của kết cấu cầu. Vụ Hợp tác Quốc tế phối hợp với Tổng cục Đường bộ mời các chuyên gia, doanh nghiệp đã xây cầu của Nga sang để trao đổi kinh nghiệm sửa chữa.

Ngoài ra, để mặt cầu êm thuận cho các phương tiện lưu thông khi chưa sửa chữa toàn diện, Tổng cục Đường bộ vẫn phối hợp với Đại học Giao thông sửa chữa cục bộ từng đoạn mặt đường bị hư hỏng, nứt vỡ.

Cầu Thăng Long được khởi công xây dựng năm 1974 và chính thức khánh thành vào ngày 9/5/1985. Cầu có tổng chiều dài khoảng 3.116m gồm phần cầu chính dài 1.688m, với 15 nhịp dàn thép được chia thành 5 liên, mỗi liên gồm 3 nhịp dàn thép liên tục. Bề rộng mặt cầu 20,5m bao gồm 4 làn xe cơ giới rộng 16,5m (mặt đường bê tông nhựa diện tích 27.852m2), còn lại hai bên là phần đường bộ hành công vụ mỗi bên rộng 2m.

Phần cầu dẫn bê tông cốt thép có tổng chiều dài dài 1.428m (nhịp mố phía bắc gồm 22 dầm x 33m; nhịp mố phía nam gồm 21 dầm x 33m), bề rộng mặt 16,5m (diện tích 23.562m2).

Qua khảo sát, mặt đường bê tông nhựa trên 5 liên dàn thép của cầu chính có hiện tượng hằn lún, rạn nứt.

Tại thời điểm kiểm tra mới đây, hiện trạng mặt đường bị rạn nứt khoảng 8.736m2; hằn lún < 2,5cm khoảng 1.290m2; hằn lún từ (2,5-7cm) khoảng 576m2; vạch sơn mòn, sơn tim đường bị mặt đường chồi lún gây biến dạng; 4/8 khe co dãn cầu bị hư hỏng và đậy tạm bằng tấm thép để đảm bảo an toàn giao thông.

Cầu đã qua 2 đợt sửa chữa vào năm 2009 và vào giai đoạn 2012-2014. Tuy nhiên, các vết nứt mặt cầu vẫn không được khắc phục hoàn toàn, thậm chí nhiều vết nứt xuất hiện trở lại khi chưa hết thời hạn bảo hành sau sửa chữa.

Trước đó, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ đã làm việc với các chuyên gia trong nước và đưa ra 5 nhóm giải pháp để sửa cầu. Ngoài ra, Tổng cục đã liên hệ với các chuyên gia Nga đã từng thiết kế và xây dựng cầu Thăng Long. Phía Nga cho biết sẽ cử đại diện đến Việt Nam làm việc từ ngày 17-21/9 để xem xét lớp mặt cầu và đưa ra giải pháp cụ thể.

Kim Long

Xem thêm: