Quyết định do Thứ trưởng Bộ Y tế – ông Trương Quốc Cường ký cho biết 1 triệu liều vắc-xin COVID-19 (Vero Cell), Inactivated do Công ty TNHH Một thành viên Dược Sài Gòn nhập khẩu “đủ điều kiện để đưa ra sử dụng”.

tphcm sinopharm
Lô 500.000 liều vắc-xin Sinopharm và 502.400 bơm kim tiêm do Trung Quốc tặng Việt Nam được chuyển theo đường không từ Bắc Kinh (Trung Quốc) về Hà Nội (Việt Nam), ngày 20/6/2021. Đầu tháng 7, TP.HCM đặt mua 5 triệu liều. (Ảnh: thanhuytphcm.vn)

Bộ Y tế cho việc bộ này đồng ý để Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn nhập khẩu 5 triệu liều vắc-xin COVID-19 Vero Cell, Inactivated (tên khác là SARS-CoV-2 Vaccine (Vero Cell), Inactivated) là căn cứ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc-xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 và đề nghị nhập khẩu vắc xin COVID-19 của Công ty TNHH Một thành viên Dược Sài Gòn – theo bản tin của Tuổi Trẻ ngày 11/8.

Bộ này nhắc lại vắc-xin COVID-19 Vero Cell, Inactivated sản xuất tại cơ sở Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd (Trung Quốc) đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt nằm trong danh sách vắc xin sử dụng khẩn cấp để phòng chống dịch bệnh COVID-19 và nhiều nước đã sử dụng để tiêm chủng.

Ngày 31/7, Công ty Dược Sài Gòn đã làm thủ tục nhập khẩu, tiếp nhận 4 lô vắc-xin với tổng số lượng 1 triệu liều (cơ sở sản xuất Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd – Trung Quốc), bảo quản tại kho của công ty.

Các lô vắc xin này đã được Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế tiến hành kiểm định chất lượng và cấp các giấy chứng nhận xuất xưởng vắc-xin, sinh phẩm y tế số 11421/VXVR – TT, 11521/VXVR – TT, 11621/VXVR – TT, 11721/VXVR – TT ngày 4/8. Do đó, các lô vắc-xin nhập khẩu này “đủ điều kiện để đưa ra sử dụng”.

Động thái trên được đưa ra sau 6 ngày sau công bố của giới chức TP.HCM về lô 1 triệu liều vắc-xin Vero Cell (thường gọi theo tên hãng là vắc-xin Sinopharm) nhập về hôm 31/7, rằng chưa đưa vào tiêm trong đợt này, đang được Bộ Y tế kiểm định độ an toàn; nếu kiểm định an toàn sẽ tiến hành tiêm chủng như các loại vắc-xin khác và tiêm theo tinh thần tự nguyện.

Đáng lưu ý, vào ngày 10/8, TP.HCM công bốđã đưa 19.000 liều vắc-xin Sinopharm do Bộ Y tế phân bổ trong lô 500.000 liều do Chính phủ Trung Quốc tặng vào tiêm đại trà. Danh sách tiêm do các đơn vị đề xuất, trong đó có Tập đoàn FPT. Điều này có nghĩa danh sách người tiêm được đưa lên theo đơn vị làm việc, không trên tư cách cá nhân.

Bên cạnh đó, điều này là trái với tuyên bố của Bộ Y tế trước công luận vào thời điểm phân bổ, rằng khi “đàm phán về tiếp nhận lô vắc xin này, lãnh đạo 2 nước đã có trao đổi và thống nhất khi lô vắc-xin này về Việt Nam sẽ ưu tiên cho những người Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, người có nhu cầu đi học tập và công tác tại Trung Quốc và cư dân ở khu vực biên giới” – trích theo bản tin của Tuổi Trẻ ngày 19/6.

Với hai văn bản đề nghị Bộ Y tế ký miễn trừ trách nhiệm của nhà sản xuất vắc-xin Vero Cell của Công ty Dược Sài Gòn (ngày 13/7) và của Văn phòng đại diện China National Pharmaceutical Foreign Trade Corporation tại Hà Nội (ngày 26/7), UBND TP.HCM phủ định yếu tố “khác biệt”, cho rằng việc miễn trừ trách nhiệm của nhà sản xuất là “thực hiện theo thông lệ quốc tế đối với tất cả các loại vắc-xin COVID-19 hiện nay đang sử dụng trên thế giới và giống như đối với tất cả các lô vắc-xin COVID-19 khác Việt Nam đã nhập từ trước đến nay” – trích theo bản tin của báo Pháp luật TP.HCM ngày 9/8.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

GS. Harvard: Không nên bắt buộc tiêm chủng đối với người đã có miễn dịch tự nhiên