Giới chức y tế Việt Nam công bố hệ thống giám sát tiêm chủng ghi nhận khoảng 33% các trường hợp có phản ứng nhẹ thông thường và khoảng 0,1% phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin AstraZeneca.

vac xin covid astrazeneca
BS Trần Thị Minh Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, đang nhận tiêm vắc xin AstraZeneca, sáng 24/3/2021. Bên cạnh là đoàn quan chức y tế, trong đó có Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. (Ảnh: soytequangninh.gov.vn)

Bộ Y tế Việt Nam chiều 8/4 cho biết tròn một tháng kể từ ngày bắt đầu (8/3), 56.359 người tại 19 tỉnh, TP đã nhận tiêm vắc-xin COVID-19 AstraZeneca.

Nhóm người nhận tiêm là các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân bị mắc COVID-19, các nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương.

Theo Bộ Y tế, hệ thống giám sát tiêm chủng ghi nhận khoảng 33% các trường hợp sốc phản vệ nhẹ (đau, đỏ tại chỗ tiêm, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn) sau khi tiêm. Các dấu hiệu này tự khỏi trong 1-2 ngày sau tiêm. Theo giới chức Việt Nam, các phản ứng này là dấu hiệu bình thường gặp phải, như khi tiêm các loại vắc-xin ngừa các bệnh truyền nhiễm khác như: sởi, ho gà, uốn ván…

Khoảng 0,1% trường hợp sốc phản vệ nặng sau tiêm, sau khi xử trí đã ổn định sức khỏe, trở lại đi làm sau 1-2 ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế.

Theo đó, số người bị sốc phản vệ nhẹ khoảng 18.598 người, số người bị sốc phản vệ nặng khoảng 56 người.

Giới chức y tế không công bố cụ thể các triệu chứng khi người tiêm bị sốc phản vệ nặng. Ngày 14/3, Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia (TCMR) công bố một trường hợp được chẩn đoán sốc phản vệ độ 3 với dấu hiệu ban đầu sốt, rét run kèm theo co quắp, tê bì tay xuất hiện 8 giờ sau tiêm.

Đối với tình trạng người tiêm bị đông máu và huyết khối xảy ra đối với vắc-xin AstraZeneca trên thế giới, Bộ Y tế công bố chưa ghi nhận trường hợp nào tương tự tại Việt Nam.

Bộ Y tế nhận định những số liệu ghi nhận phản ứng sau tiêm vắc-xin AstraZeneca tại Việt Nam nói trên tương đương so với những số liệu do nhà sản xuất cung cấp. Hiện giới chức một số tỉnh, thành đã có kế hoạch thực hiện đợt 2 tiêm vắc-xin AstraZeneca sau khi 811.200 liều vắc-xin tiếp nhận từ chương trình COVAX Facility, được Bộ Y tế phân bổ.

Khảo sát: Vắc-xin người Canada lo lắng nhất là AstraZeneca

Diễn biến gần đây nhất, tại Anh, 7/30 người bị đông máu sau khi tiêm vắc-xin AstraZeneca đã tử vong, theo công bố của Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Sản phẩm Y tế của Anh (MHRA). Sau khi phát hiện vắc-xin AstraZeneca có liên quan đến chứng huyết khối ở người trẻ, ngày 7/4, MHRA thông báo những người dưới 30 tuổi sẽ chuyển sang tiêm vắc-xin Pfizer hoặc Moderna thay vì vắc-xin AstraZeneca.

Mặc dù vậy, vẫn chưa có kết luận về mối liên hệ giữa vắc-xin AstraZeneca với chứng đông máu này.

Ngày 2/4, Hà Lan đã tạm ngừng việc tiêm vắc-xin AstraZeneca lần thứ 2 cho những người dưới 60 tuổi sau khi một phụ nữ sau khi tiêm vắc-xin này tử vong và 4 phụ nữ khác gặp các biến chứng nghiêm trọng.

Tại Đức, ngày 30/3, giới y tế công bố hạn chế việc sử dụng vắc-xin AstraZeneca đối với những người dưới 60 tuổi sau khi xuất hiện báo cáo về 31 trường hợp đông máu trong số 2,7 triệu liều vắc-xin AstraZeneca đã được tiêm.

Vào trung tuần tháng 3, Pháp cho biết họ đã quyết định hạn chế việc tiêm chủng cho những người từ 55 tuổi trở lên.

Tại Việt Nam, ngày 18/3, dù cho biết sẽ tiếp tục sử dụng vắc-xin AstraZeneca do chưa ghi nhận biến chứng nặng, Bộ Y tế cho biết 9 nhóm sẽ tạm hoãn tiêm vắc-xin loại này, gồm người bị bệnh giảm tiểu cầu và đông máu, người bị bệnh cấp tính, người suy giảm khả năng miễn dịch, phụ nữ đang mang thai và cho con bú, người trên 65 tuổi…

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Việt Nam muốn Trung Quốc sớm hỗ trợ vắc-xin phòng virus Vũ Hán