Theo Bộ Y tế, dù mức viện phí mới chỉ tác động đến khoảng 12% dân số chưa có bảo hiểm y tế (BHYT), tuy nhiên, vẫn hoãn tăng giá viện phí để tránh tác động tâm lý người dân trong bối cảnh giá xăng dầu, giá điện tăng.

tang vien phi
Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Lưu Tâm)

Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tạm hoãn tăng giá dịch vụ y tế không thuộc phạm vi thanh toán BHYT theo mức giá quy định của Thông tư 37/2018/ TT-BYT.

Bộ Y tế cho biết dù mức viện phí mới chỉ tác động đến 12% dân số chưa có BHYT, nhưng việc tạm hoãn tăng viện phí vẫn được đưa ra để tránh tác động đến tâm lý người dân trong bối cảnh điều chỉnh tăng giá xăng dầu và giá điện vừa qua.

Hiện có Hà Nội, Sơn La, Yên Bái, Hưng Yên, Thanh Hóa, Đồng Tháp (6 tỉnh, thành) đã ban hành Nghị quyết về điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán quỹ BHYT theo mức giá quy định của Thông tư 37. Bộ Y tế đề nghị các địa phương chưa ban hành nghị quyết này thì tạm dừng, nếu thấy làm tăng chỉ số CPI.

Về giải pháp, các địa phương sẽ giao Sở Y tế phối hợp với Cục thống kê tính toán tác động của việc điều chỉnh giá đến CPI của địa phương. Trường hợp tác động tăng CPI của địa phương thì sẽ xem xét tăng viện phí ở thời điểm thích hợp.

Bộ Y tế cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo Sở Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế và Chỉ thị 847/CT-BYT ngày 21/8/2018 về các giải pháp đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh; đặc biệt, không thu tiền đối với người nhà vào thăm nuôi người bệnh dưới các hình thức do giá dịch vụ ngày giường bệnh đã bao gồm chi phí điện, nước, vệ sinh buồng bệnh của người nhà bệnh nhân.

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các cơ quan truyền thông lưu ý giải thích việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế chỉ áp dụng cho người không có thẻ BHYT nhằm xóa bỏ bao cấp giá, thực hiện giá thị trường đối với các dịch vụ công có sự kiểm soát của Nhà nước.

Bộ Y tế cho hay khi thực hiện mức giá theo Thông tư 37 thì số lượng dịch vụ tăng giá nhiều hơn số lượng dịch vụ giảm giá. Bộ này nhận định các dịch vụ tăng giá có mức tăng rất thấp, còn các dịch vụ giảm giá có mức giảm rất sâu và tỷ lệ sử dụng dịch vụ nhiều hơn.

Hà Nội là địa phương mới nhất ban hành nghị quyết điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế với người không có thẻ BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập thuộc thành phố. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/5.

Theo đó, danh mục giá các dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc quỹ BHYT chi trả gồm 10 dịch vụ khám chữa bệnh, 6 dịch vụ ngày giường, 1.937 giá các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm áp dụng cho các hạng bệnh viện.

Giá dịch vụ tối đa gồm chi phí trực tiếp và tiền lương để đảm bảo việc khám bệnh, chăm sóc, điều trị người bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế.

Trong số gần 2.000 dịch vụ được điều chỉnh, có một số giảm, còn lại phần lớn tăng do cơ sở tính giá điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới (từ 1,15 triệu đồng tăng lên 1,39 triệu đồng).

Như vậy, mức giá khám chữa bệnh của người không có thẻ BHYT sẽ bằng mức giá khám bệnh có BHYT.

Ví dụ, giá giường điều trị hồi sức tích cực của Bệnh viện hạng I (như Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đức Giang…) tăng từ 632.000 đồng/ngày lên 678.000 đồng/ngày. Giá giường hồi sức cấp cứu tăng từ 336.000 đồng/ngày lên 411.000 đồng/ngày.

Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện có 86,7% dân số khu vực đã tham gia BHYT nên việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này chỉ tác động đến hơn 13% dân số còn lại chưa tham gia BHYT.