Theo Bộ Y tế, việc quảng cáo, sản xuất, buôn bán các loại “sản phẩm có tác dụng như thuốc nhưng không phải là thuốc” gây nguy hại cho sức khỏe, thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng, gây bất an cho xã hội và vi phạm các quy định tại luật Dược.

nghe si quang cao thuoc
Theo Bộ Y tế, việc quảng cáo, sản xuất, buôn bán các loại “sản phẩm có tác dụng như thuốc nhưng không phải là thuốc” gây nguy hại cho sức khỏe, thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng, gây bất an cho xã hội và vi phạm các quy định tại luật Dược. (Ảnh: suckhoedoisong.vn)

Ngày 18/1, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký văn bản yêu cầu xử lý tổ chức, cá nhân trong việc quảng cáo thổi phồng các sản phẩm có tác dụng như thuốc nhưng không phải là thuốc.

Theo văn bản, Bộ Y tế cho biết trong thời gian qua, một số phương tiện truyền thông phản ánh một số cơ sở sản xuất, kinh doanh đã lợi dụng hình ảnh một số người nổi tiếng, sử dụng các danh hiệu như “nhà thuốc gia truyền”, “danh y”, “thần y” để quảng cáo các sản phẩm có tác dụng như thuốc để điều trị các bệnh mãn tính như xương khớp, huyết áp, tiểu đường, bệnh về mắt… trên các mạng xã hội.

Các sản phẩm này chưa được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, lưu hành tại Việt Nam.

Việc quảng cáo, sản xuất, buôn bán các loại sản phẩm này gây nguy hại cho sức khỏe, thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng, gây bất an cho xã hội và vi phạm các quy định tại luật Dược.

Do đó, Bộ Y tế đề nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là văn nghệ sĩ quảng cáo các sản phẩm không phải là thuốc nhưng “nổ” công dụng như thuốc chữa bệnh.

Bộ TT-TT được đề nghị “có biện pháp xử lý mạnh” với các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Twitter… các nền tảng quảng cáo trên Youtube, Coccoc, Chrome…; rà soát quản lý chặt điều kiện cho phép mở các trang website, tên miền hoạt động…

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Công an cũng được Bộ Y tế “nhờ hỗ trợ” để giám sát các vấn đề về vấn nạn quảng cáo thuốc…

Trước đó, tại Lễ ra mắt cẩm nang phòng chống tin giả trên không gian mạng tại Việt Nam, ngày 27/12, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT), nói ban đầu “chúng tôi lúng túng trong việc ngăn chặn các quảng cáo” theo dạng “nhà tôi 3 đời chữa bệnh”, “cam kết chữa khỏi” hay “nhà tôi 3 đời làm thần y”…

Sau khi làm việc với Google, theo ông Do, phải mất 6 tháng, phía Goolge mới phát hiện được thuật toán để chặn lọc những quảng cáo trên và áp dụng từ tháng 9/2022. Chỉ trong vòng 1 tháng đã ngăn chặn được các quảng cáo “thần y”, dạng quảng cáo đó gần như không tồn tại nữa.

Trong năm 2022, Bộ TT-TT đã đàm phán với Google trong việc gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm về thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe bằng phương thức nhanh hơn. Theo yêu cầu từ phía Việt Nam, trong 6 tháng cuối năm, nền tảng này đã gỡ hơn 2.000 quảng cáo vi phạm.

Tại phiên thảo luận chiều ngày 10/11/2022 của Quốc hội về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) cho biết trên môi trường mạng, các quảng cáo, ứng dụng giải trí dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng như Facebook, YouTube, TikTok… tình trạng quảng cáo thực phẩm tràn lan, đặc biệt là quảng cáo thuốc, dược phẩm, mỹ phẩm với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng.

“Vừa qua, tình trạng nghệ sĩ Việt quảng cáo sai sự thật, được báo chí lên án nhưng chế tài các vấn đề này chưa được xây dựng đầy đủ. Đề nghị dự thảo cần quy định hành vi quảng cáo sai sự thật là hành vi cấm, các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh quảng cáo đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình”, bà Trinh nói.

Cũng nói tại Quốc hội về dự án Luật trên, hôm 2/11/2022, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn, cho rằng cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quá phức tạp, không tạo thuận lợi trong việc đi đòi quyền lợi. Người tiêu dùng có tâm lý là công sức bỏ ra để đi đòi quyền lợi, khiếu nại không tương xứng với những quyền lợi mang lại. Trong khi đó, việc xử phạt đôi khi chưa đủ sức răn đe.

“Như trong lĩnh vực văn hóa, tôi thấy văn nghệ sĩ yếu đuối lắm, ai cũng bị bệnh cả, đi quảng cáo bán thuốc suốt ngày, đau lưng, đau gối, đau đầu, cả yếu sinh lý nữa. Thực ra đó là câu chuyện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vì họ là nhân vật nổi tiếng, ảnh hưởng, chi phối nhận thức hành vi của người tiêu dùng, nên cần phải chấn chỉnh”, ông Sơn cho hay.

Minh Long