Trong dự thảo mới, Bộ Y tế đề xuất người nhập cảnh vào Việt Nam “không cần giấy chứng nhận tiêm vắc-xin COVID-19 hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh”.

nhap canh khong can chung nhan tiem vac
Trong dự thảo mới, Bộ Y tế đề xuất người nhập cảnh vào Việt Nam “không cần giấy chứng nhận tiêm vắc-xin COVID-19 hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh”. (Ảnh: suckhoedoisong.vn)

Bộ Y tế vừa có dự thảo lấy ý kiến về yêu cầu phòng dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh.

Theo đó, Bộ Y tế đề xuất “người nhập cảnh vào Việt Nam không cần giấy chứng nhận tiêm vắc-xin COVID-19 hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh”.

Đối với người nhập cảnh theo đường hàng không, những người này cần phải có kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 (bằng phương pháp PCR) trong vòng 72 giờ hoặc trong 24 giờ (nếu test nhanh) trước khi xuất cảnh về Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận.

Sau khi nhập cảnh, họ tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch như người đã/đang lưu trú tại Việt Nam.

Đối với người nhập cảnh đi theo các đường khác, trường hợp người nhập cảnh đã có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19, thực hiện các biện pháp phòng dịch như đối với người nhập cảnh theo đường hàng không.

Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19, thực hiện xét nghiệm COVID-19 trong vòng 24 giờ đầu (bằng phương pháp bằng phương pháp PCR hoặc xét nghiệm nhanh) kể từ khi nhập cảnh.

Ngoài ra, tại dự thảo, Bộ Y tế nêu rõ trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm COVID-19, chưa được tiêm hoặc chưa từng bị nhiễm COVID-19 đều được tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân.

Theo Bộ Y tế, người nhập cảnh đều phải khai báo y tế trước khi nhập cảnh và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-COVID) trong suốt thời gian lưu trú tại Việt Nam.

Tính đến ngày 8/3, Việt Nam đã tiêm 198.647.028 liều vắc-xin COVID-19. Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 181.606.863 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.040.165 liều. Việt Nam cũng đã có kế hoạch tiêm vắc-xin cho trẻ thuộc nhóm tuổi từ 5-11 tuổi.

Minh Long