Từ ca nhiễm là một nhân viên bốc dỡ tại sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện vào tối 5/2, từ đêm 7/1 tới sáng 8/2, TP.HCM xác định thêm 29 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm trong cộng đồng tại TP lên 30 người trong vòng chưa đầy 3 ngày.

COVID tan son nhat 07
Phong tỏa khu trọ trên đường Nguyễn Phúc Chu, quận Tân Bình – nơi ở của một nam nhân viên sân bay – bệnh nhân 2002, đêm 8/2. (Ảnh: Trung tâm Y tế quận Tân Bình)

Tại cuộc họp vào sáng trong ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế – ông Nguyễn Thành Long nhận định: “Dịch ở TP HCM khá phức tạp, đã trải qua nhiều chu kỳ lây nhiễm nên chưa xác định được điểm khởi đầu của chuỗi lây nhiễm . Đây là điều khiến chúng tôi rất lo lắng”.

Theo ông Long, ổ dịch tại khu bốc xếp hành lý sân bay Tân Sơn Nhất đã có từ trước, từ 5 ca nhiễm COVID-19 tại đây qua truy vết và xét nghiệm đã phát hiện thêm 24 ca tại 6 quận, huyện của TP.

“Cần lưu ý là các ca lây nhiễm tại khu vực bốc xếp, sân bay Tân Sơn Nhất, có thể khởi nguồn từ các ca xuất hiện trước đây. Chúng ta có thể đã không phát hiện được dịch bằng các biện pháp hiện có”, ông Long nói.

Đối với các nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất mắc COVID-19, ông Long cũng nhận định đây có thể không phải là những bệnh nhân đầu tiên. “Có thể có trường hợp nhiễm đã khỏi hoặc sắp tới sẽ có thêm những trường hợp lây nhiễm, chứ có thể không dừng ở con số 29 như TP.HCM báo cáo”, ông Long cho hay (sau cuộc họp, TP.HCM báo thêm 1 ca – chú thích).

Ổ dịch này được xác định nằm trong khu vực ngoài trục cảng hàng không nên khả năng lây nhiễm với hành khách, nhân viên phục vụ phía ngoài sẽ khó xảy ra. “Tuy nhiên, cần nhớ rằng sự giao lưu của nhóm người này với cộng đồng dân cư tại TP.HCM là rất lớn. Chúng tôi đánh giá nguy cơ lây nhiễm ở TP.HCM đang phức tạp, cần hành động quyết liệt, khẩn trương hơn 1 bước”, ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Giải pháp do Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra là TP.HCM lấy mẫu theo cụm gia đình, tức trong lần lấy mẫu đầu, sẽ lấy gộp mẫu từng hộ dân thay vì lấy mẫu từng người. Nếu phát hiện nghi nhiễm thì sẽ đưa cả hộ gia đình đó đi cách ly và lấy mẫu lần hai. Bộ Y tế cho biết đã yêu cầu các đơn vị, nhất là Viện Pasteur nâng công suất xét nghiệm tối đa lên 50.000 mẫu/ngày, nếu gộp mẫu sẽ được lên 200.000 mẫu/ngày.

Ngoài ra, ông Long cũng đề nghị TP giãn cách những nơi có dịch. “Chỉ thị 16 áp dụng tại khu vực có ca bệnh, còn toàn thành phố là Chỉ thị 15 hoặc lỏng hơn. Có như thế mới theo kịp tốc độ truy vết, khoanh vùng và dập tắt được ổ dịch”, ông Long nói, và cho hay đây chỉ là đề xuất, còn quyết định do chính quyền TP.

Theo cập nhật của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính tới trưa 8/2, trong 30 ca COVID-19 được phát hiện, có 5 ca là nhân viên thuộc tổ bốc xếp hàng hóa trong sân bay Tân Sơn Nhất (các bệnh nhân 1979, 2002, 2003, 2004, 2005); 25 ca trong các khu vực dân cư (Bộ Y tế chưa công bố) , gồm: quận 9 (1 ca), quận 12 (6 ca), Gò Vấp (6 ca), Bình Thạnh (5 ca), Bình Tân (7 ca).

Đáng chú ý, đã xuất hiện chùm lây nhiễm phái sinh, khi từ bệnh nhân 2002 đã lây cho ba, mẹ và em gái… (quận 12).

11 khu vực đang bị phong tỏa tại TP.HCM:

1. Toàn bộ tứ giác Nguyễn Cư Trinh (Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Cư Trinh, Cống Quỳnh), quận 1.

2. Tổ 22, khu phố 3A, Thạnh Lộc, quận 12.

3. Tổ 47, khu phố 4, Trung Mỹ Tây, quận 12.

4. 130/57 Phạm Văn Hai, quận Tân Bình.

5. Quán Nam Bắc, 12A1 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình.

6. Quán Cây Bàng, B68 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình.

7. Quán gà ta Phương Nam, A3 Bạch Đằng, phường 2, Tân Bình.

8. Khu nhà trọ 90/16 Nguyễn Phúc Chu, phường 15, quận Tân Bình.

9. Khu nhà trọ 60/41/25 Nguyễn Văn Cự, Tân Tạo, quận Bình Tân.

10. Hẻm 251 Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp.

11. Chung cư Felix Homes phường 6, quận Gò Vấp.

Nguyễn Quân

Xem thêm: