Chỉ 2 ngày sau khi ban hành, sáng sớm 26/7, đại diện Bộ Y tế – Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn tiếp tục ký văn bản thu hồi công văn 5944 – công văn đưa ra 26 sản phẩm “y học cổ truyền” phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19 với mục đích để các Sở, bệnh viện… “lựa chọn mua sắm, đấu thầu”.

konir 2
Thực phẩm chức năng Konir với quảng cáo trên nhãn hộp “Kovir là không virus” của Công ty Sao Thái Dương. Sản phẩm này hiện vẫn trong thử nghiệm lâm sàng, chưa được công nhận là thuốc điều trị COVID-19. (Hình ảnh: saothaiduong.com.vn)

Đưa “các sản phẩm do các đơn vị tài trợ, ủng hộ cho phòng dịch” vào điều trị cho bệnh nhân COVID-19?

Tại Công văn 5944/BYT-YDCT ban hành ngày 24/7, Bộ Y tế đề nghị Sở y tế các tỉnh thành “căn cứ thuốc cổ truyền, các sản phẩm chế biến, bào chế từ dược liệu ban hành kèm công văn này để tham khảo lựa chọn mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho cơ sở khám chữa bệnh để hỗ trợ điều trị cho người bệnh nhiễm virus Sars-CoV-2, đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu và đối tượng cách ly (F1)”.

Các bệnh viện y học cổ truyền trực thuộc Bộ/ngành và bệnh viện đa khoa, chuyên khoa các tỉnh, thành phố được yêu cầu “lựa chọn thuốc cổ truyền, các sản phẩm chế biến, bào chế từ dược liệu ban hành kèm công văn này và tùy theo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để chế biến, bào chế thuốc cổ truyền, các sản phẩm từ dược liệu…”

Các bệnh viện này cũng phải “sử dụng các thuốc cổ truyền, các sản phẩm chế biến, bào chế từ dược liệu do bệnh viện bào chế và các thuốc cổ truyền, các sản phẩm từ dược liệu do các tổ chức, cá nhân ủng hộ kèm theo công văn này điều trị cho người bệnh nhiễm virus Sars-CoV-2 ở mức độ không triệu chứng, mức độ nhẹ và vừa, đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu và F1”.

Trong phụ lục đính kèm, Bộ Y tế đưa ra danh mục 26 sản phẩm y học cổ truyền thuộc 4 nhóm: sản phẩm sát khuẩn, thuốc xịt họng, sản phẩm phòng và hỗ trợ điều trị, sản phẩm hỗ trợ nâng cao sức khỏe.

12 sản phẩm từ dược liệu được đưa ra, với 9 sản phẩm nêu rõ đơn vị sản xuất, gồm: Ngọc bình phong gia Xuyên tâm liên (Bệnh viện YHCT, Bộ Công an); Viên nang Kovir (Công ty CP Sao Thái Dương); Bạch địa căn (Bệnh viện YHCT, Bộ Công an); Siro Viêm họng (Bệnh viện YHCT, Bộ Công an); Siro Dưỡng âm bổ phế(Bệnh viện YHCT, Bộ Công an); Siro Ngân kiều (Viện YHCT Quân đội – Bộ Quốc phòng); Hạnh tô (Bệnh viện YHCT Trung ương); Vệ khí khang(Viện YHCT Quân đội – Bộ Quốc phòng); Hoạt huyết Nhất Nhất (Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất); Viên nang Imboot; Xuyên tâm liên và Viên nang Nasagast – KG.

Danh mục thuốc cổ truyền, sản phẩm từ dược liệu được Bộ Y tế đưa ra kèm yêu cầu các Sở “lựa chọn mua sắm, đấu thầu”, các bệnh viện “sử dụng vào điều trị” người bệnh COVID-19 làm dấy lên sự phản đối trong công luận vì chất lượng sản phẩm và tính định hướng của văn bản.

Trước khi văn bản bị thu hồi, chiều 25/7, khi báo giới đặt câu hỏi về Công văn 5944, PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) nói “12 sản phẩm nêu trên không phải là danh mục thuốc, sản phẩm chỉ định cho dự phòng, điều trị, mà đó chỉ là danh mục các sản phẩm do các đơn vị tài trợ, ủng hộ cho phòng dịch” – báo Hà Nội Mới dẫn thông tin.

Ông Thịnh cho rằng danh sách sản phẩm trên nhằm “tham mưu cho ban chỉ đạo phòng chống dịch sản phẩm sử dụng cho người không có triệu chứng hoặc F1, sản phẩm trong danh sách tập hợp các thuốc được tài trợ”.

Tại Công văn số 5967/BYT-YDCT ban hành ngày 26/7 về việc thu hồi Công văn số 5944/BYT-YDCT, Bộ Y tế nêu lý do: “Do có một số nội dung chưa phù hợp nên Bộ Y tế thu hồi công văn này. Bộ Y tế thông báo để các đơn vị biết và thực hiện”.

thu hoi cong van 5944
Công văn 5967 ngày 26/7 thu hồi Công văn 5944 ngày 24/7, cùng do Thứ trưởng Bộ Y tế – Nguyễn Trường Sơn ký ban hành.

Nhiều sản phẩm chưa được thừa nhận là thuốc điều trị COVID-19

Nói về thuốc hoạt huyết vốn chỉ định phòng và điều trị thiểu năng tuần hoàn não, mất thăng bằng, đau mỏi vai gáy, tê bì chân tay…, lại được đưa vào danh mục thuốc điều trị COVID-19 (căn bệnh gây suy hô hấp cấp tính, sốc nhiễm khuẩn…), PGS-TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) nói: “Sản phẩm hoạt huyết không phải là thuốc điều trị COVID-19. Đó là sản phẩm trong danh sách các sản phẩm họ tài trợ, nên chúng tôi hướng dẫn sử dụng”, dẫn theo Thanh Niên.

Với sản phẩm Xuyên tâm liên, ông Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân không nên tự ý mua thuốc xuyên tâm liên để sử dụng, nhất là với mục đích phòng ngừa COVID-19, mà cần thực hiện tốt nguyên tắc 5K. Chỉ sử dụng thuốc xuyên tâm liên theo chỉ dẫn của các thầy thuốc. Hiện Cục vẫn đang phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) làm đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng sản phẩm xuyên tâm liên hỗ trợ điều trị trên bệnh nhân COVID-19 – theo báo Lao Động.

Còn sản phẩm Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương từng bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ y tế) ngày 14/9/2020 đưa cảnh báo với thông tin quảng cáo với sản phẩm này, rằng “không có loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào có công dụng dự phòng, điều trị hoặc hỗ trợ điều trị COVID-19”. Báo Thanh Niên ngày 25/7 dẫn thông tin từ Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) cho hay sản phẩm Kovir mới đang nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 để đánh giá về điều trị hỗ trợ bệnh nhân COVID-19. Sản phẩm này còn cần thêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 mới được xem xét để đưa vào bổ sung trong phác đồ điều trị căn bệnh này.

Đáng lưu ý, ngày 19/7, 5 ngày trước khi công văn 5944 được ban hành, Công ty Cổ phần Sao Thái Dương ra thông báo tăng giá viên nang cứng Kovir lên tới 1 triệu đồng/2 vỉ 15 viên; viên nang mềm hộp 5 vỉ có giá 1,25 triệu đồng áp dụng từ 19/7/2021.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Israel: Vắc-xin Pfizer có hiệu quả 39% trong việc ngăn ngừa biến chủng Delta