Nối tiếp tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại hàng loạt cơ sở y tế tại các tỉnh thành, Viện Pasteur TP.HCM mới đây công khai tình trạng hết hàng loạt vắc-xin phòng nhiều loại bệnh cho người lớn và trẻ em. Cơ quan quản lý cao nhất – Bộ Y tế mới đây chỉ ra 5 nguyên nhân của tình trạng này, đứng đầu là “tâm lý sợ sai, không dám đấu thầu”.

vien pasteur tphcm
Viện Pasteur TP.HCM là cơ sở y tế lớn nghiên cứu dịch tễ học, vi sinh y học, thử thuốc lâm sàng, tổ chức tiêm chủng vắc-xin của Việt Nam. (Ảnh minh họa: PIMECT – Viện Pasteur Tp.HCM/Facebook)

Sáng sớm 18/6, khi click vào link tiemchung.pasteurhcm.gov.vn để đặt lịch tiêm chủng online theo hướng dẫn trên trang web của Viện Pasteur TP.HCM, người dùng sẽ nhận được dòng thông báo “Quý khách vui lòng kiểm tra tình trạng vắc-xin trước khi đến Viện.”

Theo danh sách do viện này công bố, 19 loại vắc-xin tại viện đã hết, bao gồm cả các loại vắc-xin dành cho người lớn và trẻ em, như vắc-xin Synflorix (dành cho trẻ dưới 5 tuổi), vắc-xin 4/1: Bạch hầu – Uốn ván – Ho gà – Bại liệt, vắc-xin 6/1: Bạch hầu – Uốn ván – Ho gà – Bại liệt – HIB – VGB, vắc-xin Cúm (6 – < 36 tháng), vắc-xin Cúm (trẻ từ 36 tháng và người lớn), vắc-xin Thủy đậu, vắc-xin Uốn ván, vắc-xin Viêm gan A-B, vắc-xin Viêm gan B, vắc-xin Viêm gan A, vắc-xin Viêm màng não Nhật Bản, vắc-xin Viêm màng não viêm phổi do phế cầu….

vien pasteur het vacxin
Danh mục 19 loại vắc-xin hiện đang hết tại Viện Pasteur TP.HCM ngày 18/6/2022. (Ảnh chụp màn hình/tiemchung.pasteurhcm.gov.vn)

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang xảy ra phổ biến tại Việt Nam, từ trạm y tế đến các bệnh viện, viện tại hàng loạt tỉnh thành lớn nhỏ. Trong khi Sở Y tế TP.HCM phủ định tình trạng này (dù báo chí phản ánh thực trạng là có), ngày 17/6, Bộ Y tế ra thông báo nêu 5 lý do của thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế phổ biến tại các địa phương hiện nay, đồng thời đưa ra các biện pháp khắc phục.

Bộ Y tế thừa nhận “hiện đang có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi”, tuyên bố thiếu chủ yếu là các loại thuốc, vật tư y tế thông dụng thuộc thẩm quyền mua sắm của các địa phương, đơn vị.

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân đầu tiên dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tếlà do tâm lý lo ngại, “sợ sai, sợ được thanh tra, kiểm tra, do vậy không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị, mặc dù Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị”. 

Sự lo ngại này đến từ cả doanh nghiệp đấu thầu và nhà cung cấp. Theo Bộ Y tế, một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn.

Thứ hai, việc thiếu vật tư y tế là do ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo Bộ Y tế, trong hai năm 2020-2021 ảnh hưởng bởi bệnh dịch, nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định rút gọn, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp khẩn cấp để chống dịch. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động. Vì vậy, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm cho phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh càng khó khăn hơn.

Thứ ba, Bộ Y tế cho rằng tại các cơ sở y tế, việc hiểu và thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập về thẩm quyền quyết định mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ về tài chính chưa thống nhất dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm của các đơn vị sự nghiệp công lập bị chững lại, chưa tổ chức thực hiện việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hoá, dịch vụ kể từ khi Nghị định này có hiệu lực.

Thứ tư, việc chậm thầu còn do một số giấy đăng ký thuốc hết hạn. Hồi tháng 4, Bộ Y tế đã báo cáo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về hơn 10.000 giấy đăng ký thuốc hết hạn vào cuối năm nay, gây nguy cơ thiếu thuốc. Đến tháng 6, Cục Quản lý Dược mới cấp phép bổ sung hơn 6.200 loại thuốc nội, nhập khẩu và sinh phẩm y tế.

Nguyên nhân thứ năm là việc đấu thầu tập trung cấp quốc gia (mua sắm một lượng lớn thuốc, vật tư y tế phục vụ điều trị) chậm có kết quả, khiến bệnh viện phải sử dụng hết lượng dự trữ và tự mua, dẫn tới không chủ động được số lượng và thời gian mua.

Bộ Y tế cho rằng ngày 29/4, trước nguy cơ thiếu thuốc và vật tư y tế, Bộ đã ban hành công văn số 2206/BYT-BH đôn đốc mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế  đối với các đơn vị, địa phương.

Tiếp đến ngày 2/6, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã thông báo gia hạn 4.631 thuốc nội, 1.427 thuốc ngoại và 193 vắc-xin, sinh phẩm y tế hết hạn trước ngày 30/6.

Các thuốc được gia hạn thuộc nhiều lĩnh vực điều trị khác nhau như bệnh liên quan đường hô hấp, dạ dày, kháng sinh amoxicilin, thuốc hạ sốt aspirin…, đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và Cục Quản lý Dược.

Với tổng cộng 9.797 giấy đăng ký lưu hành thuốc sẽ hết hạn tính đến ngày 31/12/2022 do Bộ Y tế công bố hồi đầu tháng 4, trong đợt 1 này, Cục Quản lý Dược đã gia hạn hơn một nửa trong số đó. Bộ Y tế cho hay dự kiến đợt 2 sẽ công bố xong trước ngày 15/7.

Vào ngày 13/6 vừa qua, tại phiên thảo luận của Quốc hội về Luật khám, chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Công Long, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng thiếu thuốc là do luật pháp y tế không rõ ràng.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Huyết học Truyền máu Trung ương cho hay trong 40 năm ông làm nghề y, chưa bao giờ thấy luật pháp về y tế bị khủng hoảng, bị thiếu hụt và không cập nhật như hiện nay.

“Hoạt động khám chữa bệnh đang bị ảnh hưởng rất lớn. Thiệt thòi lớn nhất đã xảy ra cho chính bệnh nhân, cho chính người dân. Cán bộ y tế chúng tôi đang nhìn thấy và rất đau lòng. Chúng tôi muốn làm nhưng vì thiếu một hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp nên không thể”, ông Trí nói.

Minh Sơn