Theo Bộ Y tế Việt Nam, nếu Sở Y tế của tỉnh, thành phố nào không báo cáo UBND tỉnh, thành phố xem xét, phê duyệt về thời gian tiêm vắc-xin mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc-xin AstraZeneca, làm ảnh hưởng đến tiến độ tiêm chủng thì “phải chịu trách nhiệm trước Bộ Y tế, UBND tỉnh thành”.

tiem1 vac xin covid dongnai
Đội tiêm chủng lưu động của CDC Đồng Nai tiêm vắc-xin COVID-19 tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (TP Biên Hòa, Đồng Nai), tháng 6/2021. (Ảnh minh họa: dongnaicdc.vn)

Cuối ngày 19/11, Bộ Y tế công bố Công văn 9835 do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký gửi các tỉnh, thành phố về yêu cầu rút ngắn khoảng cách giữa 2 mũi tiêm vắc-xin COVID-19.

Tại công văn này, Bộ Y tế cho biết ngày 20/9 đã chỉ đạo các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về khoảng cách tiêm mũi 2 vắc-xin phòng COVID-19, trong đó đề nghị các Sở Y tế căn cứ Khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hướng dẫn của nhà sản xuất và hướng dẫn của Bộ Y tế về tiến độ tiêm chủng, hiệu lực của việc bảo vệ khi tiêm mũi 2 để tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố về thời gian tiêm vắc-xin mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc-xin AstraZeneca.

Tuy nhiên, chỉ một số tỉnh thành thực hiện việc trên. Do đó, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc các Sở Y tế nhanh chóng báo cáo UBND tỉnh, thành phố xem xét, phê duyệt về thời gian tiêm vắc-xin mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc-xin AstraZeneca “để kịp thời triển khai tiêm chủng”.

Bộ này cho hay nếu Sở Y tế tỉnh, thành phố nào không thực hiện việc này, ảnh hưởng đến tiến độ tiêm chủng thì “phải chịu trách nhiệm trước Bộ Y tế, UBND tỉnh, thành phố”.

Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh 104,7 triệu liều vắc-xin COVID-19 đã được ngành y tế Việt Nam đưa vào tiêm trên cả nước (tính đến tối 19/11), trong đó tiêm 1 mũi là 66,1 triệu liều, tiêm mũi 2 là 38,6 triệu liều.

Tại “Lễ phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 trên toàn quốc” do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức ngày 10/7, Thủ tướng Chính phủ – ông Phạm Minh Chính công bố mục tiêu là “tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022”.

Điều này có nghĩa sau 4 tháng triển khai các đợt tiêm diện rộng, Việt Nam mới đạt gần 70% số mũi tiêm mục tiêu, trong đó số người tiêm mũi 2 chỉ tương đương 58% so với số người đã tiêm mũi 1.

Tính đến hiện tại, Bộ Y tế Việt Nam đã ra nhiều văn bản xác định thời gian tiêm mũi 2 đối với người đã tiêm mũi 1 vắc-xin AstraZeneca, bao gồm khoảng cách giữa hai mũi tiêm khi tiêm cùng loại vắc-xin AstraZeneca và khoảng cách khi “tiêm trộn” mũi 2 vắc-xin Pfizer cho người tiêm mũi 1 vắc-xin AstraZeneca.

Lược lại thời gian, tại Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7, Bộ Y tế Việt Nam hướng dẫn khoảng cách giữa 2 mũi tiêm vắc-xin AstraZeneca là 8-12 tuần.

Một ngày sau, ngày 27/7, Bộ tiếp tục ra Công văn số 6030/BYT-DP, khẳng định “những người đã tiêm mũi 1 vắc-xin nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vắc-xin đó”. Nhưng Bộ này đồng thời cho phép “trong trường hợp nguồn vắc xin hạn chế”, cho tiêm mũi 2 vắc-xin Pfizer cho người đã tiêm mũi 1 vắc-xin AstraZeneca (nếu người được tiêm chủng đồng ý), khoảng cách là sau 8-12 tuần kể từ ngày tiêm mũi 1.

Hiện, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất vắc-xin Astrazeneca, sau khi tiêm mũi 1, từ ngày thứ 22 hiệu lực bảo vệ của vắc-xin đạt 69,2%; sau khi tiêm mũi 2 dưới 6 tuần đạt 55,1%, sau từ 6-8 tuần đạt 59,7% và sau 12 tuần đạt 80%. Tức, hiệu lực bảo vệ tốt nhất của mũi 2 vắc-xin AstraZeneca tăng dần theo thời gian cách mũi 1, và có thể đạt hiệu lực bảo vệ tốt nhất là sau 12 tuần.

Nhà sản xuất hướng dẫn mũi 2 nên được tiêm trong khoảng từ 4-12 tuần sau mũi 1. Còn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng cách giữa hai mũi tiêm đối với vắc-xin AstraZeneca dài hơn, trong khoảng 8-12 tuần.

Các thông tin trên được Bộ Y tế Việt Nam nêu rõ tại Công văn số 7820/BYT-DP ngày 20/9/2021. Tuy nhiên, cũng tại văn bản này, Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế căn cứ khuyến cáo của WHO, hướng dẫn của nhà sản xuất và Bộ Y tế về tiến độ tiêm chủng, hiệu lực bảo vệ khi tiêm mũi 2, để đề xuất UBND tỉnh, thành phố, chấp thuận việc rút ngắn khoảng cách giữa hai mũi tiêm, từ đó tiến hành kế hoạch tiêm trong cộng đồng (nếu người được tiêm chủng đồng ý).

Mục đích của việc rút ngắn khoảng cách giữa hai mũi tiêm vắc-xin COVID-19 không được Bộ Y tế nêu rõ tại công văn này.

Báo Tiền Phong ngày 14/11 dẫn ý kiến của TS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cho hay việc rút ngắn khoảng cách giữa hai mũi tiêm vắc-xin thực tế là việc cân đối giữa chọn sớm có bảo vệ hay muốn bảo vệ ở mức độ cao.

Theo ông Thái, nhà sản xuất khuyến cáo khoảng cách giữa hai mũi tiêm của vắc xin AstraZeneca là 4-12 tuần thay vì 8-12 tuần. Tuy nhiên, khoảng cách giữa hai mũi tiêm từ 8-12 tuần là khoảng thời gian vắc xin sẽ cho hiệu quả bảo vệ tối ưu, tức là miễn dịch tạo ra trong khoảng thời gian 8-12 tuần sẽ ở mức độ cao hơn thời điểm trước 8 tuần.

“Nếu tiêm hai liều với khoảng cách này, vắc-xin có thể đạt hiệu quả cao phòng nhiễm tới 83%, phòng thể nặng và nhập viện trên 90%, trong khi tiêm trước 8 tuần tỷ lệ bảo vệ phòng nhiễm chỉ khoảng 71%. Tuy nhiên, tỷ lệ phòng thể nặng và nhập viện không chênh nhiều, vẫn trên 90%”, ông Thái nói.

Theo đó, ông Thái cho hay tại vùng có dịch nên tiêm sớm, còn những vùng không có dịch thì nên cố gắng chờ đến 8 tuần thì tiêm.

Hiện có 3 tỉnh thành công bố rút ngắn thời gian tiêm giữa hai mũi vắc-xin COVID-19, trong đó TP.HCM cho rút khoảng cách giữa 2 mũi tiêm vắc-xin AstraZeneca xuống còn 6 tuần (từ ngày 24/9), Đồng Nai rút khoảng cách tiêm mũi 2 đối với người đã tiêm mũi 1 vắc-xin AstraZeneca xuống từ 4-12 tuần (nếu người nhận tiêm đồng ý) (từ ngày 20/10), thay vì khoảng cách từ 6-12 tuần được tỉnh này đưa ra một tuần trước đó; Hà Nội cho rút khoảng cách giữa 2 mũi tiêm vắc-xin AstraZeneca xuống còn 4 tuần (từ ngày 14/11).

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Định nghĩa “tiêm vắc-xin đầy đủ” có thể sẽ thay đổi trong tương lai