Đến tháng 9/2015, Bộ GTVT đã triển khai thực hiện 78 dự án đầu tư theo hình thức BT và BOT trong lĩnh vực giao thông. Hai năm sau, tháng 8/2017, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra, chỉ ra nhiều vấn đề trong đầu tư, quản lý của Bộ như “ém” thông tin dự án, nâng khống giá thu phí bằng cách ghép dự án cải tạo đường vào dự án làm đường mới…

tram thu phi cai lay 5
Trạm thu phí BOT Cai Lậy – Tiền Giang (Ảnh: Khánh Minh)

Kết luận thanh tra được công bố trong bối cảnh trạm thu phí Cai Lậy đang gây phản ứng mạnh mẽ trong dân chúng. Từ ngày mở cửa trạm (1/8), nhiều lái xe phản đối trạm thu phí bằng cách đưa tiền lẻ 200 đồng, 500 đồng để trả phí, gây tình trạng kẹt xe kéo dài trên tuyến đường huyết mạch QL1 đoạn qua trạm.

Từ ngày 9/8 đến trước ngày Bộ GTVT tổ chức họp báo, BOT Cai Lậy 4 lần phải xả trạm, vào tối 9/8, chiều và tối 13/8, chiều 14/8. Ngày 17/8, trong buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định không di dời vị trí trạm thu phí BOT Cai Lậy với lý do “nếu di chuyển thì phương án tài chính đổ bể. Cứ vì người dân phản đối, phản ứng mà thay đổi vị trí trạm thu phí là không ổn“.

Một ngày sau, ngày 18/8, hàng loạt sai phạm, các điểm bất hợp lý trong việc đầu tư, quản lý của Bộ GTVT như “ém” thông tin dự án, 100% dự án chỉ định thầu, các trạm BOT đặt sai vị trí, chỉ sửa chữa đường nhưng thu phí bằng làm đường mới, kéo dài thời gian thu phí… bị chỉ ra trong nội dung kết luận vừa được Thanh tra Chính phủ chính thức ban hành.

100% chỉ định thầu

Cụ thể, cơ quan này tiến hành thanh tra 7 dự án (5 dự án BOT, 1 dự án BT, 1 dự án kết hợp cả BOT và BT).

Theo Thanh tra Chính phủ, trong quá trình triển khai Bộ GTVT đã thực hiện không đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo quy định.

Ngoài bảy dự án trên, Thanh tra cho biết hơn 70 dự án đầu tư theo hình thức BOT và BT do Bộ GTVT đã thực hiện đều không lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu, 100% đều là chỉ định thầu với lý do chỉ có một nhà đầu tư tham gia hoặc do tính cấp bách của dự án nhưng không có quy trình, thủ tục đánh giá hay xác định thế nào là cấp bách.

Một số nhà đầu tư được lựa chọn có năng lực hạn chế, không đáp ứng yêu cầu của dự án, như: 3/4 công ty trong liên danh nhà đầu tư được lựa chọn để thực hiện dự án hầm đường bộ Phước Tượng – hầm Phú Gia đã không góp được vốn theo cam kết phải rút khỏi liên danh và xin giảm tối đa tỷ lệ vốn góp. Liên danh phải mời gọi nhà đầu tư thay thế dẫn đến chậm tiến độ dự án.

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, kết quả kiểm tra tổng mức đầu tư có nhiều sai lệch (tổng mức đầu tư là cơ sở để xác định tổng vốn đầu tư cho hợp đồng dự án). Theo đó, vốn đầu tư xác định cho hợp đồng dự án không chính xác. Tại 7 dự án được thanh tra, cơ quan thanh tra phát hiện các nhà đầu tư phê duyệt sai tăng về đơn giá định mức, chế độ tiền lương, phụ cấp hoặc các yếu tố phát sinh không đúng thực tế với số tiền trên 316 tỷ đồng.

Đặt trạm thu phí bất hợp lý, nâng khống mức thu 

Theo kết luận của TTCP, hầu hết các dự án BT và BOT đều thực hiện tại các khu vực giao thông trọng yếu, có mật độ tham gia giao thông lớn, các trạm thu phí có khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí cao, tăng nhanh, khiến người tham gia giao thông không còn sự lựa chọn nào khác (điển hình là tại Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên và Hòa Bình).

Điều này làm phát sinh tình trạng người dân và phương tiện né trạm thu phí, đi vào đường ngang ngõ tắt gây hư hại hệ thống giao thông địa phương, gây nguy cơ mất an toàn giao thông.

Mặt khác, phương án, doanh thu tài chính xác định thiếu chính xác đã gây ra gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp tham gia giao thông vì thời gian thu phí quá dài.

Bộ GTVT khi phê duyệt các dự án đã ghép việc cải tạo với đầu tư xây dựng đường mới thành 1 dự án rồi đặt 2 trạm thu phí tại 2 nơi không hợp lý.

Cụ thể, Bộ GTVT ghép việc cải tạo nâng cấp QL6 với dự án đầu tư xây dựng mới đường Hòa Lạc – Hòa Bình và ghép việc cải tạo nâng cấp 7 km QL 3 với đầu tư xây dựng đường mới Thái Nguyên – Chợ Mới thành một dự án rồi mỗi dự án đặt 2 trạm thu phí ở hai nơi không hợp lý.

Theo quy định, việc cải tạo đường cũ này phải thực hiện bằng nguồn Quỹ bảo trì đường bộ. Bộ GTVT phê duyệt ghép vào là không đúng quy định – kết luận thanh tra nêu.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra việc xác định lưu lượng xe chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn nhưng vẫn được lấy làm căn cứ áp dụng để thu phí cho cả thời kỳ khai thác rất dài, giá thu phí cao, điều chỉnh không hợp lý.

Có dự án chưa hoàn thành (giá trị đầu tư mới 30%) nhưng giá thu phí đã tương đương dự án đầu tư mới như BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ; đặt trạm thu phí ngoài vùng dự án như BOT đèo Phước Tượng – hầm Phú Gia; dùng trạm thu phí của tuyến đường này để hỗ trợ thu phí đầu tư tuyến đường khác như BOT Thái Nguyên – Chợ Mới, Xuân Mai – Hòa Bình…

Dự án nâng cấp đường Pháp Vân – Cầu Giẽ giai đoạn 1 chỉ sửa chữa, cải tạo các yếu tố hình học và rải thảm mặt đường cũ nhưng giá phí thu tương đương với giá thu đường cao tốc xây dựng mới Cầu Giẽ – Ninh Bình (1.500 đồng/km). Điều này là “bất hợp lý và bất thường“, theo kết luận thanh tra.

tram thu phi bot cai lay
Ùn tắc kéo dài tại trạm BOT Cai Lậy chiều ngày 13/8. (Ảnh chụp màn hình)

“Chịu trách nhiệm chung, toàn diện”

Theo TTCP, Bộ GTVT chịu trách nhiệm chung, toàn diện đối với những nội dung theo quy định thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó là việc quyết định đầu tư dự án, phương án thu phí bất hợp lý, phê duyệt tổng mức đầu tư sai lệch, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng thiếu chặt chẽ. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm liên quan đến việc thu phí chưa hợp lý, thỏa thuận việc đặt trạm thu phí chưa đảm bảo nguyên tắc.

TTCP kiến nghị Thủ tướng chính phủ yêu cầu Bộ GTVT và Bộ Tài chính phải kiểm điểm đối với các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm liên quan đến nội dung vi phạm đã nêu.

Trước hàng loạt những sai phạm đã chỉ ra, những kiến nghị trên xa lạ với người dân. Người dân đòi hỏi được biết về những kiến nghị cụ thể, như di dời trạm đặt bất hợp lý; giảm mức phí, giảm thời gian thu phí đúng với giá trị dự án; cam kết minh bạch thông tin; điều tra, truy cứu trách nhiệm đối với cá nhân cho phép gộp dự án nâng cấp quốc lộ vào thu phí BOT, đặt trạm thu phí ngoài vùng dự án, dùng trạm thu phí của tuyến đường này để hỗ trợ thu phí đầu tư tuyến đường khác .v.v…

Giải pháp của Bộ GTVT đối với trạm BOT Cai Lậy không làm người dân đồng thuận: giảm phí từ ngày 21/8, mức thấp nhất giảm từ 35.000 đồng xuống 25.000 đồng. Vì sao lại miễn, giảm phí trong khi cái sai là vị trí đặt trạm? BOT là hình thức đầu tư mà về nguyên tắc không phải là các con đường, cầu độc đạo để người dân có quyền lựa chọn lưu thông vào tuyến phải trả tiền hay tuyến miễn phí do Nhà nước đầu tư.

Song, dự án BOT 12km tuyến tránh thị xã Cai Lậy được phê duyệt từ năm 2009, khoảng 3 tháng trước thời gian thi công vẫn được bổ sung thêm hạng mục tăng cường 26,5km mặt đường QL 1. Trạm BOT Cai Lậy được đặt tại vị trí Km1999+300 trên đường QL 1 để thu phí hoàn vốn cho cả 2 hạng mục trên.

3 ngày sau khẳng định của Thứ trưởng Bộ GTVT: “Không có lý do gì để di chuyển vị trí trạm Cai Lậy“, chưa có phản hồi mới từ phía cơ quan quản lý đối với dự án BOT Cai Lậy. Người dân và chuyên gia giao thông tiếp tục khẳng định quốc lộ phải được sửa chữa từ phí bảo trì đường bộ hoặc bằng vốn ngân sách, trạm thu phí BOT phải dời vào đường đầu tư BOT. Còn Bộ GTVT tiếp tục im lặng.

Chính phủ và Bộ GTVT: Giảm chứ không rút ngắn thời gian thu phí BOT

Tháng 2/2017, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố kết luận cho biết trong số 27 dự án BOT tiến hành kiểm toán, 11 dự án tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý giá trị 465,5 tỷ đồng. Một số dự án lớn tăng tổng vốn đầu tư ban đầu lên 100%. Cơ quan kiểm toán kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.358 tỷ đồng.

Đặc biệt, KTNN xác định 80% dự án phải rút ngắn thời gian thu phí hoàn vốn so với phương án tài chính ban đầu là 107,4 năm; trong đó có dự án giảm tới 13 năm 1 tháng 12 ngày.

Tháng 5/2017, Bộ GTVT giảm thời gian thu phí đối với 13 dự án BOT, tổng cộng là 92 năm 3 tháng; kéo dài thời gian thu phí đối với 4 dự án BOT, tổng cộng là 24 năm 5 tháng.

Đến tháng 7/2017, liên quan đến chỉ đạo mới của Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa về việc tiếp tục rà soát và có giải pháp giảm phí tại một số trạm thu phí BOT, đại diện Vụ Đối tác công – tư (Bộ GTVT) cho biets Bộ sẽ chỉ giảm phí, không rút ngắn thời gian thu phí

Cụ thể, Vụ cho biết có hai phương án giải quyết khi tổng mức đầu tư giảm so với dự toán. Phương án thứ nhất là giữ nguyên mức phí như trong hợp đồng và rút ngắn thời gian thu phí. Phương án hai là giảm phí và giữ nguyên thời gian thu phí.

Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT, đơn vị này sẽ thực hiện theo phương án 2: giảm phí nhưng vẫn giữ nguyên thời gian thu phí BOT.

Vĩnh Long

Xem thêm: