Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết cần ít nhất vài tháng nữa mới có câu trả lời chính thức cho vấn đề BOT Cai Lậy.

bot cai lay 40
BOT Cai Lậy. (Ảnh: Thiện Nhân)

Ngày 4/1/2018 là thời điểm tròn 1 tháng kể từ khi BOT Cai Lậy xả trạm theo lệnh của Thủ tướng để chờ quyết sách cuối cùng. Tuy nhiên, sau 1 tháng, trạm vẫn chưa thu phí trở lại do chưa có chỉ thị từ cấp trên.

Trước đó, sau buổi họp của Thủ tướng với Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang và các bộ ngành liên quan diễn ra vào chiều 4/12/2017 tại Hà Nội về BOT Cai Lậy, Thủ tướng đã quyết định dừng thu phí 1 tháng tại BOT Cai Lậy và giao cho Bộ trưởng Bộ GTVT phối hợp với bộ ngành, địa phương liên quan đánh giá toàn diện việc đầu tư, chấp hành quy định pháp luật của dự án này, sau đó báo cáo Thủ tướng về quyết định cuối cùng.

BOT Cai Lậy bắt đầu hoạt động từ ngày 1/8/2017, tuy nhiên đã phải ngừng thu phí ngay sau đó do sự phản đối dữ dội từ cánh tài xế khi họ cho rằng việc đặt trạm thu phí đoạn đường tránh lên đường quốc lộ là không hợp lý. Đầu tháng 12/2017, BOT Cai Lậy mở cửa trở lại cùng với việc giảm mức phí, nhưng vẫn phải xả trạm liên tục và sau đó ngừng thu phí lần 2. Trước sự giằng co căng thẳng, Thủ tướng đã chỉ đạo dừng thu phí 1 tháng để tìm cách thức giải quyết.

Về phía Bộ GTVT, mới đây trong cuộc họp tổng kết năm 2017 của Tổng cục đường bộ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã đưa ra 2 phương án cho BOT: quyết toán dứt điểm dự án và áp dụng thu phí không dừng.

Ông Thể cho biết chỉ có quyết toán xong dự án mới có thể tiến hành giảm thu phí hoặc điều chỉnh các nội dung khác của dự án. Còn việc thu phí không dừng sẽ giúp giảm thời gian, chi phí thu phí. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là giải pháp phần ngọn. Chính vì sự phức tạp của vấn đề, Bộ trưởng đã khẳng định ít nhất một vài tháng nữa mới có thể đưa ra giải pháp tối ưu cho BOT Cai Lậy.

“Bộ Giao thông cùng với các bộ ngành địa phương sẽ kết hợp để tham mưu cho Chính phủ xử lý những vấn đề còn đang vướng mắc của BOT như Thủ tướng cách đây không lâu đã có chỉ đạo. Năm 2018 phải đặc biệt quan tâm giải quyết những tồn tại của BOT. Do đó năm nay đối với trách nhiệm của Bộ, chúng tôi sẽ tập trung để thực hiện tốt nhiệm vụ này, còn cụ thể như thế nào thì có thể là trong vài tháng tới Bộ Giao thông sẽ có những đề xuất với Chính phủ để xem xét việc này,” theo lời Bộ trưởng.

Trong khi đó, chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy cho biết, tiền trả lãi ngân hàng từ tháng 8/2017 cho tới nay đã lên tới gần 10 tỷ đồng chưa tính gốc, và bất cứ điều chỉnh nào cũng sẽ phá vỡ phương án tài chính của họ.

Trong khi chờ đợi quyết định cuối cùng cho BOT Cai Lậy, những ngày qua nhiều trạm thu phí BOT khác đã xảy ra tình trạng người dân trả phí bằng tiền lẻ hoặc sử dụng các biện pháp gây ách tắc giao thông. Để giải quyết vấn đề BOT Cai Lậy và cân bằng hài hoà lợi ích các bên là điều không đơn giản. Cho dù là phương án nào thì cũng sẽ dễ gây ra hiệu ứng domino đối với các trạm BOT khác trên cả nước, do đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BOT là điều rất cần thiết.

Tuấn Minh (t/h)

Xem thêm: