Nhiều sai phạm được Thanh tra Chính phủ phát hiện tại dự án trạm thu phí BOT Phước Tượng – Phú Gia (TT-Huế) như đặt “nhầm chỗ”, đội vốn hơn 44 tỷ đồng, lùi thời hạn khai thác thu phí hơn 10 năm…

BOT Phước Tượng - Phú Gia
Trạm thu phí BOT Phước Tượng – Phú Gia đặt “nhầm chỗ”. (Ảnh: Hoàng Long)

Một nguồn tin trên báo Pháp Luật Online cho biết ngày 28/4, Tổng Thanh tra Chính phủ vừa kiến nghị Thủ tướng yêu cầu hai Bộ GTVT và Bộ Tài chính tự kiểm điểm và tiến hành kiểm điểm theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến những sai phạm tại Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ đèo Phước Tượng – Phú Gia (TT-Huế).

Theo đó, Bộ Tài chính cần xem xét lại việc đánh giá tiền khả thi dự án, lựa chọn vị trí thu phí bất hợp lý.

Đối với Bộ GTVT, Thanh tra kiến nghị Bộ này rà soát lại quá trình phê duyệt nâng tổng vốn đầu tư sai hơn 44 tỷ đồng.

Cụ thể, Bộ GTVT đã tính trùng chi phí; áp dụng sai nhóm dự án đầu tư thay vì là nhóm II, Bộ này áp dụng theo nhóm III khiến tổng mức đầu tư bị đội hơn 44 tỷ đồng; chuyển nhượng quyền góp vốn khi chưa đủ vốn theo tiến độ cam kết; huy động vốn vay thực hiện dự án không đúng với hợp đồng BOT.

>> Đề xuất ghép 2 trạm thu phí BOT hầm Hải Vân

Đặc biệt về phương án tài chính, hợp đồng không đề cập rõ vị trí trạm thu phí và cách thức thu phí. Nhưng trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT và nhà đầu tư đã ký phụ lục điều chỉnh một số nội dung hợp đồng, trong đó bổ sung vị trí trạm thu phí đặt rất xa hầm Phú Gia, nằm ngoài dự án Bắc hầm Hải Vân.

Điều này dẫn đến tình trạng trạm BOT Phước Tượng – Phú Gia được dựng lên để thu phí hoàn vốn dự án 2 hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia (huyện Phú Lộc, Huế) nhưng lại đặt ngay miệng cửa Bắc hầm Hải Vân, trùng với trạm thu phí cửa Nam của hầm Hải Vân (cách đó chỉ khoảng hơn 20 km) và chỉ cách trạm BOT Phú Bài về phía Bắc khoảng hơn 50 km, không đảm bảo khoảng cách theo quy định tối thiểu là 70 km giữa 2 trạm thu phí.

Do đó, các xe từ phía Đà Nẵng ra hầm Hải Vân để đi cảng Chân Mây, Lăng Cô, mặc dù không hề đi qua hai hầm trên nhưng vẫn phải đóng phí.

Việc đặt “nhầm chỗ” khiến doanh thu của dự án tăng đột biến so với phương án tài chính, Bộ GTVT điều chỉnh rút ngắn thời gian thu phí hoàn vốn từ hơn 19 năm xuống chỉ còn 8 năm thu phí, giảm hơn 10 năm.

Bên cạnh đó, kết luận thanh tra còn phát hiện khối lượng nghiệm thu thi công lớn hơn trong bản vẽ thi công và thiết kế đến gần 51 tỷ đồng. Ngoài ra, một số nhà đầu tư năng lực hạn chế nhưng Bộ GTVT vẫn chấp thuận cho góp vốn.

Theo Kết luận thanh tra, chủ đầu tư của dự án BOT Phước Tượng – Phú Gia là liên doanh giữa 5 công ty: Công ty TNHH BOT Hưng Phát, Công ty CP Xây dựng 699, Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng Q.L.K, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Thành.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ tháng 7/2013 – 9/2015 và bắt đầu thu phí chính thức từ 0h ngày 12/8/2016.

Tường Văn

Xem thêm: