Mới đây các ý kiến phản đối việc đổi bảng tên từ “trạm thu phí” sang “trạm thu giá” được dấy lên khi có thông tin trạm BOT Cai Lậy sẽ thu phí trở lại bất kể những bất cập của dự án và sự phản đối mạnh mẽ của người dân. Thực trạng các trạm thu phí BOT đặt “nhầm”, thu sai vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện. 

tram thu gia bot
Ông Huỳnh Bửu Long (SN 1978, trú tỉnh Vĩnh Long) – lái xe phản đối trạm thu phí BOT Tam Kỳ (Quảng Nam) cho biết việc gọi là thu giá sử dụng dịch vụ là sai khi về nguyên tắc, không được quyền lựa chọn, bị ép, thì không gọi là dịch vụ được. Ngoài ra, trạm đặt sai vị trí khi khoảng cách giữa hai trạm thu phí chỉ 53km, theo Lao Động (ngày 3/1/2018). (Ảnh: Thủy Minh)

Ngày 22/5, trả lời báo chí về việc chuyển đổi tên trạm thu phí BOT thành “trạm thu giá”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết việc điều chỉnh là dựa theo nghị định của Chính phủ.

Từ khi chuyển qua giá, giá sẽ được để cân đối theo phương án tài chính, còn nếu phí muốn thay đổi sẽ phải thông qua HĐND quyết nên rất chậm. Chuyển đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá BOT không có gì khác mà chỉ là linh động hơn rất nhiều.”, ông này cho hay.

Trước câu hỏi từ phí chuyển sang giá có thay đổi bản chất, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể không trả lời trực tiếp vào nội dung mà cho biết: “Mỗi một giai đoạn lịch sử thì khả năng chịu đựng của nền kinh tế khác nhau. Hiện nay, chủ trương là giảm đến mức thấp nhất chi phí của hàng hóa. Về bản chất, hiện nay điều chỉnh để làm sao khả năng chịu đựng của nền kinh tế thấp nhất“. Điều này có nghĩa khả năng chịu đựng của doanh nghiệp (DN), người dân đang được đưa ra làm tiêu chí định ra mức thu, thay vì để việc hình thành giá cả tự điều tiết theo cơ chế thị trường?

Trước đó, từ tháng 3/2018, trang thông tin điện tử của Bộ GTVT đã đăng câu trả lời của ông Đỗ Văn QuốcVụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) về việc vì sao tên các “trạm thu phí BOT” được chuyển thành “trạm thu giá BOT”.

Ông Quốc cho biết việc chuyển đổi tên gọi từ “phí” sang “giá” được thực hiện theo quy định của Luật phí và lệ phí được Quốc hội ban hành ngày 25/11/2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

Theo quy định, từ ngày 1/1/2017, phí đường bộ sẽ được chuyển sang dịch vụ sử dụng đường bộ, khung giá và giá tối đa sẽ do Bộ GTVT và UBND các tỉnh quy định. Cụ thể, Bộ GTVT có thẩm quyền ban hành mức giá trần (tối đa) đối với dịch vụ sử dụng đường bộ trên quốc lộ do Bộ GTVT quản lý, UBND cấp tỉnh quy định giá đối với đường địa phương. Còn trước đó, các dự án BOT giao thông được quản lý dưới hình thức là phí; mức phí và chế độ quản lý sử dụng do Bộ Tài chính quy định.

Về bản chất, khi chuyển từ thu phí BOT sang thu giá BOT, Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giá khi có các yếu tố về giá biến động, còn điều chỉnh phí là thẩm quyền của Bộ Tài chính.” – ông Quốc kết luận.

Điều này có nghĩa với sự thay đổi như trên, thì Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền duy nhất đối với mức thu tại các trạm thu phí đường bộ BOT.

Tuy nhiên, điều này liệu có đúng? 

Trước hết, theo Luật phí và lệ phí có hiệu lực từ năm 2017, phí sử dụng đường bộ được chuyển sang áp dụng cơ chế giá. Đây là khoản tiền người dùng phải trả khi sử dụng “Dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh”.

Tuy nhiên, từ thu tiền sử dụng “dịch vụ”, Bộ GTVT chồng thêm một lớp nghĩa “mức giá sử dụng dịch vụ”, và biến tấu thành “thu giá sử dụng dịch vụ”, gọi tắt là “thu giá”. 

Xét về mặt ngôn ngữ, đây là việc ghép từ cứng nhắc, nếu không muốn nói là ngụy tạo. Về ngữ nghĩa, “giá” chỉ là biểu hiện về giá trị, hiện được thể hiện bằng tiền, không phải vật cụ thể để thu hay nộp. Theo phân loại, đây là loại danh từ trừu tượng (chỉ sự vật mà ta không cảm nhận được bằng các giác quan; trái ngược với danh từ cụ thể – có thể cảm nhận được bằng các giác quan). Do đó, cụm từ “thu giá”, “trạm thu giá” được cấu tạo không đúng quan hệ ngữ nghĩa giữa các thành tố . Tương tự việc Bộ đã đổi cụm từ “Bảo trì quốc lộ” thành “Tăng cường mặt đường”, trong khi trên thực tế, người dân vẫn phải chịu một loại phí, việc đổi tên gọi không làm thay đổi bản chất của sự việc. “Thu phí” hay “thu giá”, vẫn là một khoản chi phí người dân phải bỏ ra theo yêu cầu của cơ quan chức năng mà không được quyền lựa chọn theo quyền lợi của người tiêu dùng.

Sự bất hợp lý nằm ở “cơ chế giá” mà Bộ GTVT đang áp dụng đối với các trạm thu phí BOT.

Khi Luật Phí và lệ phí được ban hành với 17 sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang cơ chế giá, ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết với sự thay đổi cơ chế nói trên, NN sẽ chỉ đứng ra thu các khoản phí nhất định với mức thu đủ bù đắp chi phí dịch vụ công. Với những dịch vụ mà khoản thu bù đắp toàn bộ chi phí, thì chuyển giao cho DN cung cấp dịch vụ.

Cơ chế áp giá theo thị trường được cho là sẽ giúp tăng cạnh tranh giữa các DN, người tiêu dùng được quyết định chất lượng dịch vụ thông qua quyền lựa chọn, qua đó gián tiếp điều chỉnh để mức thu trở nên hợp lý theo quy luật cung – cầu v.v… Tuy nhiên, với những dịch vụ độc quyền và có sự thống lĩnh thì người tiêu dùng rõ ràng đứng trước nguy cơ phải chịu giá cao, tệ hại hơn là không sử dụng song vẫn phải trả tiền. Phí sử dụng đường bộ là một ví dụ điển hình. Việc chỉ có một con đường duy nhất song lại làm dự án rồi đặt trạm thu phí rõ ràng đặt người dân vào thế không được lựa chọn, không được “trả giá”, thậm chí vô lý hơn là phải trả phí dù không đi. Như thực tế đã diễn ra, hiện cả nước có tới 8 trạm như kiểu trạm BOT Cai Lậy – trạm đặt trên đường hiện có nhưng lại thu cho tuyến tránh. Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, có 70 trạm BOT thu phí trên các tuyến quốc lộ, trong đó 10 trạm khoảng cách 60 – 70 km, 20 trạm khoảng cách dưới 60 km và 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án BOT.

Khi “người dân không có sự lựa chọn (đường đi), đây là bất công trong chính sách.“, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật thừa nhận trên Tuổi Trẻ (ngày 2/12/2017). 

Nếu dự án BOT được tiến hành minh bạch, đảm bảo nguyên tắc về quyền lựa chọn của người dân, giá được điều chỉnh theo cơ chế thị trường thì tiền phải trả khi đi đường BOT tự nó sẽ trở về đúng bản chất là thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.

Còn khi tiền dịch vụ sử dụng đường bộ còn bị chồng lên phí bảo trì đường bộ (người dân đã đóng vào Quỹ bảo trì đường bộ), thì thay đổi tên gọi “Trạm thu phí” thành “Trạm thu giá” chỉ là việc làm hình thức, chưa kể “Trạm thu giá” là một cụm từ vô nghĩa trong tiếng Việt.

Khi chính sách còn những “lỗ hổng” tạo cơ chế độc quyền (cho phép đầu tư BOT trên “độc đạo”; NN không lập dự toán mà chỉ duyệt thầu BOT; cơ chế “xin-cho” trong đấu thầu) thì các dự án BOT đầu tư tại Việt Nam còn tiếp tục bị bóp méo, trở thành những biến tướng độc quyền. Dù việc đầu tư đường bộ được chuyển thành dịch vụ, cho phép DN tư nhân tham gia, áp dụng cơ chế giá để thu hồi vốn, tạo lợi nhuận, thì sự thay đổi này vẫn chỉ là lý thuyết khi luật còn cho phép tồn tại các nguyên tắc ngầm, áp đặt lên DN (nhà đầu tư) và người dân (người tiêu dùng).

Khi tiền dịch vụ sử dụng đường bộ còn bị chồng lên phí bảo trì đường bộ, vì phí do Bộ Tài chính quản lý, nên Bộ Tài chính có trách nhiệm lên tiếng thay vì để Bộ Giao thông nắm toàn quyền quyết định giá vé tại các trạm thu phí. Lẽ ra nên có động thái phân tách phí đường bộ thông thường với phí BOT, thì Bộ GTVT lại tự tạo ra khái niệm “thu giá”, phải chăng để xóa nhòa tình trạng thu phí “chồng” phí tại một số dự án BOT, bỏ qua sự giám sát của người dân và cơ quan Quốc hội?

Vĩnh Long

Xem thêm: