Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, để xử lý triệt để nước thải ở Việt Nam cần thu gom và có phương án xử lý riêng, còn phương pháp của Nhật Bản phù hợp hơn với những trường hợp cấp bách.

cakoi4
Khu vực làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản (Ảnh: Tuấn Minh)

Ngày 30/10, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã đi khảo sát khu vực thử nghiệm xử lý nước hồ Tây và sông Tô Lịch theo công nghệ Nhật Bản do Công ty cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) thực hiện.

Tiến sĩ Tadasi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Môi trường Thương mại Nhật Bản – Đại diện Công ty JVE đã giới thiệu với Bộ trưởng về những ưu điểm và kết quả ban đầu của công nghệ xử lý nguồn nước ô nhiễm đang được áp dụng thí điểm tại Hồ Tây và sông Tô Lịch.

Theo đó, chất lượng nước khu thả cá Koi trên sông Tô Lịch và Hồ Tây có 36/36 chỉ tiêu đạt quy chuẩn Việt Nam; mùi hôi thối sông Tô Lịch giảm 200 lần, hồ Tây giảm 30 lần nhờ công nghệ Nhật Bản; vi khuẩn có hại Coliform giảm hơn 61 triệu lần, E.coli giảm 1100 lần; vi sinh vật có lợi Bacillus tăng 738 lần, tổng vi sinh vật hiếu khí tăng 47 lần; Bùn sông Tô Lịch giảm nhiều nhất 76,3cm ở điểm cách đường Hoàng Quốc Việt 50m.

Sau khi nghe kết quả báo cáo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao công nghệ và phương pháp xử lý nước mà Công ty JVE và đoàn chuyên gia Nhật Bản đã đem đến ứng dụng tại sông Tô Lịch và hồ Tây.

“Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng được công nghệ này trong xử lý nước thải. Một số yếu tố có ảnh hưởng đến sức khỏe con người như vi khuẩn Ecoli, Coliform họ đã xử lý được”, ông Hà nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng thành phần chất thải ở hồ, sông ngòi của Nhật Bản khác với Việt Nam bởi tại Nhật đã xử lý trước tại nguồn còn ở Việt Nam hàng ngày vẫn đổ nước thải. Do đó, ông Hà nói cần bổ sung thêm công nghệ, phương pháp xử lý khác mới đảm bảo hiệu quả.

Ông Hà cũng đề nghị công ty JVE đưa ra dự toán kinh phí xử lý tính bằng cách khác thay cho phương pháp tính bằng mét khối như hiện tại bởi ở Việt Nam các hồ, sông đều mang tính chất mở nên lượng nước mưa vào rất lớn, việc tính bằng mét khối sẽ không đúng với thực tế.

Ngoài ra, ông Hà khẳng định để xử lý triệt để nước thải ở Việt Nam thì cần thu gom và có phương án xử lý riêng, còn phương án xử lý như hiện tại chỉ phù hợp với các sông hồ đã ô nhiễm cần xử lý cấp bách.

Ý kiến này của ông Hà cũng tương tự với nhiều ý kiến từ các chuyên gia trong nước, cho rằng cần có các biện pháp dài hơi hơn như tách được hoàn toàn nước thải chảy vào sông Tô Lịch thì công nghệ Nhật Bản mới thực sự phát huy được hết hiệu quả.

Bộ trưởng kết luận phải xem xét đến tính khả thi, phù hợp của công nghệ với Việt Nam và tính toán đến hiệu quả kinh tế, nên khu vực nào cần thiết, cấp bách có thể đầu tư thì sẽ đầu tư được.

Ngoài công nghệ nêu trên, Hà Nội đang thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng chế phẩm Redoxy3C của Đức.

Thanh Thuỷ

Xem thêm: