Vùng ngọt hóa được tỉnh Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2 thuộc địa bàn huyện U Minh và Trần Văn Thời.

cà mau hạn hán
Theo UBND tỉnh Cà Mau, nước trên các kênh chính chỉ còn từ 0,3-0,5 m. Các kênh nhánh đều đã khô cạn. (Ảnh: camau.gov.vn)

Ngày 2/3, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2 tại vùng ngọt hóa thuộc địa bàn huyện U Minh và Trần Văn Thời.

Theo quyết định được công bố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh) được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan trong việc khắc phục hạn hán.

UBND huyện U Minh và Trần Văn Thời được giao xác định và khoanh vùng những khu vực bị ảnh hưởng do hạn hán; huy động mọi nguồn lực triển khai ngay phương án ứng phó hạn hán theo kịch bản ứng phó với rủi ro thiên tai do hạn hán cấp độ 2.

Ngoài ra, các đơn vị phải chủ động kiểm tra, gia cố, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngăn mặn bảo vệ sản xuất trong vùng thiên tai; lựa chọn giải pháp và triển khai các công trình khẩn cấp đối với các dự án, công trình cấp bách ứng phó hạn hán trong vùng thiên tai.

Tại vùng thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND huyện, xã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm đã được chuẩn bị theo phương châm “bốn tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) để ứng phó với hạn hán tại địa phương. Trường hợp vượt quá khả năng, thẩm quyền phải báo cáo với UBND cấp trên trực tiếp để có hướng dẫn.

Trước đó, tại buổi làm việc ngày 24/2, đối với tình trạng hạn hán, xâm mặn, sạt lở nhiều nơi tại tỉnh, ông Lê Văn Sử – phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết tỉnh đang cân nhắc công bố tình huống khẩn cấp do thiên tai cấp 1 trên phạm vi toàn vùng ngọt.

Tuy nhiên, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai – ông Nguyễn Trường Sơn cho hay điều này chưa có khung pháp lý, do luật hiện hành chỉ quy định thiên tai sụp lún do mưa lũ, dòng chảy (theo Điều 12, Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ), chưa quy định tình huống thiên tai sụt lún do hạn hán.

Một số ý kiến khác cho rằng Cà Mau có thể công bố tình huống thiên tai do hạn hán cấp độ 2, để từ đó tạo khung hành lang pháp lý giúp tỉnh có những quyết sách ứng phó tình trạng hạn hán, sụp lún và sạt lở đang diễn ra khắp nơi ở vùng ngọt hóa trong tỉnh.

Theo đó, sau khi công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2 tại vùng ngọt hóa, ngày 3/3, UBND tỉnh Cà Mau đã gửi công văn lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tổng cục Phòng, chống thiên tai đề nghị hướng dẫn công bố tình huống thiên tai và xử lý sạt lở, sụp lún đất.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, hiện mực nước trên một số kênh trục, kênh cấp I, nước còn khoảng 0,3-0,5 m; kênh cấp II, III đã khô cạn. Hơn 18.000 ha lúa, rau màu bị thiệt hại do thiếu nước; gần 43.000 ha rừng đang trong tình trạng báo động cháy cao; một số cống ngăn mặn đã bị soi mọi, rò rỉ đáy. Hơn 20.500 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt.

Ngoài ra, hơn 900 vị trí công trình ven kênh, rạch và đường giao thông ven kênh rạch đã bị sụp lún, sạt lở, tổng chiều dài gần 22 km, trong đó có tuyến đường Tắc Thủ – Vàm Đá Bạc (đầu tư theo hình thức BT), tuyến đê biển Tây…

Theo báo cáo của Đài Khí tượng thủy văn Cà Mau, từ ngày 20/11/2019, tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh Cà Mau thiếu hụt từ 79-99%. Đối với vùng ngọt hóa, do vùng này không có hệ thống trạm thủy văn nên Đài Khí tượng thủy văn Cà Mau không có số liệu xác định mức thiếu hụt lượng mưa.

Nguyễn Sơn

Chú thích: Kênh cấp I là kênh dẫn nước từ kênh chính phân phối nước cho các kênh nhánh cấp II. Kênh cấp II có diện tích tưới lớn hơn 50.000 ha, kênh cấp III có diện tích tưới từ hơn 10.000-50.000 ha. (Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4118 : 1985 Hệ thống kênh tưới – Tiêu chuẩn thiết kế)

Xem thêm: