Tượng đài “Chuyến tàu tập kết ra Bắc 1954” xây bằng đá Granite, chiều cao tổng thể tương đương 13,5 m, chiều dài 30 m, ngang 11 m, được đặt trên mặt nền cao tối thiểu 1,5 m so với mặt bằng thực tế.

tuong dai chuyen tau tap ket ra bac ca mau
Tượng đài “Chuyến tàu tập kết ra Bắc 1954” có chiều cao tổng thể tương đương 13,5 m, chiều dài 30 m, ngang 11 m. (Ảnh: baocamau.com.vn)

Theo giới chức tỉnh Cà Mau, công trình tượng đài “Chuyến tàu tập kết ra Bắc 1954” dự kiến sẽ đặt tại khu vực bờ Nam Sông Đốc (thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời).

Giám đốc Sở VH-TT&DL Trần Hiếu Hùng cho biết, qua đặt hàng của địa phương, nhà điêu khắc Trần Thanh Tùng đã phác thảo 3 phương án kiến trúc tượng đài “Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954” tại cửa sông Ông Đốc, trong đó lấy ý tưởng phương tiện vận chuyển chính là chiếc tàu sắt mang tên KILINSKI và các phương tiện trung chuyển bằng gỗ; kích thước có lớn, nhỏ, cao, thấp.

Chất liệu tượng đài bằng đá Granite, chiều cao tổng thể tương đương 13,5 m, chiều dài 30 m, ngang 11 m, được đặt trên mặt nền cao tối thiểu 1,5 m so với mặt bằng thực tế.

Cũng theo giới chức Cà Mau, công trình tượng đài “Chuyến tàu tập kết ra Bắc 1954” sẽ được gắn liền với các công trình khác để phục vụ phát triển du lịch, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trong đó, phần lớn kinh phí xây dựng sẽ được xã hội hoá và dự kiến hoàn thành vào năm 2024.

Ông Trương Hòa Bình, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban liên lạc học sinh miền Nam Trung ương, được dẫn lời cho biết, ông ủng hộ ý tưởng xây dựng công trình tượng đài. “Trong điều kiện ngân sách địa phương còn khó khăn, Cà Mau cần cân nhắc, tính toán thật kỹ về mặt kinh phí đầu tư cho hợp lý”, ông Bình nói.

Hiện kinh phí xây dựng tượng đài “Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954” không được báo chí nhà nước tiết lộ.

ho ngheo ca mau 2
Cà Mau hiện còn nhiều gia đình thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: camau.gov.vn)

Trước đó, ngày 20/12/2021, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020 được quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015, tổng số hộ nghèo tại tỉnh là 4.310 hộ, chiếm tỷ lệ 1,41%. Tổng số hộ cận nghèo là 4.688 hộ, chiếm tỷ lệ 1,53%.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022 – 2025 được quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021, tổng số hộ nghèo trong toàn tỉnh là 9.569 hộ, chiếm tỷ lệ 3,12%; tổng số hộ cận nghèo là 6.933 hộ, chiếm tỷ lệ 2,26%.

bo bien ca mau
Bờ biển Cà Mau đang bị bào mòn nghiêm trọng. (Ảnh: baocamau.vn)

Ngoài là tỉnh có nhiều hộ nghèo, Cà Mau còn chịu nhiều tác động của tình trạng biến đổi khí hậu (sạt lở bờ biển, bờ sông, hạn hán, sụt lún đất, xâm nhập mặn…), hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư phát triển kinh tế vùng biển, ven biển và hải đảo; tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, ven biển trong thời gian qua làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu rừng phòng hộ ven biển; hệ sinh thái ven biển và quanh các cụm đảo ngày càng suy giảm, ô nhiễm môi trường biển có chiều hướng gia tăng; nguồn lợi thủy sản ngày càng suy kiệt…

Mới đây, hồi tháng 7, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở đê biển Tây. Theo đó, sạt lở bờ biển Tây thuộc huyện Trần Văn Thời, huyện U Minh bao gồm 5 vị trí với tổng chiều dài 2.692m, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đê biển Tây. Tổng kinh phí khắc phục là 36,9 tỷ đồng.

Trong những năm qua tình hình sạt lở khu vực đê biển Tây tỉnh Cà Mau (đoạn từ bờ Nam cống Kênh Mới đến bờ Bắc cống Đá Bạc và Vàm Tiểu Dừa) diễn biến vô cùng nghiêm trọng.

Từ năm 2019 đến nay (chỉ trong 3 năm), tỉnh phải hứng chịu 2 lần mực nước triều cường dâng cao, ảnh hưởng của sóng gió làm nước biển tràn qua thân đê biển Tây, mức độ ảnh hưởng năm sau cao hơn năm trước.

“Sạt lở có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe, nhà ở của nhiều người dân và các công trình đê điều, công trình phòng chống thiên tai, hệ thống lưới điện, các khu di tích lịch sử cấp quốc gia, trường học… “, giới chức tỉnh khẳng định.

Công trình Tượng đài Tập kết 1954 ở Đồng Tháp kinh phí 49 tỷ đồng

Trước đó, sáng 29/10/2019, giới chức TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ khánh thành Tượng đài Tập kết năm 1954.

Công trình Tượng đài Tập kết 1954 tại Cao Lãnh được khởi công xây dựng từ năm 2017 trên khuôn viên 12.000m2 (tại Bến Bắc Cao Lãnh, phường 6, TP. Cao Lãnh).

Công trình có tổng mức đầu tư gần 49 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: tượng đài và phù điêu (tượng đài cao 11m, không tính bệ tượng), sân lễ đài, sân đường, hoa viên cây xanh, hồ nước, hệ thống cấp nước tưới cây, cấp điện chiếu sáng và chống sét.

Các hạng mục bờ kè, san lấp mặt bằng, móng tượng đài, móng phù điêu; sân lễ đài, sân đường, hoa viên cây xanh với kinh phí 21 tỷ đồng, sau thời gian hơn hai năm, công trình được nghiệm thu và đưa vào sử dụng.

Minh Long