Hội đồng chuyên môn cho rằng hoại tử xương sọ – mặt là một bệnh lý ít gặp, và khẳng định đây “không phải là một bệnh lạ”. Tuy nhiên, Hội đồng chuyên môn không đề cập bệnh này có liên quan tới COVID-19 hay không.

hoai tu xuong ham mat
Ba bệnh nhân bị hoại tử xương vùng sọ mặt – viêm xoang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. (Ảnh: suckhoedoisong.vn)

Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp thành lập Hội đồng chuyên môn xác định nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố liên quan đến tình trạng hoại tử xương hàm mặt trên bệnh nhân sau nhiễm COVID-19.

Hội đồng chuyên môn do PGS.TS Lê Văn Sơn, nguyên Trưởng bộ môn Phẫu thuật hàm mặt, Viện Đào tạo răng hàm mặt, Trường Đại học Y Hà Nội làm Chủ tịch Hội đồng.

16 thành viên là các chuyên gia thuộc chuyên khoa răng hàm mặt, tai mũi họng, nội nhiễm, huyết học, ngoại thần kinh và y tế công cộng của Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM và Hà Nội, Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Trường Đại học Y Dược TP.HCM.

Hội đồng chuyên môn đã họp vào chiều 18/7 tại Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM.

Hội đồng chuyên môn cho rằng hoại tử xương sọ – mặt là một bệnh lý ít gặp, và khẳng định đây “không phải là một bệnh lạ”.

Bệnh hoại tử xương sọ mặt có thể xảy ra trên bệnh nhân xạ trị vùng đầu mặt cổ, lạm dụng thuốc chống loãng xương Bisphosphonate, viêm cốt tủy xương hàm do nguyên nhân từ răng và nhiễm trùng máu, chấn thương sọ – mặt, các tình trạng viêm xoang hàm do nấm, do rối loạn chuyển hóa (bệnh Paget)…

Thời gian qua, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy có ghi nhận chùm ca bệnh hoại tử xương sọ – mặt trên bệnh nhân có tiền sử mắc COVID-19.

Các ca bệnh này liên quan đến thiểu dưỡng cục bộ của xương sọ – mặt và bội nhiễm với nhiều nguyên nhân khác nhau, cần được nghiên cứu thêm.

Hội đồng chuyên môn khuyến cáo các dấu hiệu lâm sàng gợi ý cần chẩn đoán sớm trên bệnh nhân có tiền sử mắc COVID-19, gồm: sưng, đau sọ – mặt kéo dài; dò mủ trong miệng, ngoài mặt; nhiều răng lung lay bất thường; loét niêm mạc, lộ xương.

Khi xuất hiện các triệu chứng trên, thực hiện hội chẩn các chuyên khoa liên quan, chụp cắt lớp vi tính là phương tiện tốt nhất để chẩn đoán sớm hoại tử xương sọ – mặt.

Báo Vnexpress dẫn lời PGS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang với bệnh này.

Các bệnh viện Việt Nam báo cáo về số ca hoại tử xương hàm tăng sau COVID-19

Quảng Nam ghi nhận một trường hợp bị viêm xương hàm mặt

Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam vừa báo cáo một trường hợp bị viêm xương hàm mặt.

Bệnh nhân là ông N.N.A, trú tại Quế Sơn, có tiền sử mắc COVID-19.

Cách ngày vào viện 2 tháng, ông A. tự nhiên bị lung lay 7 răng hàm trên, từ răng 15 đến răng 23. Theo bệnh nhân, răng lung lay có thể tự lấy ra được bằng tay.

Bệnh nhân đến Trung tâm Y tế Duy Xuyên nhổ 7 răng. Sau khi nhổ răng, niêm mạc miệng không liền thương, lộ xương ổ răng, xương hàm trên. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam điều trị.

Bệnh nhân vào viện trong tình trạng đau hàm trên, khám lâm sàng thấy lộ xương hàm trên từ răng 15 đến răng 23. Chụp CT cho kết quả hình ảnh viêm xương, giải phẫu bệnh lý cho kết quả xương viêm.

Bệnh nhân đã được BS CKII Huỳnh Văn Tánh, Trưởng khoa Răng hàm mặt, phẫu thuật cắt bỏ xương viêm, khâu kín niêm mạc miệng.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục điều trị thuốc kháng sinh, giảm đau, kháng viêm, bệnh tiến triển tốt, không sốt, không đau, niêm mạc miệng liền thương.

Bác sĩ Tánh cho biết bệnh viêm xương hàm trên ở bệnh nhân này có các đặc điểm giống với các ca bệnh đã được Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy đã báo cáo, đó là viêm hệ thống xương sọ mặt sau khi bệnh nhân mắc COVID-19.

Trước đó, PGS Trần Minh Trường, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết y văn thế giới từ tháng 5/2021 đến tháng 5/2022 ghi nhận có khoảng 80 báo cáo về tình trạng bệnh giống hệt như các bệnh nhân nói trên, xuất hiện ở một số nước châu Âu, Trung Quốc, đặc biệt Ấn Độ.

Bệnh viện Chợ Rẫy trong 2 tháng tiếp nhận 11 ca với tình trạng viêm xoang, viêm hoại tử vùng hàm mặt và xương sọ, trong đó có 2 ca tử vong.

Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM từ tháng 2/2022 đến nay, số bệnh nhân đi khám hoại tử xương hàm trên tăng đột biến, không rõ nguyên nhân. Bệnh viện tiếp nhận 16 ca, trong đó có 3 người hoại tử hàm trên lan lên đến sàn sọ và được chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy để hội chẩn, điều trị.

Đặc điểm chung của 16 bệnh nhân này là đều mắc COVID-19 trước đó, thời gian khởi phát từ 1 – 3 tháng sau mắc, đa số đều có bệnh nền là đái tháo đường. Triệu chứng thường gặp nhất là lung lay răng và xương hàm trên (cả khối), có lỗ rò mủ, sưng đau vùng khẩu cái (vòm miệng), có những vết loét và lộ xương hàm trên. Kết quả chẩn đoán hình ảnh giúp thấy rõ mức độ lan rộng của xương hoại tử.

Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, TS.BS Lê Trần Quang Minh, Giám đốc bệnh viện cho biết nơi này ghi nhận 5 trường hợp cốt tủy viêm xoang hàm trên, kể từ đầu năm.

Trong đó, 3 ca xuất hiện trên bệnh nhân đái tháo đường, hai trường hợp nấm xâm lấn gây cốt tủy viêm xương hàm trên. Các bệnh nhân được phẫu thuật loại bỏ ổ nhiễm trùng, lấy mô viêm hoại tử, dùng kháng sinh. Sau khi điều trị ổn, tất cả bệnh nhân đều đã xuất viện. Bệnh viện không ghi nhận bệnh nhân có mắc COVID-19 trước đó hay không.

Tại Hà Nội, nhiều bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt, tai mũi họng hay Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết chưa ghi nhận bệnh nhân bị hoại tử xương hàm sau mắc COVID-19 đến khám.

Minh Long