Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM là cơ sở y tế đầu tiên ở phía Nam được thực hiện tiêm vắc-xin AstraZeneca ngừa COVID-19, bắt đầu từ ngày 8/3. Tuy nhiên, tính đến tối 12/6, 22 nhân viên tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM được công bố đã mắc viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), hiện chưa xác định được nguồn lây.

vac xin astrazeneca bv benh nhiet doi tphcm
Một nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đang nhận tiêm vắc-xin AstraZeneca ngừa COVID-19, ngày 8/3/2021. (Ảnh: hcmcpv.org.vn)

Theo công bố của Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM – bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu hồi đầu tháng 3/2021, có khoảng 900 nhân viên y tế của bệnh viện sẽ tiêm vắc-xin AstraZeneca ngừa COVID-19. Ngày 8/3, 100 nhân viên là các bác sĩ, điều dưỡng của các khoa đang trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 dương tính (Khoa Nhiễm D, Khoa Hồi sức cấp cứu người lớn, Khoa Cấp cứu) sẽ tiêm.

Tính đến cuối tháng 4, bệnh viện này đã hoàn tất đợt tiêm cho khoảng 900 nhân viên, tất cả đều đã hoàn thành liều tiêm 2 mũi, báo Tuổi Trẻ cho hay.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM là bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm, chuyên điều trị các căn bệnh liên quan đến truyền nhiễm và phòng chống dịch, hiện là bệnh viện tuyến đầu điều trị COVID-19 ở khu vực phía Nam. Đây cũng là một trung tâm lớn ở khu vực phía Nam thực hiện xét nghiệm, nghiên cứu và phân tích các mẫu bệnh phẩm để xác định các biến thể của virus Vũ Hán cùng với Viện Pasteur TP.HCM.

Theo đó thông tin 25 nhân viên tại bệnh viện này mắc COVID-19 khiến công luận bất ngờ và đặt câu hỏi về thời hạn vắc-xin bắt đầu có hiệu quả, tức có kháng thể chống lại virus.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời TS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết sau khi tiêm (2 mũi), tác dụng của vắc-xin chưa thể phát huy ngay mà nó cần thời gian (tùy mỗi loại vắc-xin) để có đủ lượng kháng thể chống lại virus.

Và những người được tiêm vắc-xin COVID-19 đủ mũi, đủ thời gian vẫn có thể bị mắc COVID-19 bình thường. Lợi ích lớn nhất của việc tiêm vắc-xin là giúp người bệnh (nếu mắc) tránh được diễn tiến trở nặng và hạn chế được khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh.

Vẫn báo này cho hay theo đại diện AstraZeneca (đơn vị sản xuất vắc xin), từ kết quả thử nghiệm lâm sàng, kể từ thời điểm 22 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên, vắc-xin AstraZeneca giúp bảo vệ tối đa khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong do COVID-19.

Trong 90 ngày sau mũi đầu tiên, hiệu lực của vắc xin đạt 76% và hiệu lực bảo vệ này được duy trì đến mũi thứ hai. Nếu khoảng thời gian giữa hai liều từ 12 tuần trở lên, hiệu lực vắc xin tăng lên 81%. Và vắc-xin có tiềm năng giảm 2/3 nguy cơ lây truyền virus không triệu chứng.

Tuy nhiên, đáng lưu ý, một nghiên cứu do Y tế Công cộng Anh (Public Health England) thực hiện, BBC ngày 23/5 đưa tin, cho thấy tỷ lệ hiệu quả của vắc-xin AstraZeneca thấp hơn so với con số do hãng này đưa ra, dù nghiên cứu này nhận định vắc-xin AstraZeneca có hiệu quả cao với biến thể của virus Vũ Hán lần đầu phát hiện ở Ấn Độ, sau khi tiêm đủ 2 hai liều.

Theo nghiên cứu trên, trong ba tuần đầu sau mũi tiêm đầu tiên, vắc-xin AstraZeneca chỉ có hiệu quả 33% đối với biến thể từ Ấn Độ và 50% với biến thể từ Anh  (vắc-xin Pfizer có hiệu quả tương tự).

Hai tuần sau mũi tiêm thứ hai, vắc-xin của AstraZeneca có hiệu quả 60% trong việc ngăn chặn các triệu chứng bệnh của người nhiễm biến thể từ Ấn Độ, và 66% hiệu quả đối với biến thể từ Anh (tỷ lệ này đối với vắc xin của Pfizer lần lượt là 88% đối với biến thể từ Ấn Độ, và 93% đối với biến thể từ Anh).

Theo đó, trong trường hợp virus Vũ Hán là biến thể Ấn Độ và biến thể Anh, thì tỷ lệ hiệu quả của vắc-xin AstraZeneca tối đa là 60-66%. Và thời gian để vắc-xin này đạt hiệu quả ngăn ngừa virus phát triển và gây thành bệnh ít nhất cần 2 tuần sau khi tiêm mũi thứ hai.

Với việc các nhân viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã hoàn thành liều tiêm 2 mũi từ cuối tháng 4, và đến ngày 11/6, nhân viên đầu tiên tại bệnh viện được phát hiện nhiễm bệnh, tức đã nhiễm bệnh ít nhất 5 tuần sau khi xong liều tiêm.

22 nhân viên bị lây nhiễm làm việc ở khu vực hành chính

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết sáng 11/6, một nhân viên phòng Công nghệ thông tin (CNTT) của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM (cư trú tại Thị Trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn) đến bệnh viện đi làm và khai báo y tế theo quy định. Do có triệu chứng sốt nhẹ, nhức mỏi, ho nên người này được phân luồng lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, kết quả dương tính với nCoV.

Ngày 12/6, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ 596 nhân viên và bệnh nhân nội trú. Tất cả 63 mẫu xét nghiệm của bệnh nhân nội trú có kết quả âm tính. Trong nhóm nhân viên, thêm 6 nhân viên còn lại của phòng CNTT và 15 nhân viên phòng Hành chính quản trị dương tính nCoV.

Trong 15 nhân viên trong phòng hành chính quản trị có 1 người là vợ của nhân viên CNTT được phát hiện nhiễm COVID-19 đầu tiên hôm 11/6. Ngoài ra, trong nhóm nhân viên CNTT có 1 người cư trú tại Block A1 chung cư Ehome 3 ở Bình Tân.

Chiều ngày 12/6, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tạm thời phong tỏa để truy vết dịch tễ, khử khuẩn toàn bộ bệnh viện.

Theo HCDC, khoảng 80 nhân viên y tế phụ trách điều trị các bệnh nhân COVID-19 không tiếp xúc với các nhân viên khoa phòng khác đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Khu vực có nhân viên bị lây nhiễm là khu vực hành chính. Do đó, đánh giá ban đầu có thể nguồn lây từ bên ngoài vào bệnh viện.

Cơ quan này nhận định nguồn lây nhiễm nhiều khả năng có mối liên quan đến các ca nhiễm ở chung cư Ehome, quận Bình Tân – nơi phát sinh chuỗi lây nhiễm với 8 người dương tính COVID-19 vừa được phát hiện và vẫn đang điều tra dịch tễ.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Ông Trump tiếp tục yêu cầu Trung Quốc bồi thường cho COVID, nói 10 nghìn tỷ đô không đủ