Ghi nhận số ca dương tính COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) cao tại nhiều ổ dịch cùng lúc, trong ngày 6/12, Hải Phòng gấp rút thành lập thêm 211 trạm để mỗi xã, phường một trạm y tế lưu động, đồng thời hỏa tốc ra quy định cách ly F1, F2 tại nhà.

cho sat hai phong
Vào trưa 6/12, chợ Sắt – khu chợ buôn bán nổi tiếng tại Hải Phòng bị phong tỏa sau khi ghi nhận 77 ca mắc COVID-19. Đến cuối ngày, tổng số ca nhiễm tăng lên 96 ca. (Ảnh: thanhphohaiphong.gov.vn)

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Phòng cho biết tính đến 18h ngày 6/12, Hải Phòng ghi nhận thêm 186 ca nhiễm COVID-19, con số lớn nhất từ trước tới nay TP này ghi nhận.

Trong số 186 ca mắc mới, có tới 96 ca liên quan tới ổ dịch tại Chợ Sắt (quận Hồng Bàng), 18 ca liên quan ổ dịch Siêu thị Go (Big C cũ, quận Hải An). Các trường hợp còn lại chủ yếu là F1 liên quan đến F0 trước đó.

Hiện Chợ Sắt bị phong tỏa, tạm dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới. Quận Hải An yêu cầu học sinh tiểu học tạm dừng đến trường từ ngày 7/12, chuyển sang học trực tuyến; học sinh bậc THCS và trường phổ thông Hermann Gmeiner cũng chuyển sang học trực tuyến từ ngày 8/12; riêng khối lớp 9 tiếp tục học trực tiếp. Các trung tâm Ngoại ngữ, Tin học, Kỹ năng sống… tạm dừng hoạt động từ ngày 7/12 đến khi có thông báo mới.

Với 15 trạm y tế lưu động đã hoạt động thí điểm tại quận Hồng Bàng và huyện Tiên Lãng, chiều 6/12, ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP yêu cầu các trạm này sẽ điều trị F0 tại nhà với sự hỗ trợ của Sở Y tế.

Ngoài ra, ông Tùng thông báo lập thêm 211 trạm y tế lưu động, để mỗi xã, phường, thị trấn/1 trạm y tế. Dự kiến chi phí đầu tư ban đầu là 50 triệu/trạm, tổng số kinh phí dự toán là 10 tỷ 550 triệu đồng. Số kinh phí trên dùng để trang bị xe máy, bình oxy, thiết bị khám chữa bệnh, vật tư y tế và các thiết bị khác do các quận, huyện chủ động mua sắm, yêu cầu hoàn thành trước ngày 10/12.

Nhân lực của các trạm y tế lưu động sẽ huy động từ nhân viên y tế đã nghỉ hưu, lực lượng y tế của các cơ sở y tế tư nhân. Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố và các Trường đại học được yêu cầu rà soát, thống kê lực lượng có thể huy động để tham gia trạm y tế lưu động.

Cũng trong ngày 6/12, UBND TP ra văn bản hỏa tốc quy định việc cách ly F1, F2 tại nhà. Trong đó, F1 sẽ cách ly tại nhà/nơi lưu trú (nếu đáp ứng các điều kiện được ban hành kèm theo Công văn số 5599/BYT-MT) 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định; lấy mẫu xét nghiệm vào ngày đầu và ngày kết thúc cách ly.

Nếu F1 có kết quả xét nghiệm Real time RT-PCR ít nhất 2 lần đều âm tính thì kết thúc cách ly, chuyển sang tự theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú trong 14 ngày tiếp theo, không tự ý ra khỏi nhà khi chưa thông báo với chính quyền địa phương, không tụ tập đông người, thực hiện 5K.

Các F2 phải cách ly tại nhà/nơi lưu trú trong khi chờ kết quả xét nghiệm của F1. Nếu kết quả xét nghiệm Real time RT-PCR lần 1 của F1 và của F2 (nếu có) đều âm tính, F2 được kết thúc cách ly tại nhà và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày.

Tính đến 18h ngày 6/12, tổng số ca mắc COVID-19 tại Hải Phòng là 1.401 ca. Trong đó, đợt dịch thứ 4 (tính từ ngày 27/4/2021) ghi nhận 1.395 ca (48 nhập cảnh).

194 ca hồi phục, xuất viện; 1.160 ca đang được điều trị; chưa có ca tử vong. 805 người đang cách ly tại các cơ sở tập trung; 641 người đang cách ly tại khách sạn; 31.420 người đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Hải Phòng đã đưa vào tiêm tổng cộng 2.746.706 mũi vắc-xin COVID-19 các loại trong cộng đồng, trong đó, 1.579.612 mũi 1 và 1.167.094 mũi 2.

Minh Anh – Nguyễn Sơn

Xem thêm: