Lý giải cho văn bản hỏa tốc quy định từ 0h ngày 5/6, tất cả người từ TP.HCM về/đến Đồng Nai phải cách ly y tế, tự trả phí, BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho hay số chuyên gia, lao động ở TP.HCM làm việc ở Đồng Nai là trên 10.000 người, chỉ cần một chuyên gia ở TP.HCM đến Đồng Nai chẳng may gây ra ổ dịch tại công ty thì sẽ kiểm soát không nổi…

ok 6182
Người dân và các phương tiện ùn ứ khi phải khai báo y tế tại chỗ ở chốt Phan Văn Trị (giáp quận Gò Vấp và quận Bình Thạnh, TP.HCM), trưa 3/6. (Ảnh: CTV/Trí thức VN)

Sáng 4/6, UBND tỉnh Đồng Nai ra văn bản hỏa tốc quy định từ 0h ngày 5/6, tất cả người từ TP.HCM về/đến Đồng Nai phải cách ly y tế tại nhà hoặc cơ sở lưu trú (người cách ly tự trả phí) thời gian 21 ngày, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 vào ngày thứ 7 và thứ 14 (người cách ly trả phí).

Giải pháp “giãn cách” giữa tỉnh Đồng Nai – TP.HCM được đưa ra và áp dụng đột ngột khiến hàng ngàn lao động bị ảnh hưởng, chưa kể việc vận tải hàng hóa giữa Đồng Nai – TP.HCM, trong đó có nguồn nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp tại TP.HCM.

Báo Thanh Niên dẫn thông tin từ Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) cho biết hiện có khoảng hơn 6.000 người lao động đang cư trú tại tỉnh Đồng Nai, hàng ngày vào làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trong TP.HCM như: Cát Lái, Linh Trung, Bình Chiểu, Lê Minh Xuân 3, Đông Nam. Ngoài ra, mỗi ngày rất nhiều hàng hóa xuất nhập qua cụm cảng Cái Mép – Thị Vải và hàng hóa vận chuyển qua lại giữa Đồng Nai – TP.HCM, trong đó có nguồn nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp tại TP.HCM. Trong ngày 4/6, HEPZA đã đề nghị UBND TP.HCM xem xét và có ý kiến với UBND tỉnh Đồng Nai để đưa ra biện pháp tháo gỡ những vấn đề trên.

Cùng ngày 4/6, BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai đưa ra lý giải đối với quyết định đột ngột và cứng rắn trên. Theo bác sĩ Vũ, mục đích của việc này là nhằm hạn chế mức thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh trong khu công nghiệp. Đặc thù của Đồng Nai là rất nhiều lao động, chuyên gia nước ngoài làm việc tại Đồng Nai nhưng sinh sống ở TP.HCM (ước tính trên 10.000 người), nên tỉnh này cần hạn chế tối thiểu rủi ro. Chỉ cần một chuyên gia ở TP.HCM đến Đồng Nai chẳng may gây ra ổ dịch tại công ty của họ thì sẽ kiểm soát không nổi…

Theo đó, ông Vũ cho rằng những người ở Đồng Nai nhưng đang làm việc tại TP.HCM thì nay “buộc phải lựa chọn”:

“Hoặc là thuê nhà ở lại TP.HCM để làm việc tại TP.HCM trong thời gian này, hoặc ở Đồng Nai và làm việc trực tuyến (tùy từng công việc cụ thể), không được đi – về giữa Đồng Nai và TP.HCM như trước kia nữa. Nếu từ ngày 5/6, người Đồng Nai lên TP.HCM làm việc, khi quay về Đồng Nai bắt buộc phải cách ly 21 ngày tại nhà/nơi lưu trú theo quy định của UBND tỉnh” – ông Vũ nói, theo Báo Đồng Nai.

Tương tự như người Đồng Nai làm việc ở TP.HCM, các công ty, doanh nghiệp buộc phải sắp xếp chỗ ở cho chuyên gia, người lao động hoặc là làm việc từ xa, không được đi qua lại giữa TP.HCM – Đồng Nai như trước kia.

Đối với việc vận tải hàng hóa từ TP.HCM về Đồng Nai, ông Vũ cho hay những tài xế chuyên chở hàng hóa thiết yếu từ TP.HCM về/đến Đồng Nai không phải cách ly 21 ngày, nhưng doanh nghiệp phải có phương án phòng ngừa dịch cho tài xế, còn phía tài xế phải khai báo y tế, thực hiện nghiêm 5K, không tiếp xúc với những người khác.

Những tài xế chạy xe Bắc – Nam cũng cần phải khai báo y tế, thực hiện nghiêm 5K và không được ghé địa điểm nào tại Đồng Nai, không tiếp xúc với người khác.

Vẫn theo báo Thanh Niên, ông Thái Bảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai  – người ký văn bản sẽ cách ly 21 ngày người về từ TP.HCM, cho biết số lượng chuyên gia, người lao động làm việc tại các Khu công nghiệp ở Đồng Nai nhưng cư trú ở TP.HCM rất nhiều. Nếu chẳng may những người này lây dịch từ TP.HCM vào các khu công nghiệp thì hậu quả là rất lớn nên tỉnh này phải phòng trước.

Phần đông độc giả tỏ ra bối rối về lịch trình đi lại, và phản ánh rằng quy định áp dụng quá đột ngột, chưa đầy đủ, trong khi chính quyền chưa tính tới chi phí phát sinh mà người lao động phải chịu.

Độc giả “Dân” trên Tuổi Trẻ cho hay: “Thực tình tôi cũng muốn phòng chống dịch. Nhưng phòng trọ ở đâu trong một buổi chiều mà tìm ra?… Tôi phải chạy đôn chạy đáo để tìm phòng. Chỗ nào cũng hết phòng. Giờ ở phòng hơn cả tồi tàn lại tốn thêm tiền nhà ở TP.HCM…” 

Độc giả “Thiên Phú” chỉ ra điều bất hợp lý khi lao động phổ thông sẽ không có cách để xoay sở: “Làm việc văn phòng thì làm online được còn lao động phổ thông thì phải làm sao? Thông báo trước vài ngày để còn tính việc mưu sinh gấp quá làm sao xoay trở được”.

Đồng quan điểm, độc giả “VM” cho rằng đây là “một quyết định đưa ra gấp rút và không tính đến những bất cập mà những người lao động đi làm hàng ngày giữa Đồng Nai – TP.HCM phải gánh. Thời buổi đã khó khăn, những người còn việc làm cũng đã phải cố gắng, giờ thì họ phải lựa chọn việc ở nhà và việc đi làm ở HCM à? Tỉnh có vẻ đưa ra quyết định với chủ trương ‘không quản lý được thì cấm’…”

Độc giả “Nhat So” viết: “Quyết định vội vàng không cho thời gian để cho người dân, doanh nghiệp chuẩn bị gì hết! Mỗi phường mỗi kiểu, quận này khác quận kia, mỗi tỉnh lại quy định riêng làm cho người dân muốn phối hợp cũng đuối luôn! Chống dịch cũng phải hợp tình hợp lý chứ. Hãy xây dựng các tiêu chuẩn và cấp độ dịch, cứ theo đó mà áp dụng các biện pháp đối ứng…”

Minh Sơn

Xem thêm:

5 tháng đầu năm 2021: Trung bình mỗi tháng, gần 12.000 doanh nghiệp phải đóng cửa