Hàng loạt bệnh viện lớn tại Việt Nam như Chợ Rẫy, Tim Hà Nội, Tim mạch Quốc gia… chỉ còn thuốc Protamin sulfat dùng trong một vài tuần, nhiều nhất là 1 tháng; Bệnh viện E hiện đã phải đi vay từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội. Giải đáp cho tình hình trên, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho rằng căn nguyên thiếu thuốc là do nhu cầu tăng cao hơn số thuốc dự trù của các bệnh viện, các bệnh viện không chủ động, kịp thời đặt hàng.

phau thuat tim 0
Một ca mổ lấy thai cho một phụ sản bị mắc bệnh tim bẩm sinh có biến chứng suy tim nặng do Bệnh viện Phụ sản Trung Ương phối hợp với Bệnh viện Tim Hà Nội, tháng 1/2021. (Ảnh minh họa: benhvientimhanoi.vn)

Trước thông tin phản ánh nhiều bệnh viện lớn đã “cạn”, thậm chí phải đi vay thuốc tiêm chứa hoạt chất Protamin sulfat cho ca mổ tim, Cục Quản lý Dược ngày 14/8 ra công văn giải thích tình hình trên, yêu cầu các đơn vị trước 20/8 phải báo cáo khả năng nhập khẩu loại thuốc này.

Cục Quản lý Dược cho hay Protamin sulfat nằm trong danh mục thuốc hiếm, thuốc thuộc nhóm chống đông và là “mặt hàng không thể thiếu” trong quy trình phẫu thuật tim – lồng ngực, nên được ưu tiên trong việc xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành. Tuy nhiên đến nay, chưa có cơ sở nào nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam cho thuốc chứa hoạt chất Protamin sulfat.

Thời gian gần đây, Cục Quản lý Dược đã cấp phép cho một số cơ sở để nhập khẩu thuốc tiêm chứa hoạt chất Protamin sulfat (chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành) để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám, chữa bệnh.

Theo thông tin từ các cơ sở nhập khẩu, mặc dù số lượng thuốc Protamin sulfat đã được cấp phép nhập khẩu theo đúng số lượng dự trù từ các bệnh viện có nhu cầu, tuy nhiên số lượng thuốc Protamin sulfat nhập khẩu vào Việt Nam sắp tới vẫn có thể thiếu do nhu cầu tăng hơn so với số lượng dự trù hiện tại.

Nguyên nhân chính do Protamin sulfat là thuốc chuyên khoa, chỉ sử dụng trong quy trình phẫu thuật tim – lồng ngực với nhu cầu không nhiều. Vì vậy, nhà sản xuất thường chỉ sản xuất sau khi có đơn đặt hàng từ các cơ sở khác. Trong khi đó, sau khi nhận được dự trù từ các đơn vị và được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu, các cơ sở nhập khẩu của Việt Nam mới đặt hàng với nhà cung cấp thuốc nước ngoài.

Do đó, trường hợp không chủ động, kịp thời đặt hàng từ các cơ sở khám chữa bệnh với các cơ sở nhập khẩu thuốc và từ cơ sở nhập khẩu thuốc với các nhà cung cấp thuốc nước ngoài thì có thể dẫn đến việc có khoảng thời gian thiếu thuốc tạm thời khi cơ sở nhập khẩu của ; đồng thời, nếu chờ để chờ sản xuất thêm thì cũng mất thời gian khá dài (khoảng vài tháng).

Do đó, tình trạng thiếu thuốc tạm thời có thể xảy ra khi các bệnh viện không chủ động, kịp thời đặt hàng với các cơ sở nhập khẩu thuốc và từ cơ sở nhập khẩu thuốc với các nhà cung cấp thuốc nước ngoài, để xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung do nhà cung cấp thuốc nước ngoài không đủ hàng dự trữ. Nếu chờ để sản xuất thêm thì cũng mất thời gian khá dài (khoảng vài tháng).

Theo Cục Quản lý Dược, Protamin sulfat là thuốc hiếm nguồn cung ứng và nhu cầu sử dụng thấp hơn so với các loại thuốc khác. Vì vậy nhiều năm gần đây, cục đều đề nghị các đơn vị chủ động liên hệ kịp thời với các đơn vị nhập khẩu thuốc Protamin sulfat để đặt hàng, mua sắm kịp thời, đồng thời chủ động dự trữ thuốc.

Trước nguy cơ thiếu hụt thuốc chứa hoạt chất Protamin sulfat, Cục Quản lý Dược đề nghị các đơn vị nhanh chóng lập hồ sơ, đơn hàng nhập khẩu thuốc Protamin sulfat theo đúng quy định để có thể sớm nhập khẩu về Việt Nam; báo cáo kế hoạch nhập khẩu Protamin sulfat trong thời gian tới (số lượng nhập, thời điểm dự kiến nhập); các nguy cơ và tình trạng thiếu hụt nguồn cung (nếu có) và đề xuất các giải pháp khắc phục về Cục trước ngày 20/8.

Khi bệnh nhân cầm cự, bệnh viện chạy vạy

Xác nhận trên Vnexpress ngày 12/8, bác sĩ Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết thuốc Protamin sulfat của bệnh viện chỉ còn khoảng một tuần nữa là dùng hết. Bệnh viện E (Hà Nội) đã hỏi mượn, Bệnh viện Tim Hà Nội dù đang “cầm cự” cũng vẫn hỗ trợ mấy chục lọ.

Bệnh viện này cho hay đã có kế hoạch mua sắm thuốc này nhưng đang không có nguồn cung. Theo bác sĩ Hiền, cả nước chỉ có 1-2 công ty trong nước nhập thuốc này nên các bệnh viện phụ thuộc, giờ “chỉ biết chờ đợi”.

Theo bác sĩ Hiền, bình thường một ca mổ sử dụng hết khoảng 3 ống thuốc Protamin sulfat, một tháng bệnh viện dùng khoảng 600-700 ống. Do thiếu thuốc, bệnh viện đang giảm số lượng các ca mổ, ưu tiên mổ cấp cứu vì không mổ thì bệnh nhân sẽ chết, còn những ca mổ phiên thì trì hoãn lại.

Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho hay bệnh viện còn khoảng 300 ống Protamin sulfat, trong khi nhu cầu sử dụng mỗi tháng khoảng 500 ống. Phương án là vừa chờ thủ tục phê duyệt (có thể mất khoảng hơn 2 tháng), vừa tính toán liên hệ các nơi để mượn thuốc.

Tương tự, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết bệnh viện còn đủ thuốc sử dụng trong khoảng một tháng, đang gấp rút mua sắm, hy vọng thuốc sẽ về cuối thàng này. Bệnh viện E hết thuốc hỏi vay, Bệnh viện Bạch Mai đã cho mượn để kịp thời mổ tim cho bệnh nhân nặng, có chỉ định phẫu thuật.

Hiện ngoài thuốc Protamin sulfat, khoảng 2 năm nay, nhiều bệnh viện sử dụng thuốc Prosuf có hoạt chất tương tự. Tuy nhiên, thuốc này không dùng được ở trẻ em. Với người lớn, một số trường hợp dùng thuốc Prosuf có thể dễ sốc phản vệ, tụt huyết áp, ngưng tim. Thuốc này hiện cũng hết hàng, không có nơi bán.

Theo cập nhật từ Tuổi Trẻ vào sáng 15/8, Bệnh viện Tim Hà Nội hiện đã giảm còn 5 ca mổ phiên và 3 ca cấp cứu/ngày, thay vì số lượng thông thường 10 ca mổ phiên và 2 ca cấp cứu/ngày như trước. Với lượng thuốc Protamin sulfat chỉ còn đủ sử dụng trong 1 tháng, nếu tình hình chưa được giải quyết trong 2 tuần tới, nguy cơ bệnh viện này phải tạm dừng mổ tim.

Bệnh viện E đã phải giảm công suất phẫu thuật trong 1 tháng rưỡi qua xuống còn 50% so với mức bình thường.

Trong khi đó, các  Bệnh viện Nhi đồng 1,  Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết hiện bệnh viện vẫn mổ tim cho bệnh nhi bình thường, chưa lâm vào tình trạng thuốc đông máu Protamin sulfat.

Nguyễn Quân