Loại dầu thải đổ vào đầu nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước sông Đà thực chất là loại dầu thải gì? tác hại ra sao với môi trường và sức khoẻ con người? trong nước chỉ có hàm lượng styrene vượt quá ngưỡng cho phép? mùi hôi/ khét trong nước là gì? chỉ trong thời gian ngắn đã báo nước đủ an toàn liệu có quá vội vã?… là những câu hỏi mà cơ quan chức năng PHẢI trả lời minh bạch cho người dân.

nước sạch có mùi lạ, dầu nhớt thải, nước sạch sông Đà
Công ty sông Đà thuê người dân vớt dầu thải với giá 500.000 đồng/ngày công. (Hình ảnh từ clip/dẫn qua vnexpress.net)

Theo biên bản làm việc của Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an), tháng 9/2019, Lý Đình Vũ (SN 1982, ngụ thôn Đa Tiện, xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đề xuất với Nguyễn Thị Huyền Trang (con gái Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà – CTH Phú Thọ) về việc xử lý, tái chế dầu thải đang lưu giữ tại đây. Bà Trang đã đồng ý đề xuất của Vũ và thỏa thuận trả Vũ 1.000 đồng/lít để thu gom, vận chuyển, xử lý dầu thải.

Sáng ngày 7/10, Vũ đi cùng Nguyễn Chương Đại (SN 1994, trú xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (SN 1986, trú tại xã Chi Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) đến Công ty Gốm sứ Thanh Hà để lấy dầu thải, và được ông Trần Thành Trung (SN 1975, phụ trách kho vật tư công ty và là người được bà Trang ủy quyền) hỗ trợ hút dầu thải với trọng lượng khoảng 8.830kg (khoảng 10m3). 

Làm việc với cảnh sát, phía công ty thừa nhận việc quản lý và chuyển giao chất thải nguy hại như trên là sai quy định; công ty đã không ký hợp đồng, không thẩm định tư cách pháp nhân và chức năng của đơn vị tiếp nhận dầu thải trước khi chuyển giao.

Theo thông tin từ báo Lao động, ông Nguyễn Đức Truyền – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà – CTH Phú Thọ nhiều lần khẳng định các chất thải nguy hại từ công ty sẽ được Công ty Môi trường xanh Minh Phúc (Hải Dương) vận chuyển và xử lý. Theo ông Truyền, dầu ở đây là loại dầu thải từ máy ép, một năm công ty sẽ có khoảng 400 lít dầu thải máy ép bị thải ra như vậy.

Tuy nhiên, đại diện Công ty Môi trường xanh Minh Phúc cho biết đơn vị này đã hết hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại với Công ty Gốm sứ Thanh Hà – CTH từ tháng 12/2017.

Như vậy, việc Công ty Gốm sứ Thanh Hà – CTH xử lý chất thải như thế nào từ đầu năm 2018 đến nay, khối lượng thực thải ra hàng năm là bao nhiêu vẫn là câu hỏi cần được làm rõ (trước đó lượng dầu thải đổ ra khu vực suối Trâm khoảng 10m3, tương ứng khối lượng dầu mà Công ty Gốm sứ Thanh Hà – CTH thải ra trong 25 năm nếu tính theo con số được ông Truyền cung cấp).

Đồng thời, trên thực tế chất thải đó là gì, nguy hại ra sao cũng cần được kiểm nghiệm rõ ràng, chính xác.

Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà
Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà. (Ảnh qua nguoiduatin.vn)

Liên quan đến Công ty Gốm sứ Thanh Hà, hồi tháng 5/2019, Báo Pháp luật Việt Nam đã có bài phản ánh về việc người dân cung cấp các chứng cứ là hình ảnh quay chụp thể hiện: Nước thải đen đặc xả trực tiếp ra môi trường được Công ty Gốm sứ Thanh Hà để lắng đọng sau đó xử lý bằng cách lấy đất lấp đi; các cột khói đen đặc quánh, có mùi khét lẹt, bốc mù mịt cả một vùng khiến người dân tưởng hỏa hoạn. Tuy nhiên, phía Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà và chính quyền địa phương khẳng định những nội dung người dân tố là sai sự thật cũng như khẳng định Công ty hoạt động đúng pháp luật.

Trên trang web của Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, bài viết ngày 2/1/2016 với tựa đề “Công nghệ nhiệt phân cao su phế thải thành dầu công nghiệp làm chất đốt cho lò gạch ceramic tại Công ty CP CTH Phú Thọ” cho biết: 

“Nhằm tìm kiếm nguồn nhiên liệu có nhiệt trị cao, giá rẻ thay thế than cục đang trở nên đắt đỏ ở nước ta đồng thời góp phần xử lý cao su, nhựa phế thải Cty CTH Phú Thọ đã đầu tư 02 lò nhiệt phân cao su, nhựa phế thải thành dầu công nghiệp làm chất đốt cho lò gạch ceramic.

Công nghệ và ứng dụng: Nhiệt phân (Pyrolysis) là quá trình phân hủy nhiệt hóa vật liệu hữu cơ ở nhiệt độ cao mà không có sự tham gia của ôxy.”

Công nghệ nhiệt phân cao su phế thải thành dầu công nghiệp làm chất đốt cho lò gạch ceramic tại Công ty CP CTH Phú Thọ
(Ảnh chụp màn hình trang web của Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam)

Cũng theo thông tin từ Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, “chỉ sau khoảng 6 tháng Công ty đã hoàn vốn đầu tư, đồng thời với việc sử dụng dầu nhiệt phân thay thế than khí hóa cho phép công ty giảm hẳn chi phí sản xuất cho 1m2 gạch ceramic, không bị phụ thuộc vào giá than tăng. Hiện nay Công ty tiếp tục hoàn chỉnh xưởng nhiệt phân và hoàn thiện quy trình đốt dầu nhiệt phân cho 02 dây chuyền gạch ceramic của Công ty.”

Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại, công ty này cho biết đã dừng công nghệ đốt lốp cao su nói trên từ năm 2016 và hiện chỉ đốt, sử dụng nguyên liệu là dầu diesel, theo Kênh 14.

Như vậy, việc Công ty CP CTH còn sử dụng công nghệ nhiệt phân hay không cũng cần được làm rõ. Theo thông tin từ Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, năm 2016 công ty vẫn tiếp tục hoàn chỉnh xưởng nhiệt phân và quy trình đốt dầu nhiệt phân, nhưng cũng năm 2016 công ty lại dừng sử dụng công nghệ trên trong khi chi phí đầu tư không thể nhỏ (?)

Nếu công nghệ trên vẫn được tiếp tục dùng cho đến hiện nay, thì chất phế thải của Công ty CP CTH không chỉ đơn thuần là dầu thông thường mà là dầu phế thải của quá trình nhiệt phân lốp xe cao su, nhựa phế thải thành dầu làm chất đốt trong lò gạch ceramic.

Nếu vậy, đây là thông tin đáng lo ngại bởi vì chất phế thải này rất độc. PV báo Lao động cho biết trước đây người dân trong vùng đã dùng chất này để làm thuốc diệt chuột.

Theo nghiên cứu của 5 nhà khoa học Nga đăng trên tạp chí Resources ngày 18/6/2019 có tiêu đề “Những chất độc hại có thể phát thải trong quá trình đốt lốp xe cũ”, trong quá trình nhiệt phân lốp cao su cũ, các hợp chất nitơ và lưu huỳnh có độc tính cao được hình thành, như axit hydrocyanic, cyanogen, methyl mercaptan và ethyl mercaptan.

  • Axit hydrocyanic, còn được gọi là Hydrogen cyanide (hydro xyanua, HCN), là một loại axit rất độc, hàm lượng được phép ở trong không khí là dưới 3 x 10⁻⁴ mg/l. Ngoài các đường hô hấp và tiêu hóa, nó có thể đi vào cơ thể người ta bằng cách thấm qua da. Khi bị nhiễm độc nhẹ, người cảm thấy nhức đầu, nôn mửa, tim đập mạnh. Khi bị nhiễm độc nặng, người mất cảm giác, bị ngạt thở, có thể đi đến ngừng hô hấp và chết vì tim ngừng đập. Ở thể khan nó là chất lỏng linh động, không màu, có mùi khó chịu, vị rất đắng, rất dễ tan trong nước, rượu và dễ hóa rắn, dễ bay hơi (theo Wikpedia).
  • Cyanogen (hay xyanogen, CN2) là một khí độc không màu với mùi hăng. Giống như thuộc tính của các xyanua, nó rất độc vì nó dễ dàng bị khử thành các xyanua ức chế hoạt động của hemoglobin (một loại protein) trong việc hấp thụ ôxy trong máu. Khí Cyanogen là một chất gây kích ứng cho mắt và hệ hô hấp. Hít phải có thể dẫn đến đau đầu, chóng mặt, mạch nhanh, buồn nôn, nôn, mất ý thức, co giật và tử vong, tùy thuộc vào phơi nhiễm. Liều gây tử vong thông qua đường hô hấp thường dao động từ 100 đến 150 miligam. Hít phải 900 ppm trong khoảng thời gian 10 phút được coi là gây chết người (theo Wikipedia).
  • Methyl mercaptan (CH3SH) là khí được chứa đựng ở dạng lỏng, có mùi đặc biệt giống như mùi tỏi, nặng hơn không khí thường. Chất này được dùng trong công nghiệp sản xuất nhựa và sản xuất các hoá chất bảo vệ thực vật. Độc tính của methyl mercaptan là kích ứng với da, niêm mạc (mắt, mũi,…), gây nôn, buồn nôn, đau đầu, tím, rối loạn ý thức (bất tỉnh), mạch nhanh; nồng độ cao có thể ức chế thần kinh trung ương, hôn mê, co giật, liệt cơ tiến triển, tổn thương gan, phù phổi và chết. Việc ngộ độc methyl mercaptan thường xảy ra trong hoạt động công nghiệp, vận chuyển và bảo quản hoá chất không an toàn, khi các vật dụng chứa đựng bị rò rỉ hoặc vỡ (theo Wikipedia).
  • Ethyl mercaptan (còn gọi là Ethanethiol, C2H2SH) là một chất lỏng trong suốt có mùi rất mạnh và đặc trưng gần giống tỏi tây, hành tây, sầu riêng; và nó cũng là một chất độc.

>> Đầu độc bằng thực phẩm, bằng ô nhiễm – Chúng ta đang hại nhau vì điều gì?

Các hợp chất có độc tính cao này sẽ đi vào nhiên liệu lỏng (còn gọi là dầu nhiệt phân – paralysis oil) thu được trong quá trình nhiệt phân. Khi đốt dầu nhiệt phân, nồng độ những hợp chất này giảm nhưng vẫn tồn tại. Dầu nhiệt phân này khác hẳn với các loại dầu khí khác, nó không bay hơi, ăn mòn, rất bền hoá học, không ổn định nhiệt và có xu hướng polyme hoá (nhựa hoá, vón cục) khi tiếp xúc với không khí (theo Wikipedia).

Dầu nhiệt phân được xếp vào loại nguy hiểm cho sức khoẻ với những cảnh báo có thể gây tử vong, ung thư, khiếm khuyết di truyền, tổn thương (mắt/máu), dị ứng da tuỳ vào liều lượng, thời gian tiếp xúc hay sử dụng.

Trở lại với vụ đổ dầu thải ở Nhà máy nước sông Đà, theo ghi nhận bởi người dân xã Phú Minh “dù đã vài ngày (5 ngày) nhưng nước vẫn bốc mùi khét, không hiểu đây là loại dầu thải gì.” Tất cả đều có chung cảm nhận đây là một loại “dầu lạ, đặc quánh, làm găng tay bở nát, quần áo dính vào không thể giặt sạch, mùi rất khó chịu và rất khó tẩy rửa mùi”. 

Đặc biệt, sau khi những người dân được thuê để vớt dầu trở về nhà, rất nhiều người xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, dị ứng, ốm, mệt, cúm.

Hiện tại, ngày 22/10, khoảng 2 tuần sau sự cố, UBND TP Hà Nội đã công bố nguồn nước sạch cung cấp bởi Nhà máy sông Đà đã an toàn cho ăn, uống, nhưng chỉ tiêu chất lượng chủ yếu tập trung vào việc hàm lượng styrene đã đạt chuẩn Bộ Y tế. Tuy nhiên, người dân cần biết các chỉ số khác trong nước như nồng độ kim loại nặng, vi sinh vật, các hóa chất độc hại khác.

Đã có nhiều nghi vấn về “mùi lạ” của nước máy sông Đà không phải là mùi styrene vì styrene có mùi ngọt và rất dễ bay hơi, khó có thể sau rất nhiều ngày mà người dân Hà Nội vẫn ngửi thấy mùi “hóa chất nồng nặc, khét lẹt” rõ ràng như vậy. Hơn nữa, có nơi nước chuyển hẳn sang màu thẫm, mà kết quả xét nghiệm lại chỉ có 1 chất vượt chuẩn là styrene thì liệu đã đầy đủ thông tin? 

Theo các chuyên gia, để xử lý nước nhiễm dầu là việc rất tốn kém, và phải mất nhiều năm. Nếu lượng dầu đã ngấm xuống đất, các chất này sẽ tích tụ trong đất và có thể ảnh hưởng đến nước ngầm. Nhưng chỉ trong 2 tuần cơ quan chức năng đã báo cáo nước đủ an toàn liệu có quá vội vã?

Để bảo đảm sức khoẻ cho người dân, các cơ quan chức năng cần xác định rõ loại dầu thải mà Công ty CP CTH đã thải ra, đồng thời kiểm nghiệm kỹ càng hơn về các hợp chất, thành phần, đánh giá lại mức độ nghiêm trọng để có phương án xử lý phù hợp.

Lê Xuân

Xem thêm: