Trong một tuần qua, từ ngày 15/11-21/11, TP Cần Thơ liên tục ghi nhận số ca mắc COVID-19 trên 500 trường hợp/ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên 4.671 ca. Trước nguy cơ quá tải tại các cơ sở điều trị, UBND TP Cần Thơ trưng dụng lại các bệnh viện dã chiến để tiếp nhận F0 chuyển nặng, cho tập huấn điều trị bằng thuốc Molnupiravir cho F0 tại nhà.

tiem vac xin dot 2 binh thuy
Một điểm tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tại Trung tâm Y tế quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), ngày 27/4/2021. (Ảnh: cdccantho.vn)

Trong cuộc họp ngày 19/11 với đại diện Chính phủ, giới chức TP Cần Thơ cho biết từ ngày 5-18/11, TP Cần Thơ ghi nhận có 6.027 ca mắc COVID-19 (F0), liên tục ghi nhận ổ dịch mới tại một số hẻm, khu vực đông dân cư, công ty…, báo Chính phủ dẫn tin.

Tiếp đến ngày 21/11, TTXVN cho biết Sở Y tế TP báo cáo trong 6 ngày liên tiếp gần đây (từ ngày 16-21/11), TP này liên tục ghi nhận số ca mắc trên 500 trường hợp/ngày.

Cập nhật theo các báo cáo nhanh trên Cổng thông tin Sở Y tế TP, số ca mắc mới tập trung phần lớn trong các trường hợp cách ly tại nhà và trong cộng đồng (trong khu phong tỏa và qua xét nghiệm sàng lọc tại cơ sở y tế  và cộng đồng).

Cụ thể, ngày 19/11, trong 939 ca mắc mới có 429 ca phát hiện trong thời gian cách ly tại nhà, 266 ca trong khu vực phong tỏa; ngày 20/11, trong 508 ca nhiễm mới có 162 ca phát hiện trong thời gian cách ly tại nhà, 180 ca qua xét nghiệm sàng lọc tại cơ sở y tế; ngày 21/11, trong 897 ca mắc mới có 537 ca phát hiện trong thời gian cách ly tại nhà, 158 trong khu vực phong tỏa; ngày 22/11, trong 989 ca mắc mới có 433 ca phát hiện trong thời gian cách ly tại nhà, 338 ca qua xét nghiệm sàng lọc tại cơ sở y tế; 115 ca qua xét nghiệm sàng lọc tại cơ sở y tế.

Theo Sở Y tế TP Cần Thơ, số ca mắc COVID-19 liên tục tăng khiến cho việc điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở điều trị đã quá tải. Đến nay, số bệnh nhân điều trị tại cơ sở y tế là 3.174 trường hợp, trong khi đó khả năng điều trị tối đa tại các cơ sở y tế (cả 3 tầng) là 3.100 giường.

Trong ngày 19/11, UBND TP Cần Thơ đã ban hành 2 kế hoạch về quản lý, cách ly, điều trị F0 tại nhà và cách ly y tế F1 tại nhà. Tuy nhiên, theo các báo cáo cập nhật của Sở Y tế TP, vào ngày 19/11, số  người đang cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà tại TP Cần Thơ đã là 13.714 người. Sau ngày 19/11 với công bố chính thức về quản lý, điều trị F0, F1 tại nhà của UBND TP, các báo cáo của Sở mới nêu cụ thể số F0, F1 trong nhóm người đang cách ly tại nhà.

Như tại báo cáo ngày 20/11, Sở Y tế cho biết trong 14.253 người đang cách ly tại nhà có 2.830 F0 (chiếm 19,8%) và 3.790 F1 (chiếm 26,5%). Số người cách ly tại nhà tới ngày 22/11 tăng lên 15.683 người, trong đó có 4.040 F0 (chiếm 25,7%); 5.689 F1 (chiếm 36,2%).

Ngày 21/11, Sở Y tế TP phối hợp Đại học Y dược TP.HCM triển khai tập huấn chương trình thí điểm sử dụng thuốc Molnupiravir điều trị bệnh nhân COVID-19 có kiểm soát cho trung tâm y tế quận-huyện, trạm y tế xã-phường-thị trấn, trạm y tế lưu động và các bệnh viện có sử dụng thuốc Molnupiravir điều trị bệnh nhân COVID-19.

Ngoài ra, UBND TP Cần Thơ công bố đã ra quyết định thành lập 50 đội y tế lưu động, đưa vào hoạt động từ ngày 20/11 để theo dõi, chăm sóc F1, F0 cách ly tại nhà, phát hiện các trường hợp F0 có dấu hiệu diễn biến nặng để kịp thời phân loại, báo thông tin đến Trạm Y tế và các cơ sở thu dung, điều trị để chuyển tuyến.

Mỗi đội có 4 thành viên, gồm 1 đội trưởng và 3 thành viên, là sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ; 10 bác sĩ của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ sẽ hỗ trợ hoạt động của các đội. UBND TP đã đề nghị Trường Đại học Y Dược Cần Thơ hỗ trợ 200 nhân sự sinh viên Y Dược và 10 bác sĩ tham gia mô hình này.

Đáng lưu ý, vào ngày 18/11, BS.CK2 Phạm Phú Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cho biết trước dấu hiệu quá tải của các bệnh viện dã chiến, Sở Y tế TP Cần Thơ xin mở thêm một bệnh viện dã chiến và đang chờ phê duyệt, theo báo Thanh Niên ngày 18/11 đưa tin.

Tuy nhiên, tới ngày 21/11, ông Giang cho hay TP trưng dụng lại bệnh viện dã chiến, kết hợp các cơ sở y tế hiện có để tiếp nhận, điều trị F0 có bệnh nền, triệu chứng, quyết định không mở thêm bệnh viện dã chiến do hiện tốc độ mở rộng bệnh viện dã chiến không kịp so với tốc độ F0 gia tăng, “và cũng không cần thiết”, theo Vnexpress ngày 21/11.

Cũng bản tin này dẫn lời ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng nguyên nhân số ca nhiễm tăng cao thời gian qua là do tại trung tâm miền Tây, lưu lượng người ra vào thành phố làm ăn, buôn bán mỗi ngày rất đông sau nới lỏng giãn cách. Do đó, dịch bệnh có điều kiện thuận lợi để lây lan, phát tán.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp sản xuất không còn thực hiện phương án “3 tại chỗ”, người lao động đi làm về nhà tiếp xúc nhiều người trong cộng đồng, khu dân cư nên nguy cơ nhiễm bệnh cao. Đồng thời, một bộ phận người dân có tâm lý lơ là, chủ quan sau khi nới lỏng giãn cách.

Cập nhật đến ngày 22/11, Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết tổng cộng 1.677.579 liều vắc-xin COVID-19 đã được đưa vào tiêm (chiếm 84,3% tổng số liều đã nhận), trong đó đã tiêm 922.930 mũi 1, 754.649 mũi 2.

74% dân số trong TP đã tiêm vắc-xin, trong đó, 60,5% người đã tiêm đủ 2 mũi. Trong nhóm đã tiêm đủ 2 mũi này, có 79,6% người từ 18 tuổi trở lên, 61,7% người từ 50 tuổi trở lên và 62,7% người từ 65 tuổi trở lên.

Từ ngày 22/11, TP Cần Thơ bắt đầu tiêm vắc-xin COVID-19 đối với trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Theo kế hoạch của UBND TP, tổng số trẻ từ 12-17 tuổi tại TP này là 112.746 trẻ; trong đợt đầu tiên sẽ tiêm trước cho lứa tuổi 16-17 tuổi (36.888 trẻ); đợt tiếp theo sẽ tiêm cho lứa tuổi từ 12-15 tuổi (75.858 trẻ).

Minh Anh – Nguyễn Sơn

Xem thêm: