Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia vừa ra cảnh báo về hoạt động lôi kéo, lừa đưa người Việt sang Campuchia để cưỡng bức lao động do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu, có sự tham gia của cả người Việt Nam và Campuchia.

xam hai tinh duc
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cho hay thủ đoạn của nhóm tội phạm là đưa thông tin quảng cáo về công việc nhẹ nhàng, lương cao ở Campuchia (800-1.000 USD/tháng). Sau khi nạn nhân đồng ý muốn làm việc, các nhóm tội phạm sẽ liên hệ và tổ chức cho họ nhập cảnh Campuchia.

Khi sang đến Campuchia, những người này được đưa đến các khách sạn hoặc cơ sở sòng bài (tập trung nhiều ở tỉnh Preah Sihanouk). Tại đây, họ sẽ được huấn luyện cách thức để tìm kiếm, mời chào, lôi kéo các khách hàng tham gia đánh bạc trên mạng.

Họ bị giám sát chặt chẽ, bị bóc lột sức lao động, bị cưỡng bức làm việc (từ 15-16 giờ/ngày) nếu không sẽ bị đối xử tàn tệ. Nhiều người khi tìm cách bỏ trốn bị tra tấn, đánh đập rất tàn bạo.

Những người từ chối làm việc và muốn quay trở về Việt Nam có thể bị đánh đập, bắt ký khống giấy nợ và yêu cầu bồi thường hàng nghìn USD mới được thả, hoặc bị bán cho công ty khác.

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, khi nhận được tin báo của các nạn nhân, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã nhanh chóng liên hệ, đề nghị cơ quan chức năng của Campuchia giải cứu và hỗ trợ được một số nạn nhân về nước. Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn diễn biến phức tạp và chưa thực sự được giải quyết.

Theo đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia khuyến nghị mọi công dân cảnh giác với các mối quan hệ qua mạng xã hội hứa hẹn công việc có thu nhập cao; cá nhân hoạt động tuyển dụng lao động trên mạng xã hội không có địa chỉ hoặc tư cách pháp nhân ở Việt Nam; tổ chức nhập cảnh Campuchia bất hợp pháp; từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là những người lạ, người không thân quen; tuyên truyền, cảnh báo cho những người xung quanh về thủ đoạn của tội phạm buôn bán người.

Trường hợp cần hỗ trợ hoặc cung cấp thông tin liên quan đến tội phạm buôn bán người tại Campuchia, đề nghị liên hệ với SĐT: + 855-974056789, +855-977435678; hoặc Tổng đài bảo hộ công dân +84 981848484.

Nạn lừa gạt, buôn người Việt Nam sang Campuchia từng được đề cập trong “Báo cáo tình hình buôn người năm 2020” tại Việt Nam, do Đại sứ quán và Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đăng tải trên website hồi tháng 6/2020.

“Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn của Việt Nam và Trung Quốc ở các nước láng giềng như Lào có thể bóc lột người lao động Việt Nam và nước ngoài. Bọn buôn người bóc lột phụ nữ và trẻ em Việt Nam là nạn nhân của tình trạng buôn bán nô lệ tình dục ra nước ngoài; nhiều người bị lừa gạt về các cơ hội lao động và sau đó bị bán cho các nhà thổ ở vùng biên giới Trung Quốc, Campuchia, Lào và các nước châu Á khác.” – báo cáo nêu.

Theo đánh giá chung, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định việc xóa bỏ nạn buôn bán người tại Việt Nam vẫn chưa có tiến triển dù có nỗ lực, mà trong các nguyên nhân có sự chậm trễ về hành chính. “Các thủ tục xác định nạn nhân và hỗ trợ nạn nhân vẫn còn phiền hà, chậm trễ và không hiệu quả. Việc thiếu cơ chế phối hợp liên ngành và các cán bộ cấp tỉnh thiếu hiểu biết về pháp luật chống buôn người và về vai trò, trách nhiệm bảo vệ nạn nhân tiếp tục cản trở các nỗ lực chống buôn người…” – báo cáo cho hay.

Ngoài loại hình lừa người sang cưỡng bức lao động do Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cảnh báo, nạn buôn người Việt sang Campuchia còn chủ yếu khai thác phụ nữ Việt Nam để đi lao động, đẻ thuê và mua bán bào thai (đưa sang Campuchia cấy phôi thai rồi đưa về Việt Nam chăm sóc và tiếp tục đưa sang Trung Quốc sinh con), làm gái mại dâm.

Theo số liệu công bố tại Hội nghị đánh giá kết quả phối hợp thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia về hợp tác song phương trong phòng, chống mua bán người và bảo vệ các nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2017 – 2019 do Bộ Công an Việt Nam và Bộ Các vấn đề phụ nữ Campuchia tổ chức chiều 17/12/2019 tại Hà Nội, trong 2 năm, hơn 1.600 nạn nhân Việt Nam đã bị lừa bán.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Nạn buôn người ở Sapa, hãy giúp các cô gái vùng cao lên tiếng