Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thừa nhận những khiếm khuyết của dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có trách nhiệm của cơ quan chủ quản (Bộ GTVT) và chủ đầu tư (VEC), tuy nhiên phủ định nghi vấn “bán thầu”.

cao toc da nang quang ngai
“Vá” lại phần hư hỏng trên tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Khoảng 70 m2 mặt đường bị bong tróc chỉ sau 14 tháng vận hành. (Ảnh: mt.gov.vn)

Chiều 3/11, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, vấn đề đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi trị giá 34.000 tỷ đồng vừa thông xe đã hư hỏng nhận nhiều câu hỏi chất vấn.

Báo chí nêu vấn đề: ông Lê Tiến Thành, Giám đốc BQL dự án Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi thừa nhận dự án này chỉ đạt 6/10 về chất lượng, Bộ GTVT bình luận gì về điều này?

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng đánh giá định tính trên không có cơ sở. “Liên quan đến việc một cán bộ của Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đánh giá tỷ lệ chất lượng dự án Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi chỉ đạt 6/10, tôi khẳng định rằng, việc xác định chất lượng công trình có bộ tiêu chuẩn riêng để xác định. Còn những đánh giá định tính thì không có cơ sở“, ông Đông nói.

Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định trong quá trình thi công đều tuân theo tiêu chuẩn kỹ thuật, từ nguyên liệu đầu vào, rồi xác suất, sau đó so sánh với yêu cầu thiết kế. “Đây là kết quả trong quá trình giám sát thi công, không do cá nhân nào phát biểu“, theo ông Đông.

Đối với câu hỏi về việc trong gói thầu A5 của dự án, Thanh tra phát hiện POSCO đã chuyển cho 18 nhà thầu khác, việc này có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng công trình, ông Đông phủ định nghi vấn “bán thầu”, khẳng định đây là việc giao thầu phụ, trách nhiệm thi công, bảo hành công trình vẫn thuộc về nhà thầu chính.

Với gói thầu A5 của POSCO (Hàn Quốc) có 18 nhà thầu phụ, nhà báo cho rằng có việc “bán thầu”. Tôi xin trả lời rằng, trong các quy định của hợp đồng vay vốn, theo quy định của Hiệp hội Kỹ sư Quốc tế đều có việc nhà thầu chính có thể có các nhà thầu phụ, nhà thầu phụ được xác định ngay từ trong quá trình bỏ thầu của nhà thầu chính và trong quá trình thi công các hạng mục. Công việc giao cho nhà thầu phụ nhưng trách nhiệm vẫn thuộc về nhà thầu chính. Có bao nhiêu nhà thầu tuỳ vào các hạng mục công trình“, ông Đông cho hay.

Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định “việc “bán thầu” là không có cơ sở vì các nhà thầu phụ này đều có hợp đồng thầu phụ và được chấp thuận bởi chủ đầu tư trên cơ sở có cả sự xem xét của Tư vấn giám sát“.

Trước chất vấn về trách nhiệm quản lý nhà nước với dự án này, cụ thể là trách nhiệm của Cục Quản lý công trình xây dựng thuộc Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT thừa nhận những khiếm khuyết của Dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi có trách nhiệm của cơ quan chủ quản (Bộ GTVT – PV) và chủ đầu tư dự án (VEC – PV). Ông Đông cho hay Bộ GTVT đã chỉ đạo chủ đầu tư khắc phục những chỗ hư hỏng và kiểm điểm trách nhiệm cá nhân của VEC và cả các cơ quan bên dưới (tư vấn giám sát, nhà thầu thực hiện…)

Tuy nhiên, ông Đông cho hay ngày 29/9/2018 có Nghị định 131 về việc chuyển VEC về Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước. Do đó, theo ý ông Đông, việc xử lý thuộc quyền hạn của Uỷ ban Quản lý vốn NN, Bộ GTVT chỉ phối hợp.

Đối với trách nhiệm của Cục Quản lý xây dựng, ông Đông cho hay Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Quản lý xây dựng kiểm điểm trách nhiệm và sẽ công bố sau.

Liên quan tới trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ có vào cuộc dự án Cao tốc Quảng Ngãi-Đà Nẵng không, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết hiện mới chỉ Thanh tra Bộ GTVT sẽ thanh tra dự án, chưa có chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra.

Ngày 18/10, Bộ GTVT đã có quyết định thanh tra đột xuất dự án này. Để có chỉ đạo tiếp thì hiện nay Bộ GTVT chưa có báo cáo tiếp lên Chính phủ“, ông Dũng cho hay.

Dự án Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi được khởi công xây dựng vào ngày 19/5/2013, dài hơn 139 km, đi qua TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 34.500 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng trong nước.

Ngày 2/8/2017, đoạn tuyến 65 km từ Đà Nẵng đi Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) được đưa vào khai thác.

Ngày 2/9/2018, thông xe, khai thác toàn tuyến, bắt đầu thu phí hoàn vốn đầu tư.

Ngày 8/10, người dân và lái xe phát hiện nhiều điểm xuống cấp, hư hỏng, mặt đường bong tróc tạo “ổ trâu, ổ gà”, đoạn từ Km 0+00 đến Km 65+00.

Ngày 9/10, Giám đốc Ban QLDA cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (VEC) Nguyễn Tiến Thành cho biết cao tốc bị hỏng là do mưa lớn và xe quá tải chạy nhiều. Ý kiến này bị nhiều chuyên gia, kỹ sư cầu đường bác bỏ.

Ngày 10/10, Tổng cục Đường bộ kiểm tra “ổ gà” trên cao tốc.

Ngày 11/10, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ GTVT làm rõ nguyên nhân hỏng mặt đường và trách nhiệm của đơn vị thi công. Chiều 11/10, Bộ GTVT yêu cầu VEC tạm dừng thu phí trên toàn tuyến từ 0 giờ ngày 12/10, sửa chữa các điểm hư hỏng.

Ngày 12/10, dự án dừng thu phí. Hội đồng thành viên VEC yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của Tổng giám đốc VEC và Ban Quản lý dự án.

Ngày 13/10, Thứ trưởng Lê Đình Thọ thị sát, cho biết sau 14 tháng vận hành, tại đoạn cao tốc Đà Nẵng – Tam Kỳ (dài 65 km), các vết bong tróc ở bề mặt tạo nhám, với diện tích 70 m2 trên tổng số 3,1 triệu m2 toàn tuyến.

Ngày 14/10, các điểm hư hỏng vừa được vá tiếp tục bong tróc, sụt lún, bán kính hơn 20 cm.

Ngày 15/10, Bộ GTVT phê bình VEC, nhà thầu, tư vấn giám sát, yêu cầu thay thế nhà thầu sửa chữa. Chiều cùng ngày, VEC gặp gỡ báo chí đính chính  về phát ngôn “đường hỏng do mưa”.

Ngày 18/10, Thanh tra Bộ GTVT công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc thanh tra đột xuất dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Thời gian thanh tra không quá 45 ngày, kéo dài tối đa 70 ngày.

Cùng ngày, VEC gửi báo cáo Bộ GTVT về việc hoàn thành sửa chữa, đồng thời kiến nghị cho thu phí trở lại. Bộ GTVT đồng ý cho thu phí trở lại, thời điểm do Hội đồng thành viên VEC quyết định.

Từ 0 giờ ngày 27/10, dự án bắt đầu thu phí trở lại. Mức phí toàn tuyến cao nhất là 780.000 đồng, thấp nhất là 200.000 đồng.

Nguyễn Quân

Xem thêm: