Bộ GTVT vừa thông báo chấm dứt hợp đồng dự án nâng cấp QL 30 đoạn Km 1+200 – Km 34+230 với nhà đầu tư; đồng thời, nghiên cứu đầu tư tuyến đường mới An Hữu – Cao Lãnh song song với QL 30 hiện hữu theo hình thức BOT.

quốc lộ 30, Tiền Giang, Đồng Tháp
Quốc lộ 30 đang xuống cấp trầm trọng, có nhiều ổ gà lấn tới nửa đường lưu thông. (Ảnh cắt từ clip)

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết Bộ vừa gửi văn bản số 14603 tới liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Phương Nam, Công ty TNHH Xây dựng hạ tầng Phú Mỹ và Công ty TNHH BOT Quốc lộ 30 Tiền Giang – Đồng Tháp về việc chấm dứt hợp đồng dự án BOT nâng cấp quốc lộ 30 đoạn Km 1+200 – Km 34+230.

Lý do chấm dứt hợp đồng xuất phát từ Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo yêu cầu chung của Quốc hội, Chính phủ và trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Đồng Tháp.

Theo đó, Thứ trưởng yêu cầu Vụ Đối tác công – tư chủ trì thực hiện giải tỏa thư bảo lãnh tại hợp đồng số MD1726289240 ngày 19/9/2017 do Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam – chi nhánh Gia Định phát hành để bảo đảm nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc thực hiện họp đồng dự án của nhà đầu tư.

Đồng thời, Ban quản lý dự án 7 và Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông được giao phối họp nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án kiểm tra xác định cụ thể phần việc, chi phí thực tế triển khai tại hiện trường và các chi phí hợp pháp khác theo quy định, ký biên bản thống nhất với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.

Trước đó, ngày 21/10/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 437 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư BOT; trong đó có quy định dự án đường bộ theo hình thức BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo, hiện hữu.

Ngoài ra, việc tiếp tục triển khai đầu tư dự án theo quy mô bề rộng nền đường 12 m, bề rộng mặt đường 11 m cũng sẽ không đáp ứng được nhu cầu giao thông trong tương lai; khi triển khai sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, cũng như gây ra bức xúc cho người dân khi triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

Do đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp nhận lại tuyến đường trên để duy tu, sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông; đồng thời, nghiên cứu đầu tư tuyến đường mới An Hữu – Cao Lãnh song song với Quốc lộ 30 hiện hữu theo đúng quy hoạch để kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT.

Lâu nay, Quốc lộ 30 là tuyến giao thông quan trọng của tỉnh Đồng Tháp, là trục cửa ngõ của tỉnh kết nối với tuyến Quốc lộ 1.

Dự án đầu tư nâng cấp Quốc lộ 30 có điểm đầu tại Km 1+200 (kết nối với dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận) thuộc địa phận huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang); điểm cuối tại Km 34+230, thuộc địa phận TP. Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp). Tổng chiều dài tuyến là 32,8 km, trong đó, đoạn qua tỉnh Tiền Giang dài khoảng 6,8 km, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp dài khoảng 26,05 km.

Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 1.130 tỷ đồng, khởi công vào tháng 5/2015; dự kiến thời gian thi công đến hết tháng 12/2016. Tuy nhiên, đến cuối tháng 8/2017, nhà đầu tư dự án vẫn chưa ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng cho vay vốn. Vì vậy, Bộ GTVT gia hạn hoàn thành dự án vào cuối năm 2018.

Đồng thời, dự án có thay thế một thành viên trong liên danh nhà đầu tư ban đầu (Công ty cổ phần Phương Nam thay thế Công ty cổ phần Đầu tư T&T).

Sau hơn 2 năm kể từ ngày khởi công, giá trị xây lắp toàn dự án mới đạt khoảng 2% (đạt 13,4 tỷ đồng trong số 662 tỷ đồng giá trị xây lắp) – bình quân mỗi năm, giá trị sản lượng chỉ đạt khoảng 4 tỷ đồng.

Điều này đã trực tiếp ảnh hưởng, gây mất an toàn cho việc đi lại của người dân. Do đường hẹp, phương tiện đông, nhiều ổ gà chiếm tới nửa diện tích đường nên trong thời gian qua trên Quốc lộ 30 đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông làm chết người. Theo thống kê trong 3 quý năm 2017, trên Quốc lộ 30 đã xảy ra 23 vụ tai nạn giao thông, làm chết 24 người và 13 người bị thương.

Hoàng Minh

Xem thêm: