Dự thảo Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án quy định trong quá trình hòa giải, đối thoại với nội dung quy định “không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại trong quá trình hòa giải” khiến các đại biểu băn khoăn về tính thống nhất, chưa rõ ràng. 

chanh an nguyen hoa binh
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. (Ảnh: quochoi.vn)

Tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội sáng 22/5, nội dung về bảo mật thông tin tại Dự thảo Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án nhận được sự chú ý.

Dự luật có phạm vi quy định các nguyên tắc về hòa giải, đối thoại được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Tại Điều 4, dự luật quy định hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại, trừ khi có sự đồng ý của bên đã cung cấp thông tin.

Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại Điều 31 của Luật này. Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (tỉnh Bắc Kạn) cho hay bảo mật thông tin là điểm nhấn mà phương thức giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại tại Tòa án hướng tới, là một trong những lý do chính để các bên lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp này.

Tuy nhiên, quy định về bảo mật thông tin tại dự luật chưa thực sự rõ ràng, không thống nhất có thể gây nên lúng túng. Thứ nhất, dự luật quy định hòa giải viên được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại nếu có sự đồng ý của bên đã cung cấp thông tin. Nhưng trên thực tế có thể phát sinh trường hợp thông tin được cung cấp bởi một bên nhưng lại là thông tin liên quan trực tiếp đến bên kia.

Thứ hai, dự luật quy định trong quá trình hòa giải không được ghi biên bản hòa giải, đối thoại và việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại, nhưng cùng lúc lại quy định nội dung biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại có bao gồm việc ghi nhận về diễn biến quá trình hòa giải, đối thoại.

Đại biểu Nguyễn Chí Tài (tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng cho rằng nếu không quy định ghi biên bản hòa giải sẽ không có căn cứ để ghi diễn biến quá trình hòa giải, đối thoại theo quy định. Do đó, đại biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh quy định để các nội dung trong dự thảo luật thống nhất và chặt chẽ.

Giải trình về một số nội dung trong dự luật, đối với các ý kiến góp ý về quy định bảo mật thông tin trong dự luật của các đại biểu, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình giải thích về quy định bảo đảm bí mật của hòa giải.

Ông Bình cho hay đảm bảo bí mật của hòa giải là nguyên tắc bao trùm của chế định hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Theo đó, Luật quy định không được ghi biên bản, ghi âm, ghi hình để đảm bảo các bên không bị chia sẻ thông tin cá nhân.

Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép. Hòa giải viên phải bảo đảm quyền, nghĩa vụ về bí mật thông tin theo quy định của Luật này.

Chánh án TAND tối cao cho hay trong một số trường hợp các bên tham gia hòa giải muốn chia sẻ với các hòa giải viên về các vấn đề cá nhân, như vì sao lại ly hôn hay các tranh chấp về chia tài sản… Những thông tin về đời tư như vậy, theo ông Bình, các hòa giải viên nên giữ bí mật.

“Khi chia tài sản người ta cũng không muốn là gia đình người ta có bao nhiêu tiền, ra tòa thì tất cả phải được công khai, đất bao nhiêu, nhà bao nhiêu, tiền bao nhiêu, cổ phần cổ phiếu bao nhiêu, nhưng chế định này người ta không muốn cho nên khi người ta đã chia sẻ thông tin với hòa giải viên tất cả những thông tin về mặt đời tư thì bổn phận của hòa giải viên phải giữ bí mật, thẩm phán cũng không được phép biết về nội dung của việc chia sẻ này.” – ông Bình nói.

Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng làm Hòa giải viên; cho rằng ngoài Thẩm phán, Kiểm sát viên… đã nghỉ hưu, Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác cần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới có thể được xem xét, bổ nhiệm làm Hòa giải viên – thời gian này là quá dài, chỉ cần 5 năm là đủ, vì tiêu chuẩn cao như thế thì khó tìm được đội ngũ hoà giải viên đa dạng thành phần.

Ông Bình cho biết đối tượng hòa giải, đối thoại thường là những vụ việc có tính chất chuyên ngành sâu, phức tạp, đòi hỏi Hòa giải viên phải am hiểu pháp luật nội dung, pháp luật tố tụng và có kinh nghiệm trong công tác pháp luật. Do đó việc quy định 10 năm sẽ đảm bảo được chuyên môn chắc, chất lượng hòa giải, đối thoại tốt. Còn sau này khi bước vào thực hiện, nếu cơ quan chuyên môn thấy rằng Hòa giải viên có 5 năm kinh nghiệm mà vẫn đảm bảo chất lương hòa giải tốt thì sẽ cân nhắc, xem xét.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết các nội dung góp ý về quyết định công nhận kết quả hòa giải, hòa giải viên, vấn đề bảo mật thông tin trong hoạt động hòa giải, đối thoại…, các cơ quan sẽ nghiên cứu, báo cáo Quốc hội trước khi xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.

Tranh luận tại phiên thảo luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho biết sau khi nghiên cứu dự thảo và ý kiến của nhiều luật sư, ông cho rằng việc ra đời chế định này phức tạp, liên quan tác động với nhiều lĩnh vực pháp lý khác nhau và có hậu quả pháp lý.

Cụ thể, dự thảo có sự chồng chéo, xung đột với quy định của Bộ Luật Dân sự. Ngoài ra, dự thảo này chưa xử lý hết những băn khoăn của các đại biểu Quốc hội. Để thận trọng, Quốc hội cần xem xét xử lý những đều phát sinh đã được góp ý và nghiên cứu thêm, trách trường hợp đã từng xảy ra ở các dự Luật khác, Quốc hội ban hành 1 hoặc 2 năm sau sau đó ách tắc trong thực tiễn phải đề nghị sửa đổi lại.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội cần cân nhắc và để lại dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án ở kỳ họp sau để hoàn chỉnh hơn.

Một số đại biểu đề nghị quy định rõ “các chức danh tư pháp khác” quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 9 của dự thảo Luật là gì và bổ sung thêm đối tượng thanh tra viên vào tiêu chuẩn hòa giải viên; đề nghị xem xét bổ sung quy định thu phí cho công tác hòa giải đối thoại, vì thực tế có những vụ việc hòa giải liên quan đến tranh chấp giá trị tài sản lớn; dự thảo quy định việc hòa giải, đối thoại có thể được tiến hành tại trụ sở tòa án hoặc ngoài trụ sở tòa án, song cần quy định rõ địa điểm bên ngoài trụ sở tòa án để đảm bảo an toàn, nghiêm túc, tránh những nơi dễ gây phản cảm.

Vĩnh Long