Cho biết việc xét xử các vụ án hình sự đạt tỷ lệ 99,5% trong 5 năm qua, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định xét xử “đúng người, đúng tội, không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội”.

nguyen hoa binh
Ông Nguyễn Hòa Bình – Chánh án TAND tối cao khi đọc bản tổng kết nhiệm kỳ trong buổi sáng 25/3. (Ảnh: quochoi.vn)

Sáng 25/3, Chánh án TAND tối cao – ông Nguyễn Hòa Bình đọc trước Quốc hội Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác của Chánh án TAND tối cao trong nhiệm kỳ 2016-2021.

Bản báo cáo dài 8 trang, trong đó 7 trang nói về “những thành tựu, kết quả nổi bật”; 8 dòng cuối nói về những hạn chế thiếu sót, chủ yếu giải thích về nguyên nhân. Phần “nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và kiến nghị, đề xuất” gần đầy một trang còn lại.

Báo cáo được mở đầu bằng nhận định ngành tòa án “đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”:

“Trong nhiệm kỳ qua, mặc dù số lượng công việc tăng (bình quân mỗi năm tăng khoảng 8%) với tính chất phức tạp, quy mô lớn và phải thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế, các tòa án đã không ngừng đổi mới, triển khai nhiều biện pháp đột phá, sáng tạo nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” – theo nội dung báo cáo.

Ông Bình đưa ra số liệu cho biết trong 5 năm qua, các tòa án thụ lý hơn 2,4 triệu vụ việc, đã giải quyết được hơn 2,3 triệu vụ việc, đạt tỷ lệ 97,6% (so với nhiệm kỳ trước, thụ lý tăng 624.551 vụ việc, đã giải quyết tăng 594.573 vụ việc).

Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hàng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội.

Việc xét xử các vụ án hình sự đạt tỷ lệ 99,5%; giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động đạt tỷ lệ 97,3%, đã xét xử các vụ án hành chính đạt tỷ lệ 89,3%, cùng vượt chỉ tiêu của Quốc hội.

“Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội. Việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hành chính bảo đảm khách quan, đúng pháp luật” – ông Bình khẳng định.

Về số vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, ông Bình cho biết trong 5 năm, đã xét xử 7.463 vụ với 14.540 bị cáo; đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng.

Số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được thụ lý trong 5 năm qua tăng 7.503 đơn so với nhiệm kỳ trước, đã giải quyết 36.042 đơn, tăng 5.268 đơn so với nhiệm kỳ trước.

Ông Bình thừa nhận hoạt động của các tòa án “còn một số hạn chế, thiếu sót”, đã nêu trong báo cáo chính gửi Quốc hội. Song, người đứng đầu ngành tòa án cho rằng những thiếu sót là do số lượng các loại vụ việc mà tòa án phải thụ lý, giải quyết tiếp tục tăng với tính chất ngày càng phức tạp (tăng 624.551 vụ việc so với nhiệm kỳ trước), số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm rất lớn, trong khi số lượng cán bộ, Thẩm phán chưa đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chế độ chính sách đối với cán bộ, thẩm phán còn chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào công tác tại tòa án…

https://trithucvn.co/tin-tuc-vn/phap-luat/viet-nam-lieu-khong-co-an-oan-sai-nhu-loi-chanh-an-chu-nhiem-uy-ban-tu-phap.html

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: “Chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội”

Sau phần báo cáo của Chánh án TAND Nguyễn Hòa Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội – bà Lê Thị Nga đã đọc bản Báo cáo thẩm tra về công tác của ngành TAND nhiệm kỳ 2016-2021. Trong đó, khẳng định lại lời của Chánh án TAND, rằng không có trường hợp nào “kết án oan người vô tội” trong các vụ án hình sự.

Đại diện Ủy ban Tư pháp cho biết về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, thì tỷ lệ giải quyết án đạt 99,5%, vượt 11,5% so với chỉ tiêu của Quốc hội; đã căn bản khắc phục được việc để án quá thời hạn, hầu hết các vụ án đưa ra xét xử đều trong thời hạn luật định; riêng án kinh tế, tham nhũng, không có vụ án nào để quá thời hạn.

“Đặc biệt, trong cả nhiệm kỳ, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt mà tòa án áp dụng cơ bản nghiêm minh, đúng pháp luật”, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho biết.

Số lượng vụ việc dân sự thụ lý tăng cao so với nhiệm kỳ trước và tính chất ngày càng phức tạp, tỷ lệ giải quyết án vượt 19,3% so với chỉ tiêu của Quốc hội.

Bà Nga cho hay vẫn còn một số trường hợp phải hủy, sửa án do nguyên nhân chủ quan; có trường hợp sau khi tuyên án, đương sự phản ứng bức xúc với kết quả xét xử; chậm giải quyết yêu cầu phá sản của doanh nghiệp…

Đối với các vụ án hành chính, bà Nga công bố rằng tỷ lệ giải quyết án hành chính sau nhiều năm đạt thấp, đến năm 2020 đã giải quyết đạt 68,8%, vượt 8,8% so với chỉ tiêu của Quốc hội. Đến năm 2020, không còn vụ án nào để quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan.

Tuy nhiên, thời gian giải quyết một số vụ án hành chính còn dài. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội; trong một số vụ án, Thẩm phán có sự e ngại, nể nang đối với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.

Nguyễn Quân

Xem thêm: