Trả lời chất vấn trong phiên họp chiều nay của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh nhận được 46 câu hỏi đăng ký chất vấn (30 câu hỏi đã được trả lời tại phiên làm việc) và 5 ý kiến tranh luận.

bo truong khcn chu ngoc anh 2
Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh trong phiên chất vấn chiều 19/3.

Tham gia trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội chiều nay cùng với Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tham gia trả lời các vấn đề liên quan.

Các đại biểu chất vấn Bộ trưởng KH-CN theo 3 nhóm vấn đề:

  • Hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội;
  • Việc kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ;
  • Ứng dụng khoa học – công nghệ thúc đẩy tăng năng suất lao động; ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm là chi phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học – công nghệ.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) chất vấn Bộ trưởng về con số tuyệt đối hoặc tỷ lệ phần trăm hàng năm ngân sách Nhà nước chi cho việc nghiên cứu đề tài khoa học. “Có hay không tình trạng đề tài khoa học “bỏ ngăn tủ” – nghĩa là nghiên cứu chỉ để nghiên cứu mà không có giá trị ứng dụng nào vào thực tiễn”, đại biểu Thắng nêu câu hỏi.

hoang duc thang quang tri
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) chất vấn Bộ trưởng.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho hay Bộ cũng rất trăn trở về việc này. Thực tế một số đề tài khoa học có trễ, có rủi ro, thử rồi sai… Để giải quyết tình trạng này, hiện Bộ đang tập trung rà soát lại, tái cơ cấu chuỗi nghiên cứu khoa học, nghiên cứu cơ bản.

Bộ trưởng cho hay phân bổ chi phí cho các nhiệm vụ KH-CN đang được đầu tư với tỷ lệ 50:50, trong đó 25% cho nhiệm vụ cấp quốc gia, 25% thuộc cấp bộ ngành cơ sở. Năm 2018, chi phí đầu tư cho nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia là 2.900 tỷ đồng. Theo Tổng cục thuế, quỹ đầu tư của 200 doanh nghiệp ngoài quốc doanh khoảng 3.500 tỷ.

Tham gia trả lời cùng Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết chi hàng năm cho KH-CN chiếm khoảng 2% dự toán chi ngân sách. Cụ thể:

  • Giai đoạn 2006 – 2010: Tổng chi ngân sách là 2.092.680 tỷ đồng. Trong đó, chi trực tiếp cho KH-CN là 42.352 tỷ đồng (2,02%) và chi quốc phòng an ninh là 6.540 tỷ đồng.
  • Giai đoạn 2011 – 2015, tổng chi ngân sách là 4.760.500 tỷ đồng. Trong đó, chi cho KH-CN là 77.342 tỷ đồng, chi đầu tư KH-CN cho quốc phòng an ninh 7.750 tỷ đồng và chi từ nguồn ưu đãi tính thuế thu nhập của các doanh nghiệp là 18.470 tỷ đồng. Tổng số: 95.812 tỷ đồng (bằng 2,01% bội chi ngân sách).
  • Các năm 2016, 2017 và 2018: Đều bố trí đầu tư cho KH-CN 2% tổng chi ngân sách.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho hay về cơ chế tài chính cho KH-CN, trong thời gian vừa qua, Bộ thường xuyên đổi mới về cơ chế tài chính, đặc biệt là cơ chế tài chính cho đề tài nghiên cứu dự án (như Thông tư 55, thông tư 27…).

bo truong tai chinh dinh tien dung
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Tham gia tranh luận về việc lãng phí trong đề tài nghiên cứu khoa học, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương cho rằng tình trạng lãng phí đề tài nghiên cứu vẫn còn. Theo phản ánh của cử tri, có một số đề tài nghiên cứu khoa học, nhất là trong lĩnh vực khoa học – xã hội không gắn với thực tế. Cụ thể, có một số dự án luật mà Quốc hội giao cho các bộ, các bộ lập đề tài phục vụ nghiên cứu cho việc xây dựng dự luật đó, đến khi kết thúc, các đề tài này được chia thành mấy đề tài nghiên cứu khoa học nhỏ để thanh toán. Đại biểu Cương cho hay tình trạng này gần đây đã giảm bớt khá nhiều nhưng Bộ KH-CN vẫn cần có giải pháp cụ thể hơn để tránh tính trạng lãng phí bởi chi phí dành cho nghiên cứu KH-CN khoảng 2% ngân sách là con số không hề nhỏ.

nguyen si cuong
Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương.

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, giải pháp đang được Bộ thực hiện là bỏ nghiên cứu ở cấp cơ sở mà tập trung vào những vấn đề trọng yếu nhất của tỉnh. Ví dụ như với Hà Giang – một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, hiện các nghiên cứu khoa học chỉ tập trung với các tư vấn của Fulbright về chỉ dẫn địa lý,… Bộ KH-CN thiết kế các nhiệm vụ trực tiếp hỗ trợ.

Cùng với việc phân bổ và sử dụng hiệu quả chi phí đầu tư cho KH-CN, các đại biểu cũng quan tâm đến tính hiệu quả của các dự án phát triển KH-CN như tình trạng các khu công nghệ cao không phát huy được vai trò mũi nhọn trong phát triển KH-CN như: khu công nghệ cao Hòa Lạc, các khu công nghệ tại TP.HCM, Đà Nẵng; việc chuyển giao KH-CN cho các bộ ngành, ứng dụng KH-CN trong sản xuất nông nghiệp – giải cứu nông sản; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo…

Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên thí điểm hình thức “chất vấn và trả lời chất vấn ngay” đối với hai Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay việc thí điểm này sẽ được xem xét và đánh giá trước kỳ họp thứ 5 tới của Quốc hội.

Tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 4/2018, Ủy ban sẽ cho ý kiến về 12 dự án luật cùng nhiều nội dung khác, trong đó có 3 dự án luật chuyển từ phiên họp thứ 23 sang, 4 dự án luật do Chính phủ đề nghị bổ sung. Các dự án luật lần đầu trình tại kỳ họp thứ 5 cần UBTVQH cho ý kiến chậm nhất tại phiên họp thứ 23 tới.

Phiên họp thứ 24 sẽ tập trung cho ý kiến về các vấn đề kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước và xem xét rà soát lần thứ 2, 3 đối với dự án luật có ý kiến khác nhau.

Kim Long – Hải Anh

Xem thêm: